Đối thoại thú vị giữa chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Thị Lâm và chuyên gia tâm lý Hoàng Anh Tú tại talkshow “Thực phẩm có phải là nguyên nhân gây nóng” đã mang đến những góc nhìn đa chiều cùng thông tin bổ ích, giúp phần nào tháo gỡ hiểu lầm về thực phẩm.
Món nóng, mát khi đặt lên bàn cân
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cần xem xét thông tin về món nóng, mát một cách khách quan để có cái nhìn chính xác nhất.
Trước hết, cần hiểu rõ khái niệm món nóng, món mát vốn bắt nguồn từ y học cổ truyền và được truyền miệng rộng rãi trong dân gian. Tuy nhiên, y học cổ truyền cũng không phân định món nóng hay món mát tốt hơn, bởi điều này còn phụ thuộc vào “thể” của từng người.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm và chuyên gia tâm lý Hoàng Anh Tú tại talkshow “Thực phẩm có phải là nguyên nhân gây nóng”. |
Theo đó, cơ thể con người được chia thành thể “hàn” và thể “nhiệt”. Từ đây, ta có thể lựa chọn những loại thực phẩm thích hợp. Ví dụ, những người thể “hàn” nên ưu tiên bổ sung thực phẩm có tính “nhiệt” và ngược lại.
Chuyên gia Hoàng Anh Tú cho rằng những kiến thức truyền miệng đã ăn sâu vào tâm lý người Việt. |
Nhìn nhận dưới góc độ xã hội, chuyên gia tâm lý Hoàng Anh Tú cho rằng những kiến thức mang tính truyền miệng và dân gian theo thời gian đã ăn sâu vào tâm lý người Việt. Chính điều này làm nhiều người hiểu lầm, dẫn đến những quan niệm “oan” cho thực phẩm. Cụ thể, đó là những câu truyền miệng như “ăn cái này, cái kia gây nóng trong người”. Việc quy kết không được ăn một loại thực phẩm hay món ăn nào đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều mâu thuẫn , đánh mất không khí của bữa cơm gia đình.
Song song đó, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm cũng giải thích thêm để cộng đồng hiểu rõ những vấn đề xoay quanh quan niệm “thực phẩm gây nóng”. Bà cho biết: “Thực tế, trong y học hiện đại không tồn tại khái niệm thực phẩm nóng và lạnh. Xét theo khía cạnh cổ truyền thì thực phẩm có tính ‘nhiệt’ cũng không phải nguyên nhân gây nóng”.
Theo PGS.TS.BS Lâm, tình trạng nóng trong người xuất phát từ nhiều nguyên nhân như yếu tố bệnh lý, chế độ ăn mất cân bằng, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, sử dụng các chất kích thích (caffeine), thuốc…
Cân bằng là yếu tố quan trọng nhất
Dù nhìn nhận dưới góc độ dinh dưỡng hay tâm lý, cả hai chuyên gia đều cho rằng sự cân bằng là yếu tố quan trọng nhất trong ăn uống nói riêng và thực hành sức khỏe nói chung. PGS.TS.BS Lâm khẳng định việc cân bằng giữa các tính chất của thực phẩm khi sử dụng sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, chống lại bệnh tật.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm nhấn mạnh vai trò của sự cân bằng trong dinh dưỡng. |
Trong chế biến thực phẩm, mỗi người đều có thể điều hòa hàn và nhiệt, cân bằng dinh dưỡng theo 2 hướng chính: Phối hợp những món có tính mát với tính nóng; tận dụng mọi phần ăn được của thực phẩm. Ví dụ, khi sử dụng rau, chúng ta có thể dùng cả thân, lá, rễ, hoa; đối với mướp là trái, hoa, lá non; khoai lang nên ăn cả củ lẫn lá…
Nói đơn giản, mỗi người nên có chế độ ăn uống đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm để đảm bảo có đầy đủ món mát và nóng. Cũng theo vị chuyên gia này, chúng ta không cần kiêng khem hay lo lắng quá nhiều vì có thể dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.
Bên cạnh đó, chuyên gia Hoàng Anh Tú cũng cho rằng “cái gì quá nhiều đều không tốt”, nên mỗi người cần tạo được trạng thái cân bằng không chỉ trong ăn uống mà mọi khía cạnh của cuộc sống. Vị chuyên gia này khuyên cộng đồng nên xóa bỏ định kiến rằng một thực phẩm hay món ăn nào đó gây nóng, nhằm mang đến gia đình những bữa ăn vui vẻ, hạnh phúc và cân bằng dinh dưỡng.