Ở tuần thai 36 của đứa con đầu lòng sau 9 năm kết hôn, chị Phạm Thị Tơ (28 tuổi, ở Nam Định) vẫn dễ dàng rơi nước mắt khi có người hỏi về ngày chị được trao cơ hội có con.
Chị kể 3 năm sau khi cưới, hai vợ chồng vẫn không có con. Lúc này, cả hai vợ chồng phải đi vào miền Nam để làm thuê kiếm sống qua ngày. Kết quả khám lúc đó cho thấy chị bị tắc một bên vòi trứng. Với bệnh lý này, chị vừa khó có con vừa có nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Thụ tinh ống nghiệm (IVF) là giải pháp duy nhất được đưa ra song số tiền hơn một trăm triệu để thực hiện nằm ngoài khả năng của đôi vợ chồng nghèo. Chị đành quay về, tìm tới thuốc nam.
Năm 2017, hai vợ chồng tiếp tục đi khám và vẫn nhận được tư vấn nên làm IVF. Dù khao khát có con, cả hai đều im lặng. Chị tâm sự: "Chỉ vì nghèo mà chúng tôi chưa thể có con".
Phạm Thị Tơ (28 tuổi, ở Nam Định) vẫn dễ dàng rơi nước mắt khi có người hỏi về ngày chị được trao cơ hội có con. Ảnh: HQ. |
Năm 2019, qua mạng xã hội, chị biết được chương trình hỗ trợ IVF miễn phí của Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội nên đăng ký và trở thành một trong 10 cặp vợ chồng được hỗ trợ.
“Tôi vẫn nhớ như in trưa 18/8/2019, tôi nhận được cuộc gọi thông báo hồ sơ của mình đã được duyệt. Tôi chỉ biết khóc vì không tin được sự thực. Tôi thấy mình quá may mắn”, chị Tơ kể trong nước mắt. Suốt nhiều năm không có con, hoàn cảnh kinh tế chính là rào cản khiến giấc mơ của vợ chồng chị khó thành sự thật.
Cùng hành trình tương tự, chị Triệu Thị Liên (29 tuổi, dân tộc Dao, Yên Bái) cũng đang đếm từng ngày để chào đón 2 bé gái sinh đôi của mình.
10 năm sau cưới, do tắc một bên vòi trứng, vợ chồng chị không thể có con. “Chồng tôi khỏe mạnh, còn tôi bị mắc bệnh tắc vòi trứng. Tôi từng có thai nhưng phải bỏ vì thai ngoài tử cung. Đến năm thứ 7 vẫn chưa có con, tôi thương chồng nên muốn để anh lấy vợ khác. Thế nhưng, anh bảo chúng tôi đã đi được với nhau 7 năm rồi, tại sao không cố tiếp”, Liên ngậm ngùi kể.
Số phận đã mỉm cười với đôi vợ chồng khi năm 2019 - gần 10 năm kết hôn - họ được nhận suất hỗ trợ IVF miễn phí.
Tại Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cả hai sản phụ đều may mắn có thành công ngay lần chuyển phôi đầu tiên.
Thế nhưng, hành trình mang thai của chị Liên lại không hề đơn giản. Thai phụ nghén nặng, nôn ra máu, không uống được một giọt nước. Có thời điểm, chị phải thở oxy rồi lại cường giáp, sụt tới 15 cân. Chị gần như ở viện suốt thai kỳ để giữ hai con trong bụng.
ThS.BS Lê Thị Thu Hiền thăm khám sản phụ Triệu Thị Liên. Ảnh: HQ. |
ThS.BS Lê Thị Thu Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết hiện nay kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có thể giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có con. Song không phải ai cũng có điều kiện thực hiện. Do đó, để lựa chọn các cặp thực sự cần được hỗ trợ miễn phí, hoàn cảnh khó khăn là tiêu chí quan trọng nhất bệnh viện phải cân nhắc.
Là người trực tiếp xét duyệt từng hồ sơ được gửi về cũng như đã từng tiếp xúc, điều trị các trường hợp hiếm muộn, bác sĩ Hiền cảm nhận được cái khó, cái khổ và cả nỗi đau giấu kín của bệnh nhân.
“Những cặp vợ chồng này đã từng tuyệt vọng, cô đơn và khát khao đứa con đến cháy bỏng nhưng vì hoàn cảnh, đôi khi họ phải tạm gác giấc mơ về tiếng cười thơ trẻ. Chúng tôi, bằng tất cả tâm sức sẽ dốc lòng để giúp những giấc mơ ấy trọn vẹn”, bác sĩ Hiền cho hay.
Bác sĩ Hiền cũng cho hay tỷ lệ làm IVF thành công tại Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội hiện nay là khoảng 70% với chuyển phôi trữ (đông lạnh) và khoảng 50% với chuyển phôi tươi. Năm 2020, bệnh viện sẽ tiếp tục dành ra 10 suất hỗ trợ miễn phí để giúp các cặp vợ chồng khó khăn chạm tới được giấc mơ tưởng chừng không thể thành sự thật của mình.