Tôi là Đậu Thị Huyền, người khởi xướng hoạt động của nhóm “Laptop cho em” gồm 4 thành viên. Chúng tôi kêu gọi quyên góp những chiếc laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh cũ, sửa lại để tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn học online. |
Tôi từng xem một phóng sự về hai em nhỏ đều phải học online song nhà chỉ có một chiếc điện thoại cũ của mẹ. Lúc đó, nhà tôi sẵn hai chiếc laptop cũ, chạy hơi chậm nên đã lâu không dùng đến. Vì vậy, tôi nảy ra ý tưởng sửa lại, tặng cho những em nhỏ đang cần. |
Chia sẻ ý tưởng trên mạng xã hội, tôi nhận được nhiều sự hưởng ứng. Một số bạn bè quen đưa tôi máy tính cũ không dùng tới, nhờ đưa đến tay người cần. 3 người bạn có kiến thức về kỹ thuật cũng gia nhập, hỗ trợ tôi sửa máy miễn phí. Cứ như vậy, nhóm “Laptop cho em” ra đời. |
Sau khi nhận máy cũ, tôi sẽ phân loại, đánh số và chia cho các thành viên sửa. Vì năm học mới đã bắt đầu, chúng tôi cố gắng làm việc nhanh nhất có thể để hỗ trợ việc học cho các em. |
Anh Thuận là một trong 3 kỹ thuật viên của nhóm. Hà Nội vẫn đang hạn chế đi lại do dịch bệnh, chúng tôi chủ yếu sử dụng dịch vụ giao hàng để giao, nhận máy. |
Mỗi chiếc đều được khử khuẩn cẩn thận trước khi bắt tay vào “mổ xẻ”. |
Cả nhóm ưu tiên sửa những chiếc lỗi nhẹ trước để chạy, chiếc nào lỗi nặng, không thể cứu vãn sẽ được lọc lấy linh kiện đắp vào chiếc khác. Có chiếc, chúng tôi phải tự mua linh kiện mới để thay thế. Hôm nào suôn sẻ, mỗi kỹ thuật viên có thể sửa được 1-2 chiếc. |
Vì không phải thợ sửa máy tính chuyên nghiệp cũng như không có thiết bị chuyên dụng, các thành viên phải ứng biến với những dụng cụ có sẵn tại nhà. Ví dụ, với những chiếc hỏng màn hình, anh Thuận phải trưng dụng chiếc máy sấy tóc nhỏ của gia đình, giữ liên tục trong 30 phút mới làm bong được lớp keo bên trong, tách màn ra để thay. |
Thời gian này, dù các kỹ thuật viên của nhóm đều ở nhà song vẫn phải làm việc online vào ban ngày. Vì vậy, mọi người tranh thủ thời gian rảnh vào buổi tối để sửa chữa. Đôi lúc, có người hì hụi thức đến 1-2h sáng để làm cho xong. |
Với anh Thuận, thời gian đầu, gia đình anh lo lắng khi tham gia hoạt động này vì đang trong thời điểm dịch bệnh, sợ gặp điều rủi ro. Song dần dần, hiểu được ý nghĩa hoạt động của nhóm cũng như những biện pháp đảm bảo an toàn, gia đình nhanh chóng hiểu và ủng hộ. |
Những chiếc máy được sửa xong chúng tôi sẽ ưu tiên tặng cho các bạn gia cảnh khó khăn, có ý chí học tập. Để xác minh hoàn cảnh, nhóm nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nơi các em sinh sống. |
Lượng máy nhận được càng nhiều đồng nghĩa chi phí mua linh kiện sửa chữa tăng lên. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi sự ủng hộ của nhà hảo tâm để duy trì hoạt động. Mọi thông tin liên quan đến máy nào nhận được, tặng bạn nào, tiền ủng hộ nhận được bao nhiêu, chi làm gì đều được tôi công khai, cập nhật liên tục để mọi người theo dõi. |
Những chiếc máy cũ đôi khi không tránh khỏi việc "sứt chỗ này, mẻ chỗ kia". Dù vẻ ngoài không còn hoàn hảo, chúng tôi đều chạy thử cẩn thận để đảm bảo laptop gửi tặng chạy ổn định, đáp ứng việc học online, có thể chấp nhận ít lỗi nhỏ như mất 1-2 phím, hỏng loa, chết webcam… Trường hợp đó, chúng tôi sẽ gửi kèm tai nghe, webcam để khắc phục. |
Trước khi gửi đi, mỗi chiếc laptop đều được chúng tôi in nhãn dán ghi tên, lưu ý sử dụng đến người nhận. Hôm nay, cậu con trai lớn lăng xăng giúp mẹ cắt, dán những lời yêu thương lên từng món quà. |
Chúng tôi hy vọng những lời động viên này sẽ tiếp thêm động lực, năng lượng cho các em nhỏ, ít nhất là trong thời điểm khó khăn này. |
Sau gần một tháng triển khai, “Laptop cho em” đã nhận được hơn 200 chiếc máy cũ, sửa và gửi gần 60 chiếc đến cho các học sinh tại Hà Nội, Hưng Yên, Đà Nẵng, TP.HCM. |
Hôm nay, anh Việt, kỹ thuật viên của nhóm, cùng chị Hương, chủ tịch hội phụ nữ phường Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) đến tặng một trường hợp được nhận máy. Chị Tình (quê Nghệ An) làm thợ nề, một mình nuôi 3 con. Hơn 2 tháng nay, chị mất việc do dịch bệnh. |
Vũ Phong (lớp 5) cẩn thận đọc ghi chú sử dụng máy được đính kèm. Từ khi vào năm học mới, Phong và em gái sinh đôi Mỹ Duyên được nhà hàng xóm cho mượn chiếc laptop cũ để nghe giảng song âm thanh không rõ, thường phải nhờ cô giảng lại kiến thức vào buổi tối sau giờ học. Cậu em Đức Giang, lớp 3, dùng điện thoại cũ của mẹ. |
Tặng xong máy, anh Việt cẩn thận chạy thử máy, hướng dẫn các bé cách sử dụng. |
Mỹ Duyên chăm chú theo dõi thao tác và ghi nhớ cách truy cập máy. Trong 3 anh em, Duyên khoe là người học giỏi nhất, thường xuyên được điểm cao. |
Tối đầu tiên “khai trương” máy, Duyên, Phong, Giang hào hứng khi có thể nghe trọn những lời cô nói, không bập bõm lúc được lúc mất như trước. Chúng rón rén cẩn thận mở rồi tắt máy, có lẽ còn chưa tin chiếc máy tính này hoàn toàn là của mình. |
Cảm nhận được sự trân trọng của các em với chiếc máy tính, chúng tôi thấy thật hạnh phúc, được tiếp thêm năng lượng để tiếp tục dự án, sửa nhiều máy hơn nữa. |
Những chiếc máy tính cũ không có giá trị cao song đều chứa đựng tấm lòng của từng người tặng, công sức sửa chữa của nhóm dành cho các em nhỏ khó khăn. Hy vọng mỗi chiếc laptop sẽ là cầu nối, hỗ trợ các em không bị gián đoạn việc học trong đại dịch và đồng hành lâu dài trong chặng đường học tập của các em sau này. |