Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiếc bánh đặc biệt được làm bởi người khiếm thị ở TP.HCM

Đều là người khiếm thị, các thợ bánh phải cúi người sát mặt bàn để nhào, cán bột hay tạo hình bánh. Bỏng tay, cháy bánh là chuyện thường xảy ra trong gian bếp nhỏ.

Nguyễn Văn Linh (25 tuổi, quê Cà Mau) được đánh giá là thợ lành nghề nhất trong 4 nhân viên đang làm việc tại tiệm bánh Happy Sun (quận Bình Thạnh). Gắn bó với nơi này từ những ngày đầu tiên, anh đã thuần thục các khâu chuẩn bị nguyên liệu hay điều chỉnh lò nướng.

Hồi 12 tuổi, sau trận đau mắt đỏ kéo dài, thị lực của Linh yếu dần. Dù đã cố gắng chạy chữa nhiều năm, gia đình anh bất lực khi bác sĩ thông báo con trai đã bị teo dây thần kinh thị giác.

“Lúc biết mắt không thể sáng lại, tôi như chết lặng. Nhưng cùng lúc, tôi biết chẳng còn cách giải quyết nào khác. Ba đi biển, mẹ làm vườn, gia đình thực sự không đủ điều kiện để tập trung chữa bệnh cho con. Vì vậy, tôi đành gác lại những ước mơ riêng, tập sống với khiếm khuyết này”, anh bộc bạch.

tiem banh khiem thi anh 1

Linh tự tin hơn từ ngày làm việc tại bếp bánh.

Niềm vui từ những chiếc bánh

Thị lực suy giảm nhưng vẫn còn nhìn được ở cự ly gần, Linh quyết tâm lên TP.HCM học nghề. Thời gian mới vào bếp bánh, anh liên tục gặp sự cố như cắt vào tay, bị bỏng. Nhiều lần anh còn để cháy bánh vì không nhìn được nhiệt độ lò nướng.

“Nay đã thạo việc, tôi có thể thực hiện các thao tác khá nhanh nhẹn. Từ ngày trở thành thợ bánh, cuộc sống của tôi thay đổi lần nữa. Tôi lạc quan, tự tin hơn vì biết bản thân còn giá trị. Tháng nào tôi cũng trích một phần lương phụ giúp ba mẹ, còn lại để dành khám mắt”, Linh vui vẻ khoe.

Tâm sự với Zing, Linh cho biết mắt anh đang ngày một yếu đi, có nguy cơ mất hẳn thị lực trong tương lai. Dù vậy, anh vẫn bày tỏ mong muốn đồng hành lâu dài cùng hiệu bánh đến khi hết khả năng.

Không riêng gì Linh, hoàn cảnh gia đình của 3 nhân viên còn lại đều đặc biệt. Có bạn quê ở Phú Thọ, vào Nam nhiều năm mới tìm được việc. Người thì đông anh em, phải tự kiếm sống từ sớm để đỡ đần ba mẹ.

Mỗi ngày, cứ đến 14h, cả nhóm tập trung lại chuẩn bị nguyên liệu cho các mẻ bánh mới. Ai cũng tất bật cán bột, tạo hình và phết bơ vào khuôn nướng. Thoạt nhìn, không dễ nhận ra các thợ bánh đều bị khiếm thị, đang làm việc chủ yếu bằng sự cảm nhận.

Đồng hành cùng nhóm nhân viên đặc biệt là sơ Nguyễn Thị Hái. Chia sẻ với Zing, sơ cho biết các bạn đã lành nghề, song vẫn cần được hỗ trợ cân, đong nguyên liệu hoặc tách lòng trắng trứng.

“Các bạn tự làm mọi thứ, việc gì cần sự chính xác theo số đo mới nhờ tôi. Mặt hàng chính của tiệm bánh tươi, không chất bảo quản nên phải làm mới mỗi ngày. Cả 4 thợ đều học nhanh, chịu khó dù công việc khá vất vả với tình trạng sức khỏe. Thương các bạn nên tôi cố gắng đồng hành, duy trì cửa tiệm dù tình hình kinh doanh còn nhiều khó khăn”, sơ Hái nói.

Ngôi nhà thứ hai của người khiếm thị

Năm 2018, hàng bánh nhỏ được một mái ấm mở ra nhằm tạo thu nhập cho các bạn trẻ khiếm thị trên cả nước. Nhân viên của tiệm được hỗ trợ nơi ở và mọi loại sinh hoạt phí nên chỉ cần chuyên tâm vào công việc.

Cửa hàng có 20 loại bánh khác nhau thay đổi theo ngày để thực khách dễ lựa chọn. Những món bán chạy gồm pate chaud, bánh mì hoa cúc, bông lan trứng muối với giá dao động 10.000-50.000 đồng.

Tuy đã hoạt động một thời gian dài, tiệm bánh vẫn loay hoay với việc kinh doanh. Đầu năm 2022, cửa hàng được các mạnh thường quân hỗ trợ tu sửa, nâng cấp mặt bằng, đầu tư máy làm bánh nhưng tình hình chưa khá hơn.

Mỗi ngày, cửa hàng chỉ sản xuất vài mẻ bánh, mỗi mẻ từ 10-15 cái. Ngoài lý do sức khỏe nhân viên, tiệm không dám làm nhiều món vì hầu như không có khách ghé mua. Những khi ế ẩm, tiệm phải mang đi nhờ những nhà xung quanh ăn giúp.

tiem banh khiem thi anh 8

Sơ Hái và các thợ bánh khiếm thị.

“Hiệu bánh mở cạnh trường học nên học sinh thường ghé mua bữa sáng trong khoảng 6h-8h. Sau khung giờ này chỉ có khách vãng lai đến ủng hộ. Vài hôm may mắn lắm thì hết hàng trong buổi sáng, còn lại đều phải bán lai rai đến chiều tối. Nói là kinh doanh nhưng hầu như tiệm không có lời, nhiều tháng còn bị âm quỹ”, sơ Hái chia sẻ.

Sau thời gian dài gặp khó, cộng với tình hình vật giá leo thang, cửa hàng quyết định cắt giảm số lượng bánh mới mỗi ngày.

“Tôi biết các bạn nhân viên yêu thích công việc, muốn làm ra nhiều món ngon nhưng thật sự không còn cách khác. Bên cạnh đó, một số công đoạn buộc thợ phải cúi sát mới nhìn rõ. Điều này khiến các bạn dễ đuối sức và đau nhức mắt, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Cũng may ai cũng hiểu chuyện, an ủi, động viên nhau nâng cao chất lượng bánh chứ không buồn lâu”, sơ nói thêm.

Khách hàng ủng hộ

Từ ngày biết đến tiệm bánh của người khiếm thị, tuần nào Tố Trân (24 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cũng ghé thăm 2 lần. Ban đầu, cô chỉ mua để ủng hộ các thợ bánh đặc biệt nhưng dần trở thành khách quen nhờ hương vị món ăn tại đây.

“Tôi thích nhất là bánh bông lan trứng muối. Cốt bánh mềm, xốp, ăn không bị ngán như các hàng khác. Một phần 50.000 đồng phải 2-3 người ăn mới hết. Mấy lần tôi mua lên công ty, đồng nghiệp nào cũng tấm tắc khen ngon. Trước đây, tôi từng mày mò làm bánh ngọt nên hiểu phần nào những vất vả khi đứng bếp. Thật sự ngưỡng mộ nỗ lực của các bạn nhân viên ở đây”, Trân cho hay.

Tương tự, chị Thảo Phương (32 tuổi, ngụ quận 1) cũng thường xuyên dắt con gái đến chọn bánh. Chị khoe cả 3 thành viên trong gia đình đều yêu thích món pate chaud và bánh mì hoa cúc.

“Nhà có trẻ nhỏ nên tôi hay tìm mua các loại bánh ngọt để sẵn. Hồi đầu không biết, tôi còn khó chịu, trách các bạn nhân viên chậm chạp. Từ lúc nhận ra vấn đề, tôi toàn chủ động lấy bánh, tự tính tiền để họ đỡ vất vả”, chị nói.

Theo chị Thảo Phương, dù bánh ở đây ngon miệng, tiệm vẫn khó để cạnh tranh với các hàng bánh khác gần đó về số lượng và hình thức.

“Từ ngày cửa hàng được sơn sửa, tôi thấy người đến ủng hộ có phần đông đúc hơn. Chỉ mong tình hình kinh doanh của hiệu bánh được ổn định để các bạn khiếm thị tiếp tục được làm công việc yêu thích”, chị Thảo Phương kể.

Quán bún ở TP.HCM treo biển: 'Quán mình sẻ chia, không tăng giá'

3 tháng nay, tiệm bún mắm của anh Huỳnh Văn Minh treo thông báo giữ nguyên giá bán. Với anh, đây là cách dễ nhất để đồng hành với bà con trong giai đoạn khó khăn.

Hồng Anh - Thiên Trang

Bạn có thể quan tâm