![]() |
Đối xử với con bằng lòng trắc ẩn, thương cảm, chứ không phải trách mắng khi trẻ phản ứng thái quá. Ảnh: Pexels. |
Khi con trẻ nổi cơn thịnh nộ vì một chuyện nhỏ nhặt, phản ứng đầu tiên của phụ huynh có thể là cứng rắn và nghiêm khắc.
Tuy nhiên, theo nhà tâm lý học trẻ em Becky Kennedy, người được đào tạo tại Đại học Columbia - một trong 8 trường thuộc Ivy League danh giá của Mỹ - chìa khóa để nuôi dạy những đứa trẻ trưởng thành mạnh mẽ, kiên cường chính là đối xử với con bằng lòng trắc ẩn, thương cảm, chứ không phải trách mắng khi con phản ứng thái quá.
Đừng sợ con yếu đuối
"Nhiều cha mẹ coi lòng trắc ẩn là một điều nguy hiểm. Khi trẻ có những phản ứng mạnh mẽ với điều mà cha mẹ cho là nhỏ nhặt, cha mẹ thường lo sợ sự thương cảm sẽ khiến trẻ trở nên yếu đuối, dễ vỡ, mong manh như bông tuyết", TS Kennedy chia sẻ trong podcast Good Inside của mình.
"Bông tuyết" là "snowflake" trong tiếng Anh. Theo từ điển Merriam-Webster, từ lóng "snowflake" có thể bắt nguồn từ cuốn tiểu thuyết Fight Club (1996) của Chuck Palahniuk. Thuật ngữ này dùng để chỉ những người được cho là quá nhạy cảm và dễ tổn thương.
TS Kennedy thừa nhận bản thân cũng từng có những suy nghĩ tương tự về ba đứa con của mình khi chúng còn bé. Nhưng bà nhận ra khi sự thất vọng của trẻ dẫn đến cơn giận dữ, sự chỉ trích của cha mẹ sẽ làm tình hình tồi tệ hơn.
"Nếu tôi chỉ trích, phủ nhận cảm xúc của con, cảm giác tiêu cực đó sẽ chỉ lớn hơn, hoàn toàn phản tác dụng", bà nói.
Thay vào đó, TS Kennedy khuyên cha mẹ nên bình tĩnh thừa nhận cảm xúc của con bằng những lời lẽ hỗ trợ như: "Mẹ hiểu con đang buồn. Cảm xúc này là thật. Và mẹ tin con sẽ vượt qua được".
Việc thấu hiểu và chấp nhận cảm xúc của trẻ giúp chúng cảm thấy được lắng nghe, đặc biệt khi đang khó khăn hay buồn bã.
Nhà trị liệu tâm lý Amy Morin cũng gợi ý một số câu nói như "Con có quyền buồn, nhưng không được hành động như vậy". Điều này cho trẻ thấy rằng những cảm xúc như giận dữ hay buồn bã là bình thường, nhưng việc gây rối hay làm tổn thương người khác là không thể chấp nhận.
Bà Morin cũng lưu ý cha mẹ có thể dạy trẻ những cách đối phó lành mạnh hơn với cảm xúc mạnh mẽ, chẳng hạn như hít thở sâu hoặc gọi tên cảm xúc của mình.
"Kiểm soát cách thể hiện cảm xúc là một kỹ năng quan trọng", bà Morin nhận định.
Trẻ em có lòng trắc ẩn sẽ kiên trì hơn
Theo Kennedy, những người kiên trì thường có lòng trắc ẩn với chính mình. Vì vậy, cha mẹ hãy giúp con xây dựng kỹ năng này từ khi còn nhỏ.
"Lời nói của cha mẹ sẽ trở thành lời tự nhủ của con cái. Nếu cha mẹ phủ nhận hoặc chỉ trích nỗi đau khổ của con, khi trưởng thành, trẻ có xu hướng tự trách mình khi gặp thất bại, thay vì suy nghĩ về nguyên nhân và tìm cách giải quyết.
Điều đó chỉ khiến chúng khó khăn hơn trong việc tìm lại sự tự tin, kiên cường và tìm ra hướng đi cho mình", Kennedy nhấn mạnh.
Dạy con cách đối xử tử tế và thông cảm với chính mình sẽ giúp chúng trưởng thành, đối diện với những khó khăn mà không chìm vào tiêu cực.
"Lòng trắc ẩn đóng vai trò lớn trong khả năng tự điều chỉnh cảm xúc. Việc tự trách móc chỉ khiến chúng ta yếu đuối hơn vì không thể đối diện với cảm xúc của mình", vị chuyên gia khẳng định.
TS Kennedy bổ sung thêm rằng lòng trắc ẩn sau thất bại giúp con người có xu hướng kiên trì và thử lại cao hơn so với những người tự chỉ trích.
"Hơn nữa, lòng trắc ẩn với bản thân giúp mọi người nhận trách nhiệm về sai lầm mà không rơi vào cảm giác xấu hổ. Điều đó rất quan trọng", Kennedy nói.
Thị trường lao động thay đổi chóng mặt, để tồn tại, con người cần học tập suốt đời. Trong bối cảnh đó, tạp chí Tri Thức - Znews giới thiệu tới độc giả cuốn Học tập suốt đời của tác giả Michelle R.Weise.
Tác phẩm cung cấp cho độc giả những đánh giá về thị trường lao động tương lai, những giải pháp cho nhu cầu vừa học vừa làm đang ngày một tăng, cùng với đó là đưa ra những cách kết nối để quá trình chuyển đổi “học-làm” diễn ra thuận lợi hơn. Từ đó, tác giả nêu lên vai trò của việc học tập suốt đời.