Sáng 10/10, ông Đặng Đình Quân, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết chỉ số tia cực tím (UV) tại các thành phố này nằm trong ngưỡng cao (5.5-7.4) đến rất cao (7.5-8.2). Từ 10-14h, chỉ số tia cực tím ở các thành phố này đều ở mức cao. Tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài trong các ngày từ 11 đến 13/10.
Ngày 10/10, chỉ số tia cực tím ở một số thành phố được dự báo ở ngưỡng nguy hại rất cao (màu đỏ) đối với cơ thể con người. Ảnh: NCHMF. |
Các địa phương từ Khánh Hòa đến Cà Mau, chỉ số tia cực tím được dự báo nguy cơ gây hại cao trong ngày 11/10. Các ngày tiếp theo chỉ số này giảm xuống mức nguy cơ gây hại trung bình. TP.HCM, Nha Trang có nguy cơ gây hại cao và rất cao trong ngày 12-13/10.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo khi chỉ số tia UV mức 8-10, nếu người dân ở ngoài nắng khoảng 25 phút có thể bị bỏng da. Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM), cho biết bức xạ cực tím là thành phần trong ánh sáng mặt trời. Trong đó, quan trọng nhất là tia cực tím A và B (UVA và UVB) do có thể gây tổn thương DNA của tế bào da.
Khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, da sẽ bị bỏng, khô, sạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm nhanh lão hóa và có thể gây ung thư da. Da bị bỏng nhiệt sẽ phồng rộp, đỏ, đau.
ThS.BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó trưởng khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho hay tia cực tím có thể gây hại da bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, da bị tác động nhiều hơn vào những tháng mùa hè, nắng nóng cao điểm khi mức độ tiếp xúc của chúng ta cao hơn.
Người dân nên hạn chế ra đường giờ cao điểm, có các biện pháp che chắn khi ra đường để tự bảo vệ như dùng kem chống nắng, mặc trang phục dày, đeo kính râm...