Có mặt tại trung tâm dạy nhạc ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), Kim Anh (sinh năm 1998, quận Nam Từ Liêm) bắt đầu buổi học bằng những bài luyện thanh, khởi động cơ bản dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Dù mới là buổi học thứ 2 trong khóa học 1-1 kéo dài 12 buổi, cô khá vui khi nhận thấy mình đã có những tiến bộ như bắt đầu biết ngắt nghỉ đúng nhịp hơn, lấy hơi sao cho đúng. |
Vốn yêu thích ca hát, thường ngân nga ở nhà và đi karaoke với bạn bè, Kim Anh chưa hài lòng với chất giọng yếu, không lên được nốt cao. Cô quyết định tìm người hướng dẫn chuyên nghiệp để chinh phục những ca khúc dân ca yêu thích. "Trước đây tôi cứ nghĩ rằng đi học thanh nhạc là điều gì to tát lắm, chỉ dành cho những người chuyên nghiệp hoặc có nhu cầu thi thố, không ngờ giờ có cả những khóa học dành cho người muốn hát karaoke hay hơn như tôi", cô nói với Zing. |
Trong một phòng học khác, anh Tiến Tài (sinh năm 1986, nhân viên văn phòng) tập trung hát theo từng động tác chỉ dẫn của giảng viên. Không tự tin trong mỗi buổi giao lưu, hát hò với đồng nghiệp vì "ai cũng hát hay cả", anh quyết định tìm hiểu và theo học một khóa thanh nhạc tại trung tâm, tranh thủ thời gian 1-2 buổi/tuần sau giờ làm. Trong khóa học, nam nhân viên văn phòng dự tính nhờ thầy giáo hướng dẫn tập vài "bài tủ" để dành cho các sự kiện với công ty sắp tới. |
Hoàng Văn Ngọc, giám đốc trung tâm luyện thanh, luyện hát karaoke EDMusic, cho biết nhu cầu cải thiện giọng hát của mọi người là không hề nhỏ, nhất là sau đại dịch, khi nhu cầu giao lưu, tụ tập vui chơi trở lại. Trung tâm của anh mở vào đầu năm 2020, hiện có khoảng 500-1.000 học viên cả online và trực tiếp. Các học viên đa dạng lứa tuổi, từ học sinh đến người đã đi làm, người về hưu. |
"Có những học viên ở xa như Lạng Sơn, Bắc Ninh cũng tới học chỉ để hát được các ca khúc yêu thích hoặc tự tin hát cho bạn bè, người thân nghe", anh Ngọc cho biết. Mỗi khóa trung bình gồm 12 buổi, học phí dao động 2,4 triệu đồng đến hơn 4 triệu đồng. Ngoài các lớp cơ bản, nâng cao, trung tâm cũng có khóa "karaoke cấp tốc" gồm 6 buổi dành cho người muốn chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt hoặc học nhanh một vài ca khúc "tủ". |
Chị Nga (váy xanh, quận Hà Đông) tự nhận "không biết hát", chưa từng dám giao lưu với mọi người trong các buổi tụ tập dù yêu thích âm nhạc. Để có thể tự tin hơn, chị cùng bạn (chị Bích, áo đỏ, ảnh trái) đến học nhạc. |
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, hiện theo học thạc sĩ tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam ngành Thanh nhạc, Quang Duy, giảng viên tại trung tâm, cho biết một khóa cơ bản sẽ giúp mọi người có được những kỹ năng cơ bản như lấy hơi, khẩu hình, phát âm, từ một người không biết gì có thể hát được một bài hoàn chỉnh, ít nhất là không "thảm họa". |
Sau khi hoàn thành khóa học, các học viên một trung tâm thanh nhạc ở quận Ba Đình còn được đăng ký biểu diễn trong chương trình giao lưu do trung tâm tổ chức. Hoạt động này vừa để mọi người đánh giá lại trình độ sau khi học, vừa giúp tăng thêm sự tự tin, khả năng biểu diễn trước đám đông. Mới theo học được hơn 1 tháng, Đỗ Nga (sinh năm 1999, freelancer) cũng mạnh dạn đăng ký biểu diễn. Cô cảm thấy cách mình hát không còn cứng, căng thẳng như trước. |
Sau khi hoàn thành một khóa, Anh Tú (sinh năm 1998, nhân viên công ty truyền thông) quyết định học thêm khóa thứ 2 để hoàn thiện giọng hát hơn, chinh phục những ca khúc khó. Mục tiêu của anh đơn giản là hát để giải tỏa căng thẳng và được "phiêu" cùng âm nhạc. |
Chị Đồng Thị Phương, giám đốc trung tâm luyện thanh Edumesa, cho hay trung tâm luôn có khoảng hơn 100 học viên theo học tại chỗ, một ngày khoảng 20-25 ca học, cao điểm lên tới 35 ca. Trong số này, 98% là học các lớp cơ bản hát karaoke. "Có học viên là chủ doanh nghiệp, lãnh đạo ở các cơ quan tâm sự rằng muốn đi học hát để gắn kết, giao lưu với mọi người. Một số người đi học hát theo gợi ý của bác sĩ để tinh thần vui vẻ, giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống", chị Phương thông tin. |
Là một trong những học viên "kỳ cựu" khi theo học tới 10 khóa, từ một người rất tự ti, sợ đám đông, chỉ dám ngồi trong góc ở các buổi karaoke, Hòa Bình (sinh năm 1991, nhân viên văn phòng) đã dám trình diễn trước mặt vài chục khán giả. "So với trước, tôi đã tự tin hơn rất nhiều, tự chấm 6-7 điểm cho phần hát", anh vui vẻ nói. Sắp tới, trong những buổi liên hoan, đi team building hay dịch vụ karaoke được mở lại, anh khẳng định "nhất định sẽ xung phong thể hiện". |
Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.