Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chạy đua mở ngành chất lượng cao

Chương trình chất lượng cao đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết, thậm chí cách làm lệch chuẩn của nhiều cơ sở đào tạo khiến dư luận cho rằng chương trình không thật sự chất lượng cao.

Hiện nay, từ trường đại học đại học công lập (kể cả 23 trường đại học công lập tự chủ) cho đến đại học tư thục đều đua nhau tuyển sinh, đào tạo chương trình chất lượng cao.

Song dường như việc chạy đua mở ngành, kiếm chỉ tiêu chủ yếu là để giải quyết bài toán tài chính hơn là quan tâm đến vấn đề chất lượng, như đúng tên gọi vốn có của chương trình này.

Chương trình "hot"

Năm 2006, chương trình tiên tiến là dự án quốc gia do Bộ GD&ĐT chủ trì và triển khai thí điểm tại 10 đại học trọng điểm của Việt Nam, nhằm quốc tế hóa chương trình đào tạo đại học trong nước trên cơ sở chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến của các đại học uy tín trên thế giới.

Đến nay, chương trình tiên tiến dường như rất ít trường mặn mà, vì tuyển sinh rất khó. Thay vào đó, chương trình chất lượng cao lại là thị trường rất “hot”. Tại rất nhiều trường, số lượng chương trình chất lượng cao và chỉ tiêu cho hệ chất lượng cao chiếm gần 50% so với chương trình đại trà.

chuong trinh chat luong cao anh 1

Sinh viên hệ chất lượng cao Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong giờ học lý thuyết. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng.

ĐH Tài chính Marketing TP.HCM, năm 2012, chính thức tuyển sinh chương trình chất lượng cao và chỉ có 300 chỉ tiêu. Thế nhưng đến nay, trong 11 ngành đào tạo (chưa nói tới chuyên ngành) của trường, có đến 5 ngành tuyển chương trình chất lượng cao.

Chỉ tiêu tuyển sinh hệ này của trường này năm nay cũng đã chiếm ngót nghét gần 1/3 tổng chỉ tiêu. Nếu xét về tổng quy mô sinh viên toàn trường, hệ chất lượng cao hiện chiếm hơn 1/4.

Là một trong số 10 trường được chọn thí điểm cho chương trình chất lượng cao, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, chia sẻ: Trường được Bộ GD&ĐT cho thí điểm đào tạo chương trình chất lượng cao từ năm 2006. Trong những năm đầu, việc tuyển sinh chương trình này rất khó khăn.

Khái niệm chất lượng cao trong giáo dục còn khá lạ lẫm đối với phụ huynh, sinh viên và cả dư luận xã hội. Một số ngành của trường không tuyển đủ số sinh viên tối thiểu để mở lớp.

"Tuy nhiên, nhà trường vẫn kiên định trong chính sách chất lượng, thực hiện những cam kết của chương trình đối với người học. Dần dần, chương trình đã có một chỗ đứng, trở thành một trong những lựa chọn của sinh viên nhờ chất lượng vượt trội.

Tính đến năm học 2019-2020, nhà trường đang đào tạo 17 chương trình chất lượng cao trong tổng số 39 chương trình đào tạo, chiếm tỷ lệ gần 44%. Các chương trình hệ này thuộc những ngành đào tạo thế mạnh của nhà trường”, ông Dũng nói.

Tại ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, hệ đại trà có 16 ngành, hệ chất lượng cao cũng có tới 12 ngành. Với ĐH Tôn Đức Thắng, chương trình tiêu chuẩn (hệ đại trà) có 39 ngành và hệ chất lượng cao có đến 26 ngành, chia thành 2 loại: Song ngữ Anh - Việt (17 ngành), Tiếng Anh (9 ngành).

ĐH Công nghiệp TP.HCM có 33 ngành chương trình đại trà và 16 ngành chương trình chất lượng cao.

Hiện nay, từ các trường ĐH tốp đầu như ĐH Quốc gia Hà Nội và TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương cho đến các đại học địa phương, thậm chí cả tư thục, cũng tuyển sinh chương trình hệ này, với chỉ tiêu ngày càng tăng.

Tuyển nhiều, nguồn thu sẽ tăng

Ngoài 23 trường đại học công lập tự chủ (giai đoạn 2015-2017), các trường công lập còn lại thu học phí theo đúng quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ đối với các mức cụ thể theo từng nhóm ngành. Tuy nhiên, mức học phí này thật sự khiến các trường thiếu trước hụt sau vì chi phí đào tạo thực tế vượt xa rất lớn.

Chính vì vậy, chương trình này như là “giải pháp tháo gỡ khó khăn”, được hợp thức hóa bằng Thông tư 23/2014 của Bộ GD&ĐT quy định về đào tạo trình độ đại học.

Có lẽ điểm mấu chốt chính là khoản 3, Điều 4 của Thông tư 23, quy định: “Các trường được xác định mức học phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo cho toàn khóa học; xây dựng lộ trình điều chỉnh mức học phí cho những khóa học tiếp theo (nếu cần thiết); xây dựng phương án thu, chi và quản lý kinh phí để đảm bảo thực hiện đầy đủ các tiêu chí của chương trình này (bao gồm cả miễn, giảm học phí cho sinh viên thuộc diện chính sách được nhận hỗ trợ tài chính của Nhà nước); thực hiện trích lập các quỹ theo quy định hiện hành đối với phần chênh lệch thu chi còn lại”. Chính vì vậy, các trường phải suy nghĩ mọi cách cho có chương trình để tuyển sinh.

Thử nhìn qua mức học phí (năm học 2019-2020) của chương trình đại trà và chương trình này sẽ thấy vì sao các trường lại chạy đua tuyển sinh chương trình như hiện nay.

Tại ĐH Tài chính Marketing TP.HCM, chương trình đại trà học phí 18,5 triệu đồng/năm, chương trình này là 36,3 triệu đồng/năm.

Ở ĐH Luật TP.HCM, chỉ tiêu chương trình này không hề công bố (trên Cổng thông tin Tuyển sinh của Bộ GD&ĐT), học phí hệ đại trà là 17,5 triệu đồng/năm, còn chương trình chất lượng cao là 43,75 triệu đồng/năm.

ĐH Kinh tế TP.HCM có 8/17 ngành là chương trình chất lượng cao, mức học phí hệ đại trà 18,5 triệu đồng/năm, chương trình chất lượng cao là 32 - 40 triệu đồng/năm (tùy từng ngành).

ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM học phí hệ đại trà 16,5-18,5 triệu đồng/năm, hệ chất lượng cao bằng tiếng Việt 27-28 triệu đồng/năm, hệ chất lượng cao bằng tiếng Anh 30 triệu đồng/năm…

10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019

Ngày 3/3, Hội đồng xét tặng giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 đã họp lần thứ hai và chọn ra 10 cá nhân xuất sắc.

https://www.sggp.org.vn/lech-chuan-chuong-trinh-chat-luong-cao-bai-1-chay-dua-mo-nganh-chat-luong-cao-649055.html?fbclid=IwAR2MpMhTe8nKOxIjqxWq1duAEFatjkx_xCKdOqss7WVarymiTmBy5bItYT0

Theo Thanh Hùng / Sài Gòn Giải Phóng

Bạn có thể quan tâm