So sánh
Sau thời gian vài năm im ắng, phân khúc SUV/crossover cỡ trung tại Việt Nam đã sôi động trở lại từ cuối năm 2021 với sự xuất hiện của Hyundai Tucson đời mới. Tiếp đến, Mitsubishi tung ra bản nâng cấp cho Outlander vào cuối tháng 2 vừa qua để duy trì sức hút trong lúc chờ đợi thế hệ tiếp theo “cập bến” thị trường Đông Nam Á.
Vậy ở cùng tầm giá hơn 900 triệu đồng, Mitsubishi Outlander 2.0 CVT Premium (950 triệu đồng) và Hyundai Tucson Xăng Đặc biệt (925 triệu đồng) có những gì hơn kém nhau khi xét đến nhu cầu mua xe gầm cao cho gia đình?
Mitsubishi Outlander quen thuộc, Hyundai Tucson táo bạo
Mẫu SUV Nhật Bản được thay đổi đôi chút về mặt ngoại hình ở đời xe 2022 bán tại Việt Nam, các điểm nhận diện mới có thể kể đến hốc đèn sương mù chữ C, cản trước/sau trông trẻ trung hơn hay mâm xe chuyển sang kiểu đa chấu.
Còn lại, dáng vẻ của Mitsubishi Outlander nhìn chung vẫn khá trung tính và quen thuộc sau vài lần nâng cấp do mang triết lý thiết kế Dynamic Shield đời đầu, khác với phong cách mạnh mẽ của Pajero Sport hay Triton hiện nay. Ngoại thất có ít các đường nét sắc sảo và góc cạnh, phù hợp với những khách hàng thích kiểu xe Nhật “bền dáng” và có phần già dặn.
Trong khi đó, Hyundai Tucson 2022 được “lột xác” để mang diện mạo trẻ trung và đậm tính thể thao nhờ dáng xe SUV lai coupe, giúp hướng đến nhóm người dùng trẻ tuổi thích xe Hàn và muốn gây ấn tượng trên đường phố.
Những điểm nổi bật của Tucson gồm có cụm đèn chiếu sáng bố trí thấp giữa đầu xe, lưới tản nhiệt cỡ lớn tích hợp đèn định vị LED, đèn hậu LED trải dài ở đuôi xe và có đồ họa kiểu 3D…
Danh sách trang bị tương đồng giữa 2 mẫu xe gồm đèn chiếu sáng LED có chức năng pha tự động, sưởi gương chiếu hậu bên ngoài, mâm xe 18 inch, cánh lướt gió, ăng-ten vây cá mập tích hợp đèn báo phanh… Trang bị nhỉnh hơn của Outlander 2.0 CVT Premium là tính năng rửa đèn và cửa sổ trời chỉnh điện.
Về kích thước, Mitsubishi Outlander có ưu thế khi so sánh về thông số dài, rộng, cao tổng thể và khoảng sáng gầm. Trong khi đó, mẫu SUV 5 chỗ của Hyundai lại có chiều dài cơ sở tốt hơn nhằm tối ưu không gian dành cho hành khách.
Mitsubishi Outlander tiện dụng, Hyundai Tucson hiện đại
Tương tự sự đối lập ở ngoại thất, Outlander và Tucson tiếp tục thể hiện phong cách riêng ở nội thất. Với Mitsubishi là phương châm ưu tiên tính hữu dụng của các chi tiết bên trong cabin. Điểm mới đáng kể trên Outlander 2022 là ghế da và phần ốp tapi cửa được tạo hình kiểu quả trám cho cảm giác cao cấp hơn.
Bảng tablo có đôi chút “cũ kỹ” nhưng gọn gàng và tươm tất, màn hình trung tâm được mở rộng thành cỡ 8 inch, trong khi cụm chỉnh điều hòa hay các nút bấm trên vô-lăng giữ nguyên thiết kế đơn giản, dễ sử dụng. Outlander có thêm lẫy chuyển số trên vô-lăng, tuy nhiên bảng đồng hồ tốc độ vẫn là loại analog.
Ở Hyundai Tucson thế hệ thứ 4, khoang lái đi theo xu hướng hiện đại hóa với kiểu bố trí màn hình cảm ứng trung tâm nghiêng nhẹ về hướng người lái và bố trí liền lạc với cụm điều hòa.
Kết hợp cùng đó là bảng đồng hồ tốc độ là loại kỹ thuật số nằm rời ngay sau tay lái và vô-lăng kiểu 4 chấu. Điểm cộng của Tucson bản Xăng Đặc biệt là có ghế phụ chỉnh điện, sưởi vô-lăng, sạc điện thoại không dây và 8 loa (so với 6 loa của Outlander).
Hàng ghế thứ 3 có thể xem là ưu thế chính của Mitsubishi Outlander so với Hyundai Tucson. Trang bị này giúp mẫu SUV Nhật Bản trong một vài trường hợp cần thiết có thể chở được nhiều người hơn, còn khi muốn đi chơi xa 2 ghế cuối cần được gập gọn để ưu tiên không gian cho hành lý.
Với Tucson, 5 chỗ ngồi của mẫu SUV Hàn Quốc có không gian thuộc diện tốt nhất phân khúc. Khoảng để chân và trần xe đều rộng rãi để người lớn cao 1,8 m sử dụng. Một điểm cộng khác bù đắp cho việc chỉ có 5 chỗ ngồi là tựa lưng hàng ghế thứ 2 có thể điều chỉnh nghiêng để tăng độ thoải mái khi đi xa.
Hai mẫu xe tỏ ra “ngang tài ngang sức” về khoảng tiện nghi khi cùng trang bị điều hòa tự động 2 vùng, kết nối Apple CarPlay/Android Auto, ghế lái chỉnh điện, sưởi ghế trước, gương chiếu hậu chống chói tự động, cốp sau đóng/mở điện…
Khả năng vận hành tương đương
Điểm chung kế tiếp giữa 2 mẫu SUV của Mitsubishi và Hyundai là cấu hình máy xăng I4 2.0L, cho mức công suất và mô-men xoắn không quá chênh lệch, đồng thời cùng có hệ dẫn động cầu trước.
Khác biệt chính là Outlander trang bị hộp số vô cấp CVT, còn mẫu xe Hàn Quốc có hộp số tự động 6 cấp. Theo nhà sản xuất công bố, mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình của Outlander 2.0 CVT Premium đạt 8,54 lít/100 km, thông số tương ứng của Tucson Xăng 2.0L là 8,1 lít/100 km.
Về phần công nghệ an toàn, Mitsubishi Outlander 2022 nay có gói trang bị e-Assist nên có được các công nghệ hỗ trợ tương tự Hyundai Tucson mới. Danh sách có thể kể đến phanh chủ động hạn chế va chạm, cảnh báo lệch làn, cảnh báo điểm mù hay cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau.
Tuy vậy, mẫu xe Nhật Bản chưa có tính năng kiểm soát hành trình thích ứng, hỗ trợ giữ làn, camera 360 độ hay cảm biến áp suất lốp.
Kết luận
Với mức giá không đổi và nhiều trang bị mới, Outlander 2022 có thể tiếp tục thu hút được những khách hàng vốn thích thương hiệu Mitsubishi và cần mua một chiếc SUV 5+2 có mức giá dưới 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mẫu mã và động cơ hầu như giữ nguyên sau nhiều năm có mặt trên thị trường là điểm trừ lớn của Mitsubishi Outlander so với các đối thủ cùng hạng, nhất là Hyundai Tucson thế hệ mới có sự thay đổi mạnh mẽ về phong cách thiết kế.
Bên cạnh đó, mẫu xe của Hyundai còn có ưu thế về giá bán cạnh tranh cùng danh sách tính năng tiện nghi đa dạng để trở thành lựa chọn phù hợp cho những người dùng trẻ, ưu tiên SUV mang phong cách thể thao và có nhiều công nghệ.