Tại cuộc họp với Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu, UBND tỉnh Kiên Giang đã đề xuất chủ trương thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến nghỉ dưỡng tại TP Phú Quốc theo mô hình "Du lịch cách ly khép kín" với điều kiện du khách đã được tiêm vaccine Covid-19.
Phải có sự chuẩn bị tốt
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định chủng virus mới (Delta) có thời gian lây truyền nhanh, mức độ lây nhiễm phức tạp. Các ca bệnh xuất hiện ở hầu hết lĩnh vực, bao gồm: Cơ sở tôn giáo, cơ sở điều trị, trong cộng đồng, nhà máy xí nghiệp, trung tâm thương mại, chợ, đặc biệt ở đối tượng bán hàng rong, bán vé số…
“Như vậy, trước khi tình hình phức tạp hơn, cần chủ động và quyết liệt các biện pháp để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”, Thứ trưởng cho biết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại cuộc họp với UBND tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Tuấn Dũng. |
Đối với kiến nghị thí điểm đón khách du lịch đã được tiêm phòng Covid-19 đến TP Phú Quốc, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế phối hợp các bộ, ngành liên quan và địa phương xây dựng được kế hoạch chi tiết để đón khách du lịch ở huyện đảo Phú Quốc.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết sẽ trình lên Thủ tướng chấp nhận chủ trương Thí điểm đón khách du lịch quốc tế đã tiêm vaccine Covid-19 đến Phú Quốc và tiêm vaccine cho người dân tại đây. Trước khi được chấp thuận, mọi phương án tổ chức cần phải có kế hoạch tốt.
Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh: "Mọi công tác chuẩn bị cho chủ trương thí điểm đón khách du lịch tại Phú Quốc nói riêng và công tác phòng, chống dịch Covid-19 nói chung trên địa bàn cần thực hiện nghiêm theo Thông báo 167/TB-VPCP kết luận tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19".
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các điểm cốt lõi:
- Tuyệt đối không lơ là, chủ quan khi chưa có dịch hoặc là khi dịch đã đi qua;
- Phát huy cao độ tinh thần tự lực tự cường, 4 tại chỗ;
- Tổ chức thực hiện nhanh và hiệu quả chiến lược vaccine, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai chiến dịch tiêm vaccine trên toàn quốc;
- Sử dụng hiệu quả quỹ vaccine công khai minh bạch;
- Tiếp cận nhanh đa dạng tăng cường vaccine nhưng không để xảy ra cạnh tranh giữa Nhà nước và các tổ chức doanh nghiệp trong đàm phán mua vaccine;
- Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực tham nhũng lãng phí trong mua vaccine…
Thí điểm đón khách du lịch có "Hộ chiếu vaccine"
Theo tờ trình của UBND tỉnh Kiên Giang, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát cho đến nay, tỉnh Kiên Giang đã thực hiện quyết liệt những chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và sự hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nhiều biện pháp căn cơ đã được thực hiện, dịch bệnh cơ bản kiểm soát tốt, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép. Cụ thể năm 2020, kinh tế tăng trưởng đạt 3,05%, tổng thu ngân sách 11.850 tỷ đồng, đạt 103% so với Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại khu công nghiệp, khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Tuấn Dũng. |
Phú Quốc là thành phố biển, đảo đầu tiên của Việt Nam, có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh, và nhiều lợi thế để thu hút phát triển du lịch mang tầm cỡ quốc tế.
Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành kinh tế mũi nhọn của TP Phú Quốc bị ảnh hưởng nặng nề, lượt khách du lịch năm 2020 giảm 30,6%, khách du lịch quốc tế giảm 76,1% so với cùng kỳ.
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Thứ trưởng Đặng Minh Khôi, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ bổ nhiệm tại Liên bang Nga, tỉnh Kiên Giang đã đưa ra mô hình "Du lịch cách ly khép kín" dành cho khách du lịch từ Liên Bang Nga đến Phú Quốc.
UBND tỉnh kiến nghị cho phép Kiên Giang thực hiện thí điểm đón khách du lịch Nga đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 đến Phú Quốc nghỉ dưỡng theo mô hình "Du lịch cách ly khép kín", thông qua các chuyến bay thuê bao, nghỉ tại một địa điểm, hạn chế di chuyển. Sau đó, tỉnh sẽ đánh giá và cho phép mở rộng đón khách du lịch từ các nước đã hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19.
Về công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh, TS.BS CKII Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, cho biết cho đến nay, tỉnh đã được phân bổ 2 đợt vaccine Covid-19. Đợt 1 tỉnh được phân bổ 18.350 liều, đã tiêm 19.383 người (tỷ lệ 113,3%). Đợt 2 tỉnh được phân bổ 27.485 liều, đã tổ chức tiêm từ ngày 18/6. Đến cuối ngày 24/6, tỉnh đã tiêm xong 24.097 liều, đạt 87,67% kế hoạch.
Ngoài ra, để chủ động triển khai công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 cho toàn dân tỉnh Kiên Giang, Sở Y tế đang xây dựng kế hoạch để trình UBND tỉnh phê duyệt, trong đó, dự kiến nhu cầu vaccine trong năm 2021 là 2.543.858 liều. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.