Tai biến xảy ra bất cứ lúc nào
Tháng 5 vừa qua, sau khi uống thuốc tẩy giun, một số học sinh trường Tiểu học Trần Phú, phường Trần Phú, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định có biểu hiện chóng mặt, đau đầu, buồn nôn và mệt lả. 7 em có biểu hiện nặng nhất được giáo viên đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cấp cứu. May mắn sức khỏe các em sau đó đã ổn định.
Không may mắn như những học sinh này, một năm trước, trạm y tế xã Nậm Nhoóng phối hợp với trường Mầm non Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An tổ chức cho các em học sinh điểm trường Mầm non Ná Hốc uống thuốc tẩy giun. Sau đó, một số em có triệu chứng buồn nôn, ngất xỉu và được gia đình đưa đi trạm y tế xã cấp cứu. Một bé năm tuổi đã tử vong. Sau khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã quyết định dừng chương trình tẩy giun cho trẻ 24-60 tháng tuổi.Chuyên gia ký sinh trùng, GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng (Đại học Y Hà Nội) giải thích các loại thuốc tẩy giun đang lưu hành đều an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, đừng nghĩ đơn giản khi sử dụng thuốc tẩy giun.
Cần tẩy giun sáu tháng một lần
Hiện Việt Nam có hơn 45 triệu người nhiễm giun. Hàng năm người dân tiêu tốn 1,5 triệu lít máu và 15 tấn lương thực để nuôi giun và nhiễm giun, kéo theo một loạt nguy cơ cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhận thức của người Việt Nam về tẩy giun định kỳ còn chưa đầy đủ. Kết quả thu nhận được sau khi tiến hành khảo sát nhỏ về mức độ nhận thức của người dân về tẩy giun định kỳ sau khi kết thúc chiến dịch tại TP.HCM cho thấy, 56,4% phụ huynh không tẩy giun định kỳ sáu tháng một lần cho trẻ; trong đó, 4,1% chưa bao giờ tẩy giun cho con, 9,9% phụ huynh không nhớ đã tẩy giun cho con hay chưa và gần 42,5% trẻ em được tẩy giun cách đây từ một năm trở lên.
PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương khuyến cáo, việc tẩy giun cần được tiến hành định kỳ sáu tháng một lần. Thời gian quá dài hay quá ngắn đều không tốt. Nếu thời gian cho mỗi lần tẩy giun cách nhau vài năm có thể không loại bỏ hết giun ra khỏi cơ thể. Ngược lại, thời gian quá ngắn thì không cần thiết bởi nguy cơ tái nhiễm giun chưa xuất hiện.
Dùng thuốc cũng phải “học”
Cũng như các loại thuốc, thuốc tẩy giun là thuốc bán theo đơn nên khi sử dụng phải có chỉ định và tư vấn của bác sĩ. Thuốc tẩy giun cũng có một số tác dụng phụ như chóng mặt, tiêu chảy, đau dạ dày, đau đầu, nôn, nổi mề đay, mệt… với những người có cơ địa nhạy cảm hoặc dị ứng với thành phần của thuốc. Đó là lý do vì sao một số người uống thuốc tẩy giun có thể biểu hiện một hoặc các triệu chứng trên.
GS.TS Nguyễn Văn Đề cho rằng, tỷ lệ tai biến do thuốc tẩy giun chủ yếu do chưa sàng lọc kỹ trước khi sử dụng những trường hợp chống chỉ định, dẫn đến hậu quả không mong muốn. Một nguyên tắc cần thiết khi dùng thuốc tẩy giun là kiểm tra sức khỏe trước khi dùng, không nên cho uống đại trà vì một số người mắc những bệnh không nên tẩy giun hoặc nếu tẩy cần có sự theo dõi của bác sĩ.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Đề, phải uống thuốc tẩy giun khi ăn no. Nếu sau khi uống thấy mệt cần bổ sung nước, nước đường, sữa… thì các triệu chứng sẽ mất dần. Nếu có biểu hiện mệt nặng, nôn thì nên vào viện ngay để có hướng điều trị đúng. Đừng bao giờ nghĩ uống thuốc tẩy giun là không được ăn gì, bởi thuốc tẩy giun có cơ chế ức chế giun hấp thu glucose nên dù ăn gì giun cũng không sống được.