Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chưa ghi nhận phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine Covid-19

Các chuyên gia nhận định tương tự nhiều vaccine khác, vaccine Covid-19 đưa vào cơ thể có thể gây sốc, phản ứng muộn xảy ra sau tiêm.

Sáng 6/3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại 63 điểm cầu về việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam.

25 quốc gia đang tiêm vaccine của AstraZeneca

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng Ban Điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng, cho biết vaccine của AstraZeneca sản xuất (loại chuẩn bị được tiêm tại nước ta) được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp nhận sử dụng cho trường hợp khẩn cấp. Đến nay, vaccine này được triển khai tại 25 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Vaccine AstraZeneca được đóng lọ dạng dung dịch, 10 liều, tiêm 0,5 ml, điều kiện bảo quản thường quy từ 2 đến 8 độ C. Vaccine có hạn sử dụng 6-8 tháng sản xuất. Vaccine mở ra chỉ sử dụng trong vòng 6 giờ. Lịch tiêm gồm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 12 tuần.

AstraZeneca chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên. Với phụ nữ mang thai, lợi ích của vaccine vượt trội so với nguy cơ của bà mẹ và thai nhi. Nhóm có bệnh nền và người trên 65 tuổi được khuyến cáo tiêm vaccine vì có nguy cơ mắc bệnh. Phụ nữ cho con bú tiêm vaccine cũng không cần ngưng cho con bú.

Người HIV cũng được tiêm. Người từng mắc Covid-19 được tiêm sau 6 tháng khỏi bệnh. Người điều trị kháng thể kháng Covid-19 được tiêm vaccine sau 90 ngày.

Các phản ứng thông thường sau tiêm

Về phản ứng thông thường, PGS Hồng cho biết theo các số liệu trên thế giới, khoảng 10% trường hợp tiêm có phản ứng ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt nhẹ và sốt trên 38 độ C, ớn lạnh, đôi khi rét run, nóng tại vị trí tiêm. 10% trường hợp có phản ứng sưng, đỏ tại vị trí tiêm.

"Như nhiều vaccine khác, vaccine Covid-19 đưa vào cơ thể có thể xảy ra phản ứng sốc, phản ứng muộn sau tiêm. Đến nay, chúng tôi chưa ghi nhận số liệu của WHO một cách đầy đủ vì đây là vaccine mới. Một số nước cũng triển khai song song Việt Nam. Hiện chưa có bằng chứng nào liên quan phản ứng nghiêm trọng được ghi nhận tại các quốc gia khác có liên quan vaccine Covid-19", PGS Hồng nói.

Phó giáo sư cũng cho hay ngành y tế khuyến nghị người dân tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19. Nếu tiêm vaccine phòng Covid-19, chúng ta chỉ tiêm vaccine khác sau 14 ngày.

ke hoach tiem vaccine covid-19 anh 1

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng Ban Điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng. Ảnh: Phạm Thắng.

Quy trình tiêm vaccine Covid-19

Đại diện Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho hay dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) Quốc gia có nhiệm vụ tiếp nhận vaccine, vật tư tiêm chủng từ nhà phân phối tại Việt Nam, sau đó vận chuyển đến các viện vệ sinh dịch tễ, Pasteur trong vòng 7 ngày sau khi có giấy phép xuất xưởng lô.

Sau đó, viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur hoặc nhà phân phối, vận chuyển vaccine tới kho trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trong 7 ngày kể từ khi tiếp nhận vaccine.

Sau khi tiếp nhận và bảo quản vaccine, trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố cấp phát vaccine cho trung tâm y tế huyện ít nhất 3 ngày trước khi tổ chức tiêm. Đồng thời, cấp phát vaccine cho bệnh viện trung ương, khu vực, tỉnh, thành phố, bệnh viện ngành thuộc địa bàn một ngày trước khi tiêm hoặc ngay trước buổi tiêm.

