Gắn bó với chuyên ngành Nam học và điều trị vô sinh - hiếm muộn nam giới, ThS.BS Lê Đăng Khoa thấu hiểu sự khao khát lẫn mặc cảm của người chồng khi mắc bệnh lý này.
Ai dừng chân ở phòng khám của ThS.BS Lê Đăng Khoa (Trưởng đơn vị Nam học, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM) cũng tò mò về một túi tỏi cô đơn treo trên cao. Bác sĩ Khoa kể, từ khi gắn bó với chuyên ngành Nam học và điều trị vô sinh - hiếm muộn nam giới, túi tỏi này chưa từng rời khỏi văn phòng của anh.
Hơn 16 năm trong nghề, ThS.BS Lê Đăng Khoa chẳng nhớ hết đã giúp bao nhiêu cặp vợ chồng thỏa niềm mong ước “con bế con bồng”. Vậy mà anh lại nhớ như in hoàn cảnh của cặp vợ chồng đến từ Lý Sơn làm nghề trồng tỏi, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, với giấc mơ rất bình thường là một mái ấm có tiếng cười trẻ thơ.
Sau niềm vui đón con đầu lòng nhờ thụ tinh ống nghiệm, họ muốn thực hiện lần hai để nhà thêm người. Lần gặp lại, bệnh nhân xuống sắc dù mới ngoài 40 - da nhăn, sạm đen, má hóp, lông tóc rụng nhiều, giảm ham muốn… Đây là triệu chứng điển hình cho những trường hợp suy giảm sinh dục.
Lúc kiểm tra tinh dịch đồ, toàn bộ tinh trùng của người chồng không còn. Ở lần trước, các bác sĩ chỉ tập trung vào khai thác “con giống" (tinh trùng) để làm thụ tinh ống nghiệm mà bỏ ngỏ việc đánh giá khả năng sinh tinh của người chồng. Quá trình điều trị thụ tinh ống nghiệm lần trước đã xuất hiện tình trạng giảm sinh tinh nhưng không có biện pháp và kế hoạch bảo tồn khả năng sinh sản trong tương lai.
“Ngẫm lại, để người chồng rơi vào tình huống ‘tắt nắng giữa trưa’ một phần là chưa có sự gắn kết giữa hai chuyên khoa (Nam học và Hỗ trợ sinh sản) trong điều trị. Khi đó tôi vẫn còn đang gắn bó với lĩnh vực hỗ trợ sinh sản nữ, cầm túi tỏi quà tặng của bệnh nhân chào trước khi ra về, tôi cay mắt”, bác sĩ Khoa trầm tư.
Không phải lần đầu tiên chứng kiến hình ảnh người đàn ông rắn rỏi suy sụp vì chẳng trọn giấc mơ con cái, nhưng ca bệnh này là nguồn động lực để bác sĩ Khoa hiểu hơn về vai trò của Nam học trong điều trị vô sinh, hiếm muộn, cũng như liên quan mật thiết đến chất lượng cuộc sống của nam giới và các cặp vợ chồng.
Trong khi phụ nữ được chăm sóc bởi chuyên ngành Sản phụ khoa từ nhiều năm trước thì Nam học chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều lần đứng trước nỗi đau vô sinh của cánh mày râu, bác sĩ Khoa quyết định dấn thân và theo đuổi lĩnh vực Nam học, quyết tâm mang đến kỹ thuật mới điều trị nam khoa bên cạnh kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
“Tôi quyết định đi 'tầm sư học đạo'. Người thầy đầu tiên là TS.BS Nguyễn Thành Như - nguyên Trưởng khoa Nam học, bệnh viện Bình Dân), chuyên gia hàng đầu về Nam học tại Việt Nam - người đã dạy cho tôi những bài học về nghề và cả đạo đức của một bác sĩ nam khoa”, bác sĩ Khoa nhớ lại.
Bác sĩ Khoa đồng hành cùng đội ngũ chuyên gia tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, trong đó có ThS.BS Giang Huỳnh Như - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP.HCM (IVFTA-HCM) - phát triển trung tâm hỗ trợ sinh sản toàn diện, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nam và nữ. Trung tâm được ứng dụng công nghệ điều trị hiện đại, mang đến tỷ lệ thành công cao, tiết kiệm chi phí và hiệu quả tối ưu cho bệnh nhân.
“Việc phát triển lĩnh vực hỗ trợ sinh sản theo hướng mũi nhọn chuyên sâu là xu hướng của thế giới, trong đó điều trị vô sinh ở nam giới cần song hành với hỗ trợ sinh sản nữ. Nếu gặp bệnh nhân nam năm xưa, tôi nghĩ bản thân có thể giúp anh ấy có con, duy trì đời sống sinh lý bằng nhiều phương pháp hiện đại hơn”, bác sĩ Khoa chia sẻ.
Theo bác sĩ Khoa, nguyên nhân hiếm muộn do chồng và vợ là tương đương. Trong đó 30% trường hợp có nguyên nhân từ người chồng, 30% do vợ, 30% là do cả hai và 10% không rõ nguyên nhân. Do đó, nguyên tắc khi khám và điều trị hiếm muộn, bác sĩ cần đánh giá đồng thời tình trạng sức khỏe sinh sản cả vợ lẫn chồng. Tuy nhiên, không phải đơn vị hỗ trợ sinh sản nào cũng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và chuyên gia có chuyên môn cao.
Cũng theo bác sĩ Khoa, điều trị vô sinh “song kiếm hợp bích” nam và nữ tạo ra hiệu quả cao hơn điều trị riêng lẻ hay vợ - chồng khám/điều trị tách biệt. Bởi trong quá trình chẩn đoán và điều trị, bác sĩ nam khoa có thể phối hợp với bác sĩ hiếm muộn để kết hợp phác đồ, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí mà vẫn tăng hiệu quả điều trị.
“Mô hình điều trị vô sinh hiếm muộn ở IVFTA-HCM khác với những trung tâm hỗ trợ sinh sản khác. Kế thừa thành công của IVFTA Hà Nội, chúng tôi xây dựng đơn vị Nam học tại chỗ, kết hợp khoa Nam học cùng Trung tâm Tiết niệu Thận học của bệnh viện, đảm bảo quá trình điều trị cho bệnh nhân toàn diện và đạt hiệu quả tối ưu về thời gian và chi phí. Chỉ cần bộ phận Nam học cung cấp đủ lượng tinh trùng, đơn vị Hỗ trợ sinh sản sẽ thực hiện tạo phôi, chuyển phôi để người vợ có cơ hội thụ thai. Trong khi đó, người chồng tiếp tục với phác đồ điều trị bệnh lý riêng”, ThS.BS Giang Huỳnh Như chia sẻ.
Ngay khi đi vào hoạt động, IVFTA-HCM đã đón nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. “Niềm vui nhưng cũng là thách thức lớn với đội ngũ IVF khi phần lớn bệnh nhân là ca bệnh lâu năm, khó chữa, nam giới lớn tuổi…”, bác sĩ Khoa cho biết.
Bác sĩ còn nhớ một trong những ca bệnh nặng đầu tiên mà anh chủ trị là cặp vợ chồng xấp xỉ 40 tuổi ở TP.HCM. Cuộc gặp gỡ cùng bác sĩ Khoa diễn ra vào tháng 4/2021, khi hành trình tìm con của cặp vợ chồng đã kéo dài ròng rã hơn 5 năm, trải dài từ Nam ra Bắc. Họ tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP.HCM khi chỉ còn vài phần trăm hy vọng.
"Người chồng thuộc nhóm vô tinh không tắc nghẽn (NOA) do biến chứng teo tinh hoàn vì mắc bệnh quai bị thời niên thiếu. Bệnh nhân đã theo một bác sĩ nam khoa và điều trị bằng thuốc - vừa uống vừa tiêm hơn một năm trời với hy vọng có tinh trùng trong mẫu xuất tinh. Bất hạnh thay, theo khuyến cáo của Hiệp hội Niệu khoa châu Âu (EAU), điều trị nội khoa cho những trường hợp này thường không hiệu quả. Sau 5 năm ‘mải mê’ điều trị cho chồng, người vợ phát hiện suy nội mạc tử cung, suy buồng trứng. Chỉ số AMH chỉ còn 0,4 khiến chị khó có thai, nếu may mắn có tin vui thì cũng dễ sảy thai. Đây là điều đáng tiếc cho cả vợ lẫn chồng. Vừa tiếp cận phương pháp điều trị không phù hợp, vừa bỏ lỡ thời gian vàng của người vợ lớn tuổi”, bác sĩ Khoa kể.
Qua hội chẩn cùng các chuyên gia thụ tinh ống nghiệm của bệnh viện, bác sĩ Khoa cùng cộng sự quyết định áp dụng chiến lược điều trị “tổng lực”: Vi phẫu micro-TESE tìm tinh trùng cho người chồng, đồng thời kích thích buồng trứng cho người vợ với phác đồ kích thích nhẹ để giảm chi phí, bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân vào tử cung để cải thiện niêm mạc. Bên cạnh đó, đội ngũ IVFTA-HCM áp dụng công nghệ tạo và nuôi phôi tại phòng lab đạt chuẩn ISO 5.
Sau 3 chu kỳ kích trứng, cặp vợ chồng được thông báo có một phôi tốt và hai phôi trung bình ngày 5. Điều kỳ diệu xảy ra khi anh chị đón tin vui ngay lần đầu tiên chuyển phôi.
Sau 12 tuần theo dõi thai kỳ, anh chị quyết định chọn Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM làm nơi chăm sóc thai và sinh nở. “Chúng tôi vẫn giữ kết nối để chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người chồng, đảm bảo lần thực hiện thụ tinh ống nghiệm tiếp theo đạt số lượng và chất lượng tinh trùng tốt nhất”, bác sĩ Khoa kể lại.
Hiện, IVFTA-HCM chữa trị thành công nhiều ca bệnh vô sinh hiếm muộn lâu năm, tuổi cao, có nhiều bệnh lý phức tạp. Trong đó, không ít ca nam giới không có tinh trùng, tinh trùng bất động; nữ có tử cung dị dạng, buồng trứng đa nang, suy buồng trứng… Nhiều trường hợp từng bị từ chối điều trị, chỉ định xin trứng, tinh trùng hoặc mang thai hộ trước khi đến IVFTA-HCM.
Đội ngũ IVFTA-HCM đã nâng niu từng cơ hội, đưa tỷ lệ thành công trung bình các ca bệnh lên đến 68,2% (tính cả các ca khó, thậm chí rất khó). Bác sĩ Khoa khẳng định mô hình phối hợp Nam khoa và Hỗ trợ sinh sản với sự hỗ trợ đắc lực từ phòng lab đã nâng tỷ lệ IVF thành công.
“Điều trị Nam học ở IVFTA-HCM không chỉ là có được con chính chủ mà còn tập trung vấn đề nâng cao chất lượng đời sống của nam giới. Hơn ai hết, tôi hiểu bệnh lý nam khoa, mãn dục sớm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống nếu không được điều trị đúng lúc”, bác sĩ khẳng định.
Thành công nhiều nhưng nỗi niềm khó nói về nghề “thầm kín của nam giới” cũng không ít. Bác sĩ Khoa gọi văn phòng của anh là “góc tâm tình” thì thầm về những chuyện vốn bị cánh mày râu giấu kín.
“Nhiều năm làm nghề, tôi gặp không ít bệnh nhân ngại ngùng giấu bệnh. Không ít người đi khám vẫn day dứt vì gia đình rạn nứt, vợ chê bai vì không thể hiện được bản lĩnh đàn ông. Không ít trường hợp còn có tư tưởng bảo thủ, không thừa nhận bệnh, ‘đổ tội’ cho vợ”, bác sĩ cho biết.
Theo bác sĩ, vấn đề trở ngại tâm lý của bệnh nhân nam giới không chỉ phổ biến ở Việt Nam. Trong những năm tháng ở Australia để trau dồi kiến thức chuyên môn, bác sĩ gặp nhiều trường hợp bệnh nhân nam từ chối thăm khám, chữa trị chỉ vì… “tâm lý che giấu”. Đây là tâm lý chung của nam giới, không riêng ở châu Á mà cả châu Âu, châu Mỹ...
Hơn 16 năm gắn bó với bộ phận Hỗ trợ sinh sản, điều thạc sĩ Khoa thấm thía là không phải vấn đề nào người chồng cũng có thể giãi bày với bạn đời. “Tôn chỉ điều trị của tôi là tôn trọng bệnh nhân. Họ có quyền con người, quyền riêng tư. Khi quan sát và thấu hiểu bệnh nhân có điều khó nói, tôi sẽ đề nghị vợ hoặc người thân của bệnh nhân rời đi. Những lúc như thế, mặt yếu đuối và khao khát của họ mới được bộc bạch rõ ràng nhất…”, bác sĩ Khoa tâm sự.
Không chỉ chia sẻ nỗi đau, bác sĩ cũng giúp bệnh nhân chấp nhận thực tế - bản thân có trục trặc về cấu tạo, chức năng sinh lý đàn ông và tin tưởng được chữa khỏi. Điều này giúp quá trình điều trị đạt được phần nào thành công.
“Tôi hay đùa với đồng nghiệp, nam giới cũng chỉ là những cậu bé lớn xác. Họ cũng có nhu cầu được vỗ về, giãi bày tâm tư trước khi bước vào những đợt trị liệu kéo dài”, bác sĩ Khoa nói thêm.
Hệ thống BVĐK Tâm Anh đồng hành cùng Zing News thực hiện tuyến nội dung "Vì sức khỏe cộng đồng" mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh về sức khỏe của người Việt. Hệ thống BVĐK Tâm Anh là một trong những bệnh viện chất lượng cao tại Việt Nam, thực hiện thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu khách hàng, quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ hàng đầu cả nước.
Độc giả có nhu cầu tư vấn, khám chữa bệnh có thể liên hệ qua website, fanpage hoặc đến trực tiếp hệ thống BVĐK Tâm Anh tại Hà Nội (108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên; hotline: 18006858) và TP.HCM (2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình; hotline: 02871026789).
Bình luận