Thạc sĩ, bác sĩ Lê Nhật Tiên, Phó khoa Nội, Can thiệp Tim mạch - Hô hấp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cho hay suy giãn tĩnh mạch chi dưới là bệnh lý phổ biến trong cộng đồng. Đây là thuật ngữ dùng để nói về bệnh lý tĩnh mạch chi dưới bị suy và giãn. Bệnh nhân có thể vừa suy van vừa giãn hoặc bị suy nhưng chưa giãn tĩnh mạch và ngược lại.
Các nghiên cứu lớn ở châu Âu và châu Mỹ cho thấy khoảng 40% dân số trưởng thành mắc bệnh lý này. Hàng năm, ở Mỹ, chi phí điều trị bệnh này lên tới hàng tỷ đô la. Ở Việt Nam, khoảng 1/4 người trưởng thành bị căn bệnh này.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Nhật Tiên, Phó khoa Nội, Can thiệp Tim mạch - Hô hấp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: HQ. |
“Thông thường, một ngày tại khoa chúng tôi có 20 bệnh nhân đến khám vì bệnh lý tĩnh mạch, tăng dần theo các năm và trẻ hoá dần”, bác sĩ Tiên thông tin.
Đặc biệt, một số nghề có nguy cơ mắc bệnh này, điển hình là giáo viên. “Chúng tôi từng có chương trình phối hợp một số trường học tầm soát cho thầy cô. Kết quả cho thấy các thầy cô giãn tĩnh mạch khá nhiều với tỷ lệ cao hơn hẳn cộng đồng. Theo các nghiên cứu không chính thức, con số này cao hơn 20-30% so với tỷ lệ chung của cộng đồng”, bác sĩ Tiên chia sẻ.
Trong đó, một phần nguyên nhân xuất phát từ việc phải đứng nhiều và đi giày cao gót (đối với cô giáo).
Chuyên gia giải thích việc đưa máu từ dưới chân về tim dựa trên 3 cơ chế: Do sự vận cơ (các cơ vùng cẳng chân, bàn chân sẽ bơm máu từ dưới chân), do van tĩnh mạch một chiều và do tư thế hoặc hô hấp. Trong đó, sự vận cơ và tư thế rất quan trọng.
Đi giày cao gót làm sự vận cơ ở vùng bàn chân khó hơn so với người sử dụng giày dép đế bằng. Nếu kèm theo việc mặc quần áo bó chật, đặc biệt vùng đùi mông, sự hồi lưu tĩnh mạch sẽ càng khó khăn hơn.
Ngoài ra, phụ nữ thường bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới nhiều hơn nam do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén lên thành tĩnh mạch; đứng lâu trong một số ngành nghề đặc biệt; khối lượng cơ thấp hoặc dùng giày không thích hợp.
Bác sĩ Tiên lưu ý bệnh thường hay bị bỏ sót vì người dân khi có triệu chứng không kịp đến viện hoặc bỏ qua khi nghĩ không quan trọng.
Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh cũng thường mờ nhạt và thoáng qua. Người bệnh thường có biểu hiện đau mỏi chân, nặng chân, đôi khi chỉ có cảm giác mang giày dép chật hơn bình thường, phù nhẹ khi đứng lâu hoặc ngồi nhiều, chuột rút vào buổi tối, nhiều mạch máu nhỏ li ti... Những triệu chứng này thường không rõ ràng hoặc mất đi khi nghỉ ngơi. Các tĩnh mạch ở chi chưa giãn nhiều nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua.
Giai đoạn tiến triển, bệnh sẽ gây phù chân, có thể ở mắt cá hay bàn chân. Vùng cẳng chân xuất hiện thay đổi màu sắc da do máu ứ ở tĩnh mạch lâu ngày sẽ có biểu hiện loạn dưỡng. Các tĩnh mạch trương phồng lên gây cảm giác nặng, đau nhức chân, máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân. Hiện tượng này không mất đi khi nghỉ ngơi, nặng hơn có thể thấy các búi tĩnh mạch trương phồng nổi rõ trên da thường xuyên, mảng bầm máu trên da...
Giai đoạn biến chứng, bệnh gây viêm tĩnh mạch nông huyết khối, chảy máu nặng do giãn vỡ tĩnh mạch, nhiễm khuẩn vết loét của suy tĩnh mạch mạn tính.
"Suy giãn tĩnh mạch cần phát hiện sớm để dễ dàng hơn công tác điều trị. Thực tế, việc phát hiện sớm và kịp thời sẽ giúp cho điều trị trở nên không quá khó khăn", bác sĩ Tiên cho hay.
Bác sĩ sẽ điều trị theo giai đoạn của bệnh, kết hợp đa mô thức điều trị.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Tiên, 20-30% bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch lại thường đến khám ở các chuyên khoa khác như thần kinh, cột sống, cơ xương khớp, da liễu… Sau đó, họ mới chuyển sang khám chuyên sâu về mạch máu. Nhiều bệnh nhân đến khi đã quá muộn.
Bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới là nguyên nhân gây tử vong mà ít người biết đến. Khi biến chứng nặng, máu ứ trong lòng tĩnh mạch hình thành các cục máu đông, trôi về tim, gây thuyên tắc động mạch phổi, có thể dẫn đến tử vong.