Các xã, bệnh viện huyện hoặc điểm tiêm chủng phải được cấp phát vaccine một ngày trước khi tiêm chủng hoặc ngay trong buổi tiêm. Tuyến xã hoặc cơ sở tiêm chủng sẽ nhận vaccine từ tuyến quận/huyện, bảo quản vaccine và vận chuyển đến các điểm tiêm trong buổi tiêm chủng.

Cục Y tế Dự phòng cũng yêu cầu dự án TCMR Quốc gia xây dựng kế hoạch, tài liệu tập huấn về tiêm chủng vaccine Covid-19, theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm chủng cho cán bộ y tế trước khi triển khai tiêm chủng.

Sở Y tế tỉnh, thành phố phải xây dựng kế hoạch sử dụng vaccine Covid-19 tại địa phương trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt, trên cơ sở kế hoạch của Bộ Y tế. Thời gian thực hiện là trong vòng 7 ngày sau khi Bộ Y tế ban hành Kế hoạch tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản và sử dụng vaccine phòng Covid-19.

Hình thức tiêm chủng là tiêm chiến dịch trong thời gian ngắn nhất. Sử dụng hệ thống TCMR sẵn có, cần thiết có thể huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ và cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng khác.

ke hoach tiem vaccine covid-19 anh 2

Loại vaccine Covid-19 sắp tiêm chủng tại Việt Nam. Ảnh: Getty Image.

Trước khi tiêm, các đơn vị cần đảm bảo không quá 100 trường hợp ở mỗi điểm tiêm chủng và mỗi buổi tiêm. Sắp xếp vị trí điểm tiêm chủng theo quy tắc một chiều, đảm bảo khoảng cách giữa các bàn/vị trí tiêm chủng, đối tượng.

Nhân viên y tế thực hiện sàng lọc Covid-19 trước khi đối tượng đến tiêm chủng và trước buổi tiêm, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị dây chuyền lạnh, dụng cụ tiêm chủng, vaccine.

Các đơn vị tuyệt đối không tiêm chủng với trường hợp có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau lần tiêm chủng vaccine Covid-19 trước đó sẽ không tiêm liều thứ hai.

Trong buổi tiêm, các đơn vị cần tạm hoãn tiêm với các trường hợp đang mắc bệnh mạn tính, bệnh nhiễm trùng hãy mạn tính tiến triển. Những người đang mắc bệnh Covid-19 được xét nghiệm chẩn đoán bằng phương pháp rRT-PCR cũng nên hoãn tiêm, chỉ định tiêm sau 6 tháng khỏi bệnh.

Trưa 24/2, hơn 117.600 liều vaccine AstraZeneca đã về tới Việt Nam và đến nay có giấy kiểm định chất lượng lô vaccine này, khẳng định đảm bảo điều kiện tiêm cho người dân Việt Nam. Đây là loại vaccine Covid-19 đầu tiên được nhập khẩu về Việt Nam.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay ngày 8/3, chúng ta sẽ có mũi tiêm đầu tiên. Trong đợt này, Việt Nam không thể phân phối vaccine cho tất cả 63 tỉnh, thành phố. Theo kế hoạch, Bộ Y tế ưu tiêm vaccine cho 13 tỉnh, thành có dịch. Hải Dương sẽ được ưu tiêm vaccine trước.

Với số lượng vaccine còn hạn chế, Bộ Y tế sẽ ưu tiêm tiêm vaccine cho đối tượng là tuyến đầu chống dịch theo Nghị quyết 21 của Chính Phủ như đơn vị điều trị cho bệnh nhân Covid-19, những người làm công tác xét nghiệm, truy vết...

Bộ trưởng Y tế: 'Tiêm vaccine Covid-19 không bảo đảm phòng bệnh 100%'

Lợi ích của vaccine Covid-19 mang lại rất rõ ràng trong việc làm giảm triệu chứng bệnh và nguy cơ tử vong song không có nghĩa người dân sẽ tránh được virus này 100%.

Bích Huệ - Phương Mai - Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm