Loãng xương xảy ra khi mật độ xương giảm, khiến xương giòn và dễ gãy hơn. Ảnh: BoneHealthAndOsteoporosis.org. |
Loãng xương là một bệnh lý phổ biến, có thể xảy ra ở nhiều đối tượng và mọi độ tuổi. Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Trực, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, người từ 60 tuổi trở lên có nguy cơ mắc loãng xương cao hơn.
Bên cạnh tuổi tác, có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến loãng xương. Đáng chú ý là tình trạng cơ thể không hấp thụ đủ canxi; thói quen sử dụng nhiều bia, rượu, hút thuốc lá và các chất kích thích; lười vận động hoặc thường xuyên làm việc nặng nhọc. Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt, phụ nữ có nguy cơ bị loãng xương cao hơn nam giới do sự suy giảm estrogen trong giai đoạn mãn kinh. Sự thiếu hụt hormone này khiến mật độ xương giảm, xương trở nên giòn và dễ gãy hơn.
Tại khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trung bình mỗi tuần có từ 5 đến 7 ca phẫu thuật gãy liên mấu chuyển xương đùi. Phần lớn bệnh nhân là người cao tuổi và có tình trạng loãng xương nặng. Đáng chú ý, có những trường hợp bệnh nhân bị gãy xương lần thứ hai, thậm chí lần thứ ba. Quá trình hồi phục sau phẫu thuật của những bệnh nhân này thường chậm hơn so với người trẻ tuổi hoặc những người không mắc loãng xương.
Gãy cổ xương đùi, gãy cổ tay, gãy khớp háng thường chiếm tỉ lệ cao nhất trong bệnh lý loãng xương ở người cao tuổi. Ảnh: Bảo Trọng. |
Theo các chuyên gia y tế, loãng xương diễn ra âm thầm và không có triệu chứng điển hình, khiến nhiều người không nhận biết mình đã mắc bệnh. Chỉ khi bệnh trở nặng, xương bị gãy hoặc xẹp, các biểu hiện mới dần xuất hiện.
Những triệu chứng thường gặp bao gồm đau nhức xương khớp, đặc biệt ở các khớp gối, khớp háng, thắt lưng và cột sống. Ngoài ra, người bệnh có thể bị cột sống gù hoặc vẹo, gặp tình trạng chuột rút, ớn lạnh, đổ nhiều mồ hôi. Ở giai đoạn này, chỉ cần va chạm nhẹ hoặc ngã cũng có thể dẫn đến gãy xương
Biến chứng nghiêm trọng của loãng xương xảy ra khi bệnh không được điều trị hoặc điều trị không đúng phác đồ. Hậu quả có thể là rạn xương, nứt vỡ xương, thậm chí gãy xương. Ngoài ra, người bệnh còn có nguy cơ bị cong xương, cong vẹo cột sống, cong ống chân, dẫn đến chiều cao giảm dần theo thời gian.
Các tình trạng gãy, lún cột sống, gãy cổ xương đùi, xương cẳng chân và xương cẳng tay thường xảy ra khi có tác động mạnh như ngã, gập chân hoặc trượt chân. Trong cơ thể, những loại xương chịu lực nhiều nhất và dễ bị tổn thương do loãng xương là cột sống, xương đùi, cẳng chân, cánh tay và cẳng tay. Đáng chú ý, tỷ lệ gãy cổ xương đùi, gãy cổ tay và gãy khớp háng cao nhất trong các ca loãng xương, đặc biệt ở người cao tuổi
Loãng xương là một bệnh lý phổ biến, có thể xảy ra ở nhiều đối tượng khác nhau. Do bệnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên chủ động phòng ngừa ngay từ khi còn trẻ để bảo vệ sức khỏe xương khớp về lâu dài.
Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo rằng phòng ngừa loãng xương cần bắt đầu từ việc thay đổi lối sống. Lối sống lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể, đặc biệt là sức khỏe xương khớp.
Chế độ dinh dưỡng là yếu tố then chốt. Mọi người nên bổ sung thực phẩm giàu canxi như trái cây tươi, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt, kết hợp với việc cung cấp đầy đủ vitamin D cho cơ thể. Vitamin D giúp làm chậm quá trình mất xương và giảm nguy cơ gãy xương, đặc biệt ở người cao tuổi. Sự kết hợp giữa canxi và vitamin D đóng vai trò thiết yếu trong việc ngăn ngừa loãng xương.
Bên cạnh đó, thường xuyên tập luyện thể dục với cường độ phù hợp cũng là biện pháp hữu hiệu. Các bài tập vận động giúp tăng cường độ dẻo dai và chắc khỏe cho xương, từ đó giảm thiểu nguy cơ loãng xương và các biến chứng liên quan, như đi bộ, chạy bộ, bơi lội...
Khi xuất hiện các vấn đề về xương khớp như đau vùng cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, xương đùi, đầu gối, hoặc có các dấu hiệu bất thường như dáng đi thay đổi (đi lom khom, gù lưng), đau rõ rệt ở cột sống, đau hai bên liên sườn, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế hoặc bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và kiểm tra.
Để phòng ngừa và phát hiện sớm loãng xương, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là cần thiết. Trong đó, đo mật độ xương là quy trình không thể thiếu. Dựa trên kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ xác định mức độ loãng xương và đưa ra biện pháp điều trị phù hợp.
Về điều trị, thuốc giảm đau chỉ được khuyến cáo sử dụng khi thực sự cần thiết và tùy theo mức độ đau. Một số loại thuốc thường dùng bao gồm paracetamol hoặc calcitonin, có thể được xịt mũi hoặc tiêm bắp, đặc biệt hữu ích trong các trường hợp đau nặng sau gãy xương. Calcitonin có tác dụng ức chế hoạt động của tế bào hủy xương, đồng thời giúp giảm đau do loãng xương.
Tuy nhiên, cần tránh lạm dụng các loại thuốc kháng viêm giảm đau, đặc biệt là nhóm thuốc chứa corticosteroids. Việc lạm dụng nhóm thuốc này có thể làm tình trạng loãng xương trở nên nghiêm trọng hơn và khó kiểm soát, gây nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh.
Bệnh tật đến từ đâu?
Hầu hết các căn bệnh đến với chúng ta đều bắt nguồn từ việc sử dụng quỹ thời gian không điều độ, cộng với chế độ ăn uống không hợp lý, gây lao lực quá mức, lại thêm những xung đột tinh thần khiến nội tâm bất an..., tất cả đều góp phần bào mòn sinh lực của chúng ta.
Quyển sách Khoan dung & Biết ơn sẽ mang đến cho bạn sự nhiệt thành và năng lượng tích cực tựa như những tia nắng ấm áp. Cuốn sách tập hợp những câu chuyện mà bất kể khi nào lật giở những trang sách, bạn cũng cảm nhận sự khoan dung và biết ơn tràn đầy.