“Nhược điểm của việc học đại cương là khiến cho mình thấy mình không có nhiều thời gian để học chuyên ngành. Tuy nhiên, học phần đại cương trải dài ở nhiều lĩnh vực lại có thể giúp mình hiểu biết nhiều hơn ở những khía cạnh mình chưa tiếp xúc”, Nguyên Phương (21 tuổi, du học sinh ngành Kinh tế học tại Mỹ), chia sẻ với Zing.
Việc học các môn đại cương có thể không giúp ích nhiều trong việc tìm kiếm một công việc cụ thể hay mức lương cao. Tuy nhiên, nó giúp Phương có hiểu biết rộng rãi và phổ quát. Đây cũng là một trong các mục tiêu nữ sinh hướng đến.
Học 10 môn đại cương
Nguyên Phương cho biết trong 4 năm đại học, sinh viên trong trường bắt buộc phải hoàn thành 10 môn đại cương cho 4 khối kiến thức: Khoa học Xã hội, Khoa học Tự nhiên, Nhân văn và Nghệ thuật.
Nguyên Phương bắt buộc phải hoàn thành 10 môn đại cương. Ảnh: NVCC. |
Ở 3 khối đầu tiên, sinh viên phải đăng ký 3 môn/khối, riêng khối Nghệ thuật chỉ cần đăng ký một môn. Ngoài các môn đại cương về các khối kiến thức nói trên, nhà trường cũng yêu cầu sinh viên học các lớp kỹ năng như tiếng Anh, Viết, Văn hóa học và Toán học.
Không giống Nguyên Phương, Nguyễn Thanh (20 tuổi, du học ngành Khoa học Tâm lý tại Italy), chỉ cần học 3 môn đại cương trong chương trình học 3 năm, bao gồm Kỹ năng tin học, Tiếng Anh học thuật và Triết học Tâm lý.
Trong khi đó, là du học sinh ngành Truyền thông trực tuyến tại Đức, Phương Anh (23 tuổi) phải học một năm học dự bị gồm các môn đại cương như Văn học, Lịch sử, Tiếng Anh, Tiếng Đức và Xã hội học trong vòng một năm trước khi vào đại học.
Cô cho biết nền giáo dục Đức coi trọng trong việc giảng dạy những môn đại cương. Khác với du học sinh, sinh viên bản địa đã được học các môn này từ cấp 2 nên khi lên đại học, họ chỉ học những môn liên quan đến ngành học chứ không học đại cương nữa.
Tương tự, Ngọc Hòa (sinh viên Truyền thông - Quan hệ Công chúng tại ĐH Deakin, Australia) không phải học lớp dự bị nhưng cũng phải mất ít nhất một năm đầu tiên để hoàn thành các môn đại cương.
“Các môn đại cương thường là bắt buộc, hoặc trong trường hợp của mình, mình phải chọn học một vài môn từ một danh sách các môn bắt buộc. Nếu không hoàn thành các môn này, sinh viên không thể học lên tiếp các môn nâng cao ở năm 2 và năm 3”, cô nói.
Hình thức học khá giống Việt Nam
Nguyên Phương đánh giá phương pháp giảng dạy và cách học các môn đại cương tại Mỹ khá giống với Việt Nam. Sinh viên cần nghiên cứu trước giáo trình, bài đọc thêm để chủ động lên lớp trao đổi và trả lời giáo sư. Giáo sư sẽ chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn và quyết định hình thức thi cử.
Với Nguyễn Thanh, cô có thể học Tin học và Tiếng Anh học thuật ở bất kỳ thời điểm nào trong 3 năm học. Riêng môn Triết học Tâm lý, cô phải học ngay trong năm đầu vì là môn tiên quyết, nền tảng cho các môn học sau.
“Môn Tin học, chúng mình được học trực tiếp luôn trên máy tính, hình thức thi cử y hệt ở Việt Nam, làm đúng, đủ yêu cầu thì được điểm. Với các môn khác, thi theo hình thức vấn đáp, chỉ cần câu trả lời hài lòng giảng viên là đỗ. Còn nếu thi theo hình thức viết, làm luận… sinh viên phải đáp ứng được 50% yêu cầu để qua môn”, Thanh nói.
Khác với Nguyên và Thanh, để học lớp dự bị, Phương Anh phải đỗ bài kiểm tra đầu vào. Quá trình học cũng giống như ở Việt Nam, phải làm bài thi giữa kỳ và cuối kỳ. Nếu không qua môn, cô phải học lại.
Để học các môn đại cương tại lớp dự bị, Phương Anh phải đỗ một bài kiểm tra đầu vào. Ảnh: NVCC. |
Cuối cùng, kết thúc 2 kỳ học (tương đương một năm), cô phải vượt qua bài thi tốt nghiệp để bước vào đại học. Điểm bài thi này sẽ chiếm tỷ lệ lớn trong tổng điểm để xét vào trường.
“Mỗi lớp chỉ có 15-20 bạn. Thầy cô hạn chế giao bài tập về nhà, chủ yếu giao bài tập ở lớp. Thỉnh thoảng, chúng mình cũng có môn kiểm tra miệng bất chợt như ở Việt Nam”, Phương Anh cho biết.
Đối với cô, Lịch sử là môn khó nhất dù cách truyền đạt của giáo viên rất hay. Nữ sinh cho biết trong giờ học, giáo viên thường cho lớp xem phim tài liệu, dẫn bằng chứng xen kẽ lý thuyết để học sinh dễ hình dung. Tuy nhiên, đề thi phần lớn là câu hỏi vận dụng, đòi hỏi cô phải thực sự hiểu mới có thể làm bài.
Trong khi đó, Ngọc Hòa cho biết hình thức kiểm tra các môn tại Australia tùy thuộc vào giảng viên và tính chất môn học. Phần lớn các môn đại cương ngành Truyền thông, sinh viên không cần phải làm bài thi, các bài kiểm tra đều mang tính thực tiễn.
“Ví dụ, để qua môn, sinh viên cần lập kế hoạch truyền thông cho một tổ chức hoặc sáng tạo một quảng cáo để đáp ứng yêu cầu của một thương hiệu. Nếu muốn đạt điểm cao, sinh viên phải dành khoảng thời gian tương xứng cho các môn này”, Hòa nói.
Tuy nhiên, nhiều sinh viên của ĐH Deakin cũng phải chật vật với môn đại cương vì phải học nhiều, đặc biệt khi họ phải học nhiều môn đại cương cùng lúc.
Coi trọng việc học đại cương
Ngọc Hòa nhận định các môn đại cương ở trường cô đều có liên quan đến chuyên ngành chứ không phổ quát như ở Việt Nam. Chính vì vậy, các môn học này rất quan trọng, giúp cô có nền tảng kiến thức vững chắc, toàn diện về các chuyên ngành khác nhau của lĩnh vực Truyền thông - Marketing.
Ngọc Hòa đánh giá các môn đại cương rất quan trọng, giúp cô có nền tảng kiến thức vững chắc. Ảnh: NVCC. |
“Mình nghĩ dù thuộc ngành nghề nào, việc một người có kiến thức tổng quát về một lĩnh vực cũng mang lại lợi thế tốt trong quá trình làm việc ở tương lai”, Hòa nhận xét.
Tương tự, Nguyễn Thanh đánh giá Triết học Tâm lý là môn đại cương khó, thiên về lý thuyết nhưng đó đều là các môn nền tảng liên quan đến lĩnh vực cô theo học. Thậm chí, Thanh đánh giá đây là một trong những môn học hay và có ý nghĩa nhất.
“Những lĩnh vực nghiên cứu trong ngành Tâm lý khá khó định lượng vì nó thuộc về hành vi và suy nghĩ và tư duy của con người. Việc nắm chắc phương pháp khoa học và xác định thế nào là khoa học rất quan trọng để mình có thể phân biệt được kiến thức nào là đã qua kiểm nghiệm khoa học, kiến thức nào là chưa”, Thanh nói.
Ngoài ra, môn học này còn giúp sinh viên biết tư duy logic, khoa học và có bằng chứng khi tiếp cận một vấn đề, dù vấn đề không nhất thiết là trong chuyên ngành. Theo Thanh, đây là những kỹ năng rất tốt và có tính ứng dụng cao, sinh viên nên được học môn này một lần.
Trong khi đó, Nguyên Phương chia sẻ một số môn đại cương không liên quan hoàn toàn đến chuyên ngành Kinh tế học cô đang theo đuổi, nhưng sau khi hoàn thành 6/10 môn, cô đã có lượng kiến thức nền tảng về các lĩnh vực khác dù không học ngành đó.
Điểm thi THPT 2022
Nam sinh tốt nghiệp điểm cao nhất Bách khoa tự trách vì đỗ đại học
Là người duy nhất trong số 3 anh em trai được đi học đại học, thế nhưng, Dương nhiều lần tự trách vì bản thân mang thêm gánh nặng cho gia đình.
Hơn 11.500 thí sinh tranh suất sớm vào trường Sư phạm
Sáng 11/5, hơn 11.500 thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội để tranh suất vào các trường Sư phạm trên cả nước.
Hơn 1 triệu thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024
Cả nước có 1.067.391 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT, nhiều hơn năm 2023 khoảng 43.300 em.
Tỷ lệ chọi vào trường chuyên Hà Nội giảm mạnh, có lớp giảm hơn một nửa
Theo số liệu thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập năm 2024 do Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố, tỷ lệ chọi vào 4 trường THPT chuyên và có lớp chuyên của thành phố giảm mạnh.
IDP lên tiếng vụ cấp 56.200 chứng chỉ IELTS không hợp lệ
Bộ GD&ĐT nói 56.200 chứng chỉ IELTS do IDP cấp không hợp lệ, song đơn vị này khẳng định số chứng chỉ này được 12.000 tổ chức trên toàn thế giới công nhận.