Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

'Chỉ bàn làm, không bàn lùi' để giáo dục hiện đại, vươn tầm

TS Phạm Hiệp cho rằng "xây dựng nền giáo dục quốc dân hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới" là con đường duy nhất để thúc đẩy đất nước hùng cường, vững mạnh.

Phát biểu bế mạc tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Trung ương thống nhất quyết tâm mạnh mẽ “xác lập mô hình tăng trưởng mới”, “xây dựng nền giáo dục quốc dân hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới” là các giải pháp căn cơ để khắc phục nguy cơ tụt hậu. Trong mô hình tăng trưởng mới, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia làm động lực chủ yếu.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews về đường lối chiến lược của Ban Chấp hành Trung ương, TS Phạm Hiệp cho rằng đây là con đường duy nhất để thúc đẩy đất nước hùng cường, vững mạnh, thực hiện đúng di nguyện của Bác Hồ là “sánh vai với cường quốc năm châu”. Trong đó, con đường tất yếu là phát triển dựa trên tri thức, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

"Đúng như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong nhiều việc gần đây, chúng ta nên 'chỉ bàn làm, không bàn lùi'. Đường lối đã rõ, vấn đề còn lại là bàn bạc phương pháp triển khai một cách linh hoạt, tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm quốc tế để đạt được mục tiêu đã đề ra", TS Phạm Hiệp nói.

TS Hiệp là Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và Chuyển giao tri thức, Đại học Thành Đô; thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Ông là nhà nghiên cứu giáo dục có uy tín với nhiều công bố trong nước và quốc tế về chủ đề đổi mới giáo dục, quốc tế hóa giáo dục và chính sách khoa học. TS Hiệp đồng thời cũng là thành viên ban biên tập của nhiều tạp chí quốc tế uy tín được chỉ mục Scopus, WOS.

giao duc vuon tam anh 1

TS Phạm Hiệp cho rằng con đường tất yếu là phát triển dựa trên tri thức, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ảnh: NVCC.

Hai nội dung then chốt

- Xác định là con đường tất yếu "chỉ bàn làm không bàn lùi", theo góc nhìn của ông, cách thức tiến hành thế nào để chúng ta hiện thực hóa mục tiêu nền giáo dục ngang tầm khu vực và thế giới?

- Theo tôi, hai nội dung cần quan tâm nhất là giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, đại học. Hai hệ thống này cần có mục tiêu khác biệt.

Về giáo dục phổ thông, hiện tại, Việt Nam đã phổ cập giáo dục tiểu học và đang trong quá trình phổ cập THCS (hiện tỷ lệ đạt 70-80%). Mục tiêu hàng đầu là tiến tới phổ cập giáo dục THPT.

Song song với đó, cần nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc phổ thông, đảm bảo vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa trang bị cho học sinh nền tảng kiến thức và kỹ năng để sẵn sàng hội nhập quốc tế, trở thành công dân toàn cầu và hướng tới sự phát triển bền vững.

Về giáo dục nghề nghiệp và đại học, bên cạnh nhiệm vụ cốt lõi là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lao động không chỉ trong nước mà còn cho khu vực và thế giới, hệ thống này còn có vai trò quan trọng trong việc sáng tạo và chuyển giao tri thức cho xã hội, bao gồm cả Việt Nam và quốc tế.

Khi đó, các trường đại học sẽ trở thành trung tâm của nền kinh tế tri thức, đóng vai trò là mắt xích trung tâm trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Đây là nơi khởi nguồn của những phương pháp và tri thức mới, dẫn dắt sự phát triển của xã hội và nền kinh tế.

Trong hệ thống giáo dục này, cần có một số trường vươn tầm khu vực và thế giới để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực và chuyển giao tri thức cho cả khu vực và quốc tế.

giao duc vuon tam anh 2

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu khoa học, trưng bày sản phẩm tại triển lãm, tháng 5/2024. Ảnh: HUST.

- Ông có thể nói kỹ hơn về hệ giáo dục phổ thông, địa hạt vốn có nhiều thay đổi trong những năm qua về đầu tư công - tư, chương trình học?

- Để thực hiện được, với giáo dục phổ thông, Nhà nước vẫn cần duy trì đầu tư chủ yếu, chiếm khoảng 90-95%. Những khu vực hiện nay vẫn đang thiếu trường, lớp bậc THPT, Nhà nước cần phải đầu tư xây dựng để đáp ứng nhu cầu người học và hướng tới phục vụ mục tiêu phổ cập THPT.

Bên cạnh đó, một phần nhỏ sẽ dành cho khu vực giáo dục tư nhân, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội cũng như các chương trình quốc tế phục vụ nhân dân và người nước ngoài tại Việt Nam.

Trong khi đó, về chương trình, việc đổi mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần tiếp tục được đẩy mạnh, hướng tới sự hội nhập, quốc tế hóa và phát triển bền vững hơn.

Thực tế, chương trình giáo dục 2018 đã có định hướng này, nhưng sau một chu kỳ triển khai và khi lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp, việc rà soát, điều chỉnh là cần thiết. Cùng với đó, cần tăng quyền chủ động và nâng cao năng lực cho nhà trường và giáo viên trong việc lựa chọn tài liệu học tập từ các bộ sách và tài liệu chuyên môn do họ biên soạn.

Cuối cùng, cần có chính sách cởi mở và rõ ràng hơn để thu hút các trường phổ thông quốc tế vào Việt Nam, tạo thêm nhiều lựa chọn cho người học. Hiện tại, Việt Nam đã có sự tham gia của các trường quốc tế, nhưng cần tiếp tục mở rộng hơn nữa.

Tuy nhiên, cần xác định tỷ lệ tối đa cho loại hình giáo dục này chỉ khoảng 5-10%. Con số cụ thể cần được thảo luận kỹ lưỡng, nhưng tôi cho rằng không nên chiếm tỷ lệ lớn.

Đầu tư lớn để có "đại học tinh hoa"

- Vậy còn với bậc giáo dục đại học, với hàng trăm cơ sở đào tạo như hiện nay, làm sao để tối ưu hóa nguồn lực đầu tư, đưa hệ thống này trở thành "trung tâm nền kinh tế tri thức, mắt xích trung tâm trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội" như ông vừa trao đổi?

- Để nâng tầm giáo dục đại học và đào tạo nghề, Nhà nước cần có sự đầu tư trọng điểm vào một số cơ sở giáo dục chất lượng cao.

Đây phải là những khoản đầu tư lớn, hướng tới mục tiêu vươn lên đẳng cấp quốc tế, để các cơ sở này trở thành "máy cái" của hệ thống, đào tạo tinh hoa không chỉ cho Việt Nam mà còn cho khu vực và thế giới.

Mục tiêu cụ thể là đưa những trường này lọt vào top 200-300, thậm chí là 100 đại học hàng đầu thế giới; không chỉ thu hút giảng viên, sinh viên giỏi trong nước mà có cả giảng viên, sinh viên nước ngoài.

Các cơ sở được đầu tư trọng điểm phải trở thành "máy cái" của hệ thống, đào tạo tinh hoa không chỉ cho Việt Nam mà còn cho khu vực và thế giới

TS Phạm Hiệp

Trước mắt, các cơ sở giáo dục này cần có năng lực đào tạo và nghiên cứu cạnh tranh được với các đại học hàng đầu trong khu vực như Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), Đại học Malaya (Malaysia)...

Về lâu dài, mục tiêu là vươn tới cạnh tranh với các trường tốp đầu châu Á như Đại học Quốc gia Singapore (Singapore), Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh (Trung Quốc)...

Nhà nước cần tập trung nguồn lực vào các trường đại học trọng điểm này, đồng thời xem xét mô hình chuyển đổi các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu thành các trường đào tạo sau đại học, hoặc thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu và trường đại học.

Ví dụ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cần tăng cường hợp tác sâu rộng với Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội để khai thác tối đa cơ sở vật chất và năng lực của cả hai bên. Trong tương lai, các viện nghiên cứu tiềm năng cũng có thể phát triển thành các trường đào tạo sau đại học.

Đối với các trường đại học tốp giữa và trung bình, tôi cho rằng nên để thị trường tự vận hành. Các trường tư thục, bao gồm cả các trường quốc tế, cần được tạo điều kiện, khuyến khích phát triển tự chủ. Mục tiêu là nâng tỷ lệ trường tư thục lên 50%, thậm chí 70% tổng số trường và sinh viên (hiện nay khoảng 20-30%).

Nhà nước sẽ tập trung nguồn lực vào khoảng 30% số trường đại học là đại học công, trong đó, nhóm các trường hàng đầu, đỉnh cao chỉ chiếm khoảng 10-15 trường, thậm chí ít hơn.

- "Đại học tinh hoa" đòi hỏi không chỉ về kinh phí mà còn sự kiên trì trong đầu tư, khó có thể đốt cháy giai đoạn. Từ kinh nghiệm các trường tốp đầu như ông đề cập, chúng ta có thể rút lại những vấn đề gì?

- Việc đầu tiên là các cơ sở giáo dục phải xác định rõ tầm nhìn và lựa chọn phân khúc hoạt động. Nếu một trường đại học đặt mục tiêu trở thành đại học tinh hoa, hàng đầu quốc gia, họ cần áp dụng những tiêu chuẩn khắt khe hơn trong nhiều khía cạnh.

Điều này bao gồm tuyển dụng giảng viên giỏi nhất, tuyển sinh khắt khe hơn, đổi mới chương trình đào tạo, đẩy mạnh hội nhập quốc tế thông qua các kiểm định uy tín, thu hút giảng viên, sinh viên quốc tế.

Một mặt, Nhà nước cần có chính sách đầu tư khác biệt và tương xứng. Mức đầu tư bình quân có thể lên tới hàng trăm triệu đồng/sinh viên/năm. Bên cạnh đó, cần đảm bảo thu nhập ổn định và cạnh tranh cho đội ngũ giảng viên thông qua ngân sách nhà nước, bao gồm lương và các nguồn tài trợ cho dự án, đề tài nghiên cứu.

Đổi lại, đội ngũ giảng viên của các trường đại học tinh hoa phải là những người thực sự giỏi nhất, có trình độ chuyên môn cao, đủ khả năng cạnh tranh với các đồng nghiệp tại các trường đại học hàng đầu khu vực và thế giới.

Tương tự, sinh viên của những trường này phải là những người xuất sắc. Thay vì lựa chọn du học, họ quyết định ở lại Việt Nam bởi chất lượng đào tạo tương đương và các chính sách học bổng hấp dẫn.

Phải khẳng định lại đây là những trường đại học không dành cho số đông, mà tập trung đào tạo những cá nhân ưu tú, những người có sứ mệnh trở thành lực lượng tiên phong, dẫn dắt và phụng sự xã hội, đất nước trong tương lai.

giao duc vuon tam anh 3

Sinh viên Đại học Ngoại thương trong lễ tốt nghiệp tháng 4/2025. Ảnh: NTCC.

Việt Nam có lợi thế đặc biệt, song phải khẩn trương

- Trong bối cảnh không chỉ giáo dục mà nhiều lĩnh vực chúng ta phải đuổi theo các nước, yếu tố nào là chỗ dựa niềm tin để chúng ta tự tin đạt được các mục tiêu trên?

- Phải nhìn nhận thực tế là chúng ta đang đối mặt với một số thách thức. Thứ nhất là cơ chế đầu tư. Hiện tại, việc phân bổ ngân sách cho giáo dục, nhất là giáo dục đại học thường dựa trên kế hoạch và dàn trải, chưa có sự ưu tiên đầu tư đột phá, tập trung vào các trường có tiềm năng vươn lên đẳng cấp khu vực và quốc tế. Dù đã có những động thái nhất định, nhưng vẫn chưa đủ mạnh mẽ để tạo ra sự khác biệt rõ rệt.

Các trường tốp đầu hiện nay, do áp lực tự chủ tài chính, vẫn phải chú trọng vào số lượng tuyển sinh để đảm bảo nguồn thu, thay vì quy mô tuyển sinh vừa phải để tập trung vào chất lượng.

Thứ hai là nguồn lực con người và văn hóa. Số lượng giảng viên Việt Nam thực sự đạt đẳng cấp quốc tế vẫn còn hạn chế. Chúng ta có nhiều giảng viên giỏi, nhưng số lượng có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nước phát triển trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc chưa nhiều.

Tương tự, số lượng sinh viên Việt Nam có khả năng cạnh tranh quốc tế cũng còn ít. Chưa kể, những sinh viên giỏi này lại có xu hướng muốn du học hơn là ở lại Việt Nam, điều này xuất phát từ yếu tố văn hóa và tâm lý.

Thứ ba là khả năng thu hút nhân tài quốc tế. Các trường đại học Việt Nam hiện nay chưa thực sự hấp dẫn đối với sinh viên giỏi và giảng viên chuyên nghiệp từ nước ngoài.

Những người đến Việt Nam thường chưa phải là những người giỏi nhất trong lĩnh vực của họ. Trong khi đó, từ 20 năm trước, các quốc gia như Singapore đã thu hút được những sinh viên, giảng viên giỏi nhất khu vực đến học tập và làm việc. Đây điều mà Việt Nam vẫn chưa làm được.

Nhìn chung, hệ thống đại học Việt Nam đang tương tự so với các nước phát triển trong khu vực cách đây khoảng 30-40 năm. Để thu hẹp khoảng cách này, cần có những thay đổi căn bản và toàn diện.

Sự cạnh tranh hiện tại gay gắt hơn nhiều so với thời điểm đổi mới của Singapore hay sự phát triển ban đầu của các nước Đông Á, dù vậy, Việt Nam lại đang có những lợi thế đặc biệt.

Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, điều thuận lợi lớn là Việt Nam vẫn duy trì sự ổn định về chính trị và kinh tế, sự đồng thuận trong lòng dân và quyết tâm cao của cả hệ thống. Dân số hiện tại vẫn trẻ và năng động.

Dù vẫn còn thách thức, đây là thời cơ vàng để Việt Nam bứt phá. Tuy nhiên, thời gian không còn nhiều, chỉ còn khoảng 20 năm do quá trình già hóa dân số. Vì vậy, tôi cho rằng, chúng ta cần hành động quyết liệt, khẩn trương, đồng lòng thực hiện đường lối đã xác định, linh hoạt điều chỉnh phương pháp để đạt được mục tiêu phát triển.

TS Phạm Hiệp nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Văn hóa Trung Hoa (Đài Loan, Trung Quốc). Ông cũng có thời gian làm nghiên cứu viên tại Đại học Melbourne (Australia) theo chương trình Endeavour Fellow.

Ngoài công việc nghiên cứu, ông còn là tác giả của nhiều bài viết và sách chuyên ngành, giúp nâng cao hiểu biết về hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam. Năm 2022, ông nhận giải thưởng thường niên dành cho nhà khoa học xuất sắc của Hiệp hội Giáo dục so sánh và quốc tế - Mạng lưới Du học và Sinh viên Quốc tế (Comparative and International Education Society - The Study Abroad and International Student).

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.


Đặt mục tiêu trên 3 triệu người học đại học vào năm 2030

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt quy mô giáo dục đại học trên 3 triệu người học, đạt 260 sinh viên và 23 học viên sau đại học trên một vạn dân.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm