Bước vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhiều người thường lựa chọn về quê nghỉ ngơi hay đi du lịch vài ngày bằng xe máy.
Dưới đây là những lưu ý khi sử dụng phương tiện này để di chuyển những cung đường dài.
1. Kiểm tra xe kỹ lưỡng trước khi xuất phát
Khác với di chuyển trong thành phố hàng ngày, điều khiển xe máy đi xa yêu cầu người lái phải kiểm tra xe vì xe sẽ phải hoạt động liên tục ở tốc độ cao trong khoảng thời gian dài. Những điểm cần lưu ý khi kiểm tra xe là lốp xe, động cơ và các bộ phận hỗ trợ như hệ thống đèn, còi, phanh...
Đối với lốp xe cần bơm đúng áp suất lốp mà hãng khuyến nghị, thông số này có thể được tìm thấy ở gắp sau hoặc phần yếm trước. Ngoài ra cũng cần quan sát độ mòn của lốp dựa theo vạch chỉ thị độ mòn in trên lốp và thay thế nếu cần thiết.
Nếu phải chạy xe về quê với đoạn đường vài trăm km, chủ xe cũng nên thay nhớt cho động cơ nếu nhớt đã sử dụng quá lâu. Có thể lựa chọn những dòng dầu nhớt tổng hợp hoặc bán tổng hợp để kéo dài thời gian sử dụng, cũng như bảo vệ động cơ tốt hơn.
Về các bộ phận như hệ thống đèn, còi... người lái có thể kiểm tra bằng cách quan sát xem các bộ phận này còn hoạt động tốt hay không. Đối với hệ thống phanh đĩa, người lái có thể quan sát phần lá bố trên má phanh xem đã mòn nhiều hay chưa, đối với phanh đùm thì quan sát vạch chỉ thị độ mòn má phanh.
2. Tính toán thời gian di chuyển vừa sức
Hiện tại không có con số cụ thể về thời gian mà người điều khiển xe máy được phép di chuyển liên tục, tuy nhiên người lái nên dừng lại sau mỗi 2 giờ di chuyển. Khoảng thời gian người lái nghỉ ngơi cũng cho phép động cơ xe không bị quá nhiệt và giảm công suất.
Nếu như cảm thấy buồn ngủ hay khó chịu khi đang di chuyển, cần phải tấp vào lề và tìm kiếm một chỗ ngồi để nghỉ ngơi. Không nên cố gắng chạy vì có thể xảy ra những tình huống đáng tiếc.
Tuy nhiên nếu liên tục dừng lại nghỉ ngơi có thể khiến cho cơ thể cảm thấy mệt mỏi, uể oải. Để hạn chế tình trạng này, người lái có thể kết hợp việc nghỉ ngơi khi ghé đổ xăng.
3. Không chạy quá tốc độ
Theo nhiều nghiên cứu, chạy quá tốc độ cho phép là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông. Đường sá ở Việt Nam tiềm ẩn không ít nguy hiểm do nhà ở thường xây dựng sát phần đường xe chạy và có nhiều đường nhánh, vì thế chạy nhanh có thể khiến cho người lái không đủ thời gian để xử lý tình huống.
Tốc độ tối đa cho phép ngoài khu vực dân cư là 70 km/h (đường đôi có dãy phân cách cứng, đường một chiều có 2 làn xe cơ giới) hoặc 60 km/h (đường hai chiều không có dãy phân cách cứng, đường một chiều có một làn xe cơ giới).
Tốc độ tối đa cho phép trong khu vực dân cư là 60 km/h (đường đôi có dãy phân cách cứng, đường một chiều có 2 làn xe cơ giới) hoặc 50 km/h (đường hai chiều không có dãy phân cách cứng, đường một chiều có một làn xe cơ giới).
4. Giữ khoảng cách an toàn với phương tiện phía trước
Đây là lỗi phổ biến của người Việt khi lái xe, đã từng có rất nhiều vụ va chạm xảy ra do không giữ khoảng cách an toàn giữa 2 phương tiện.
Hiện tại ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể khoảng cách giữa 2 xe máy khi di chuyển trên đường giống như xe máy chuyên dụng hay ôtô. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho bản thân, người lái nên giữ khoảng cách với xe trước ít nhất 3 giây.
Người lái có thể chủ động đo khoảng cách với xe trước bằng cách sử dụng các cột mốc trên đường. Chẳng hạn như chiếc xe trước chạy ngang qua cột mốc ở thời gian N, thì phương tiện của người lái cần chạy ngang qua cột mốc đó ở thời gian N + 3 giây.
Cần lưu ý, nếu xe phía trước xảy ra sự cố thì người điều khiển xe máy nên hạn chế việc lách ra bên trái, vì có thể ở phía sau có phương tiện chạy lên. Điều này có thể khiến cho bản thân người lái gặp tai nạn.
5. Quan sát kỹ các bảng chỉ dẫn
Hầu hết người điều khiển xe máy không có thói quen quan sát các bảng chỉ dẫn, điều này gây không ít nguy hiểm với bản thân và những người xung quanh. Một trong những lỗi phổ biến là không quan sát biển phân làn và phân hướng đi.
Chẳng hạn như việc dừng xe trên làn đường cho phép di chuyển có thể khiến cho các phương tiện phía sau đâm vào nếu không phát hiện kịp thời. Ngoài ra, không quan sát hướng đi ở các giao lộ nhiều ngã rẽ cũng gây ra không ít rắc rối cho người điều khiển.
Người lái xe nên tập thói quen quan sát các biển báo chỉ dẫn và tuân thủ theo để giảm thiểu tình trạng đi sai làn đường, gây khó khăn cho các phương tiện khác, cũng như khiến bản thân gặp nguy hiểm.