Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

Chuyện những người mang... hồn cáp

Đằng sau tuyến cáp treo xuyên rừng thẳm và mây mù đến đỉnh cao Tây Bắc là những giọt mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu xương của hàng nghìn con người ngày đêm xây dựng.

Sun Group anh 1Sun Group anh 2

Sun Group anh 3

Đầu năm 2016, tuyến cáp treo Fansipan chính thức được đưa vào vận hành và ngay lập tức đã xác lập hàng loạt kỷ lục: Tuyến cáp 3 dây dài nhất thế giới, độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất...

Sau 3 năm vận hành, người còn ở, kẻ đã mải miết đi theo công trình mới, nhưng ký ức về tháng ngày vác đá, mở đường bằng vai trần, tay không, vẫn còn vẹn nguyên trong lòng những người đã lỡ mang theo… “hồn cáp”.

Sun Group anh 4

Cuối năm 2013, ngay sau khi giấy phép xây dựng tuyến cáp treo Fansipan chính thức có hiệu lực, hơn 300 cán bộ, kỹ sư bắt đầu hành trình hành quân vào lòng núi để hiện thực hóa giấc mơ bắc cáp lên đỉnh trời.

Cũng vào năm đó, tại Đà Nẵng, Võ Hoài Quốc đang thất nghiệp và chỉ dám thuê cho vợ mới sinh một căn phòng nhỏ ven đô. Loay hoay với mưu sinh, chưa bao giờ chàng trai gốc Quảng Nam lại nghĩ sẽ có ngày mình sẽ rời thành phố lên Lào Cai lập nghiệp.

Sun Group anh 5

Sau vài đêm trằn trọc, anh quyết định để vợ con lại Đà Nẵng, khoác balo ra Bắc. Đầu năm 2014, anh chính thức có mặt tại Sa Pa và nhận nhiệm vụ khảo sát, trắc đạc cho tuyến cáp treo 3 dây đầu tiên ở Việt Nam. Hành trang của anh ngoài sức trẻ, nỗi lo mưu sinh thì còn là... hai bàn tay trắng.

Sun Group anh 6“Vào thời điểm này, hầu hết anh em đều không hình dung nổi mình sẽ phải đối mặt với gì. Tất cả chỉ háo hức nghĩ đây sẽ là công trình ‘để đời’ chưa từng có từ trước tới nay,” Võ Hoài Quốc hồi tưởng.

Thế nhưng, niềm hồ hởi ấy chẳng thể giữ quá lâu khi va phải thực tế khắc nghiệt của rừng già Hoàng Liên. Lương thực, thực phẩm thiếu thốn. Điều kiện làm việc như thời chiến vì không thể đưa máy móc lớn vào rừng sâu. Tuyết và gió thay nhau thốc ngược từ những vực sâu hun hút lên các vị trí đoàn đi khảo sát. Tất cả công đoạn trắc địa, đo đạc và thậm chí cả thi công về sau đều chỉ được thực hiện bằng những đôi tay trần.

Khó khăn là thế, nhưng chưa bao giờ Quốc nghĩ tới việc bỏ về. Những lúc mệt mỏi nhất, hình ảnh đứa con mới lọt lòng đang ọ ẹ khóc bên mẹ lại ùa về trong đầu ông bố trẻ. Ngày ngày, anh cùng đồng nghiệp vạch rừng, định tuyến cho cáp, nhưng đêm về lại ngồi lặng thinh bên sườn núi, mắt hướng về phía thị trấn Sa Pa đang lấp loáng ánh đèn mà rơm rớm khóc.

Tuyến cáp 3 dây dài gần 6 km đã chứng kiến đủ cảm xúc buồn vui, hạnh phúc của Quốc trong suốt 2 năm gắn bó. Với chàng trai gốc Quảng Nam, cáp treo Fansipan còn là nơi ghi dấu ấn của tình đồng nghiệp, của ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.

Sun Group anh 7

Cho tới tận lúc này, đã 4 năm qua đi, Quốc vẫn không thể lý giải được động lực nào đã khiến anh có thể đưa đồng nghiệp bị rắn cắn vượt qua 12 km đường rừng từ gần đỉnh Fansipan về Trạm Tôn chỉ trong 3 giờ, thay vì 8 tiếng như thường lệ.

“Sáng hôm ấy, chú Minh - một người đi cùng đoàn khảo sát của chúng tôi hớt hải chạy về lán với 2 vết rắn cắn trên tay,” Quốc bắt đầu câu chuyện.

Nhìn dấu răng sâu hoắm còn rớm máu, Quốc rùng mình. Anh biết chuyện chẳng lành đã tới. Chỉ kịp garo vết cắn, Quốc vội vã cuốn hành lý rồi sấp ngửa chạy về phía chân núi trong hy vọng mong manh. Đồng nghiệp bên cạnh cứ lả dần trong cơn đau. Quốc vừa chạy, vừa gọi điện cầu cứu. May thay, có người bắt máy. Một ôtô sẽ đợi sẵn phía cửa rừng.

Gần 9h, chiếc xe đợi sẵn ở Trạm Tôn lao vun vút về phía Bệnh viện Sa Pa trong niềm hy vọng khắc khoải của cả đoàn. Tính tới thời điểm đó, hành trình vượt 12 km đường núi của nhóm 3 người Võ Hoài Quốc chỉ vỏn vẹn chưa đầy 3 giờ, một kỷ lục không chính thức. Chính nhờ chuyến đi này, tính mạng của chú Minh đã được giữ lại. Chỉ 14 ngày sau, chú Minh đã vượt qua cơn thập tử nhất sinh trong niềm vui vô hạn của Võ Hoài Quốc và các đồng nghiệp.

Sun Group anh 8

Nếu Võ Hoài Quốc đại diện cho những kỹ sư trẻ muốn thách thức cực hạn của bản thân thì Trần Tịnh lại là biểu tượng cho thứ tình yêu thủy chung, son sắt và vững bền với cáp. Nhiều thế hệ gắn bó với đại công trình bắc qua đại ngàn Hoàng Liên Sơn đã gọi ông bằng cái tên trìu mến: Bố già dựng cáp.

Từng chinh chiến với cáp Vinpearl Nha Trang và cáp Bà Nà, năm 2014, ông Tịnh nhận được lệnh tăng cường khẩn cấp cho Sa Pa để tham gia xây dựng tuyến cáp 3 dây đầu tiên. Năm ấy, ông Tịnh đã 58 tuổi và trở thành công nhân già nhất trên đỉnh Fansipan. Không xa lạ với việc leo rừng, vượt núi, nhưng những ngày đầu tiên mở lối lên Fansipan, ông vẫn phải... thở ra bằng tai vì mức độ khốc liệt của rừng Hoàng Liên.

Sun Group anh 9

Ban đầu, công việc chính của ông là đi trắc đạc, định tuyến. Về sau, khi công trình đi vào giai đoạn thi công, ông chuyển sang bộ phận cơ khí. Dần dần, những cán bộ, kỹ sư của Sun Group quen với hình ảnh của “bố già” chân đi đôi giày cũ mèm, quần bò, áo công nhân, phăm phăm vạch rừng cho cả đoàn tiến về phía trước. Họ cũng không xa lạ với cảnh “bố” treo mình trên những trụ thép cuồn cuộn gió để vặn lại từng chiếc bu lông.

Mở xong lối leo bộ, dự án chính thức bước vào giai đoạn then chốt. Lúc này, nhiệm vụ của tổ cơ khí là phải xây dựng bằng được một mặt sàn trên đỉnh cao 3.143 m để đặt nền móng cho ga đến. Đây cũng là giai đoạn ông cùng đồng nghiệp đổ nhiều mồ hôi và công sức nhất trong toàn bộ dự án.

Nhớ lại quãng thời gian này, ông kể: “Làm việc trên đỉnh là một trải nghiệm rất khác. Gió Ô Quy Hồ từ sườn Lai Châu ngày đêm thốc thẳng tới khiến người đứng có khi còn... lung lay. Ban đầu, chúng tôi đưa ra phương án sẽ đổ sàn bằng bê tông. Nhưng sau nhiều lần bàn thảo và thực địa, ban lãnh đạo đã quyết định sẽ chuyển sang kết cấu cốt thép”.

Theo ông Tịnh, đây là quyết định sáng suốt và mang lại thành công lớn vì cùng khả năng chịu lực như nhau nhưng kết cấu thép nhẹ hơn nên quá trình vận chuyển lên đỉnh sẽ nhanh hơn nhiều lần. Thay đổi mấu chốt này không chỉ tiết kiệm được gần 5 tỷ chi phí vận chuyển mà còn đưa cáp treo Fansipan về đích kịp với yêu cầu của ngày khai trương.

Sun Group anh 10

Mừng nhất phải kể đến lúc sàn thép được thành hình. Những người thợ người khét lẹt hàn xì, mặt ngoang nguếch khói ôm chầm lấy nhau hò hét. Mừng quá, vui quá, những gã công nhân thậm chí còn hàn luôn tên mình lên sàn kim loại.

“Về sau, mặt sàn này lát gỗ lên trên nên tên của những người thợ chúng tôi bị che đi. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng rất tự hào vì đã được góp sức mình tạo nên công trình khó tin và kỳ vĩ ấy,” ông Tịnh nói, ánh mắt lấp lánh niềm tự hào.

Vui là thế, nhưng trong suốt 3 năm gắn với đại ngàn Hoàng Liên, nỗi buồn với “ông già dựng cáp” cũng ngổn ngang chất đầy. Đó là khi những người em thân thiết, người đồng đội đã sát cánh với ông từ các công trình tận Nha Trang, Đà Nẵng... không may bị thương và vĩnh viễn trở thành vị thần linh che chở cho đại công trình bắc qua thung lũng Mường Hoa. Đó còn là lúc chứng kiến những đồng nghiệp trẻ rơi rụng dần vì không kham nổi cái khốc liệt đến dữ dội của chốn rừng thiêng.

Với ông Tịnh, cáp trở thành mối duyên tình dai dẳng. Trong 9 năm, ông đã tham gia hoàn thành 6 tuyến cáp kỷ lục thế giới, một kỷ lục khó tin của lão công nhân cơ khí Sun Group trước ngưỡng lục tuần.

Sun Group anh 11

Có một điều kỳ lạ là hầu hết kỹ sư, công nhân từng “ăn nằm” với rừng Hoàng Liên Sơn trong những ngày dựng cáp Fansipan đều tự nhận mình là người mang hồn cáp. Cáp treo theo những cách rất riêng trở thành một phần máu thịt không thể tách rời của họ.

Sức hút từ trong gian khổ tưởng như “không sao chịu nổi” cũng chính là thứ đã tạo nên chất keo gắn bó những con người từ mọi miền đất nước với cáp treo Fansipan, hình thành thứ “hồn cáp” riêng có cho nhiều thế hệ cán bộ, công nhân Sun Group. Cựu kỹ sư trắc đạc Trịnh Văn Hà cũng là một người như thế.

Sun Group anh 12

“Đầu tháng 5/2013, tôi được giao nhiệm vụ khảo sát tìm kiếm các phương án xây dựng tuyến cáp treo lên đỉnh Fansipan. Theo yêu cầu của lãnh đạo tập đoàn, tuyến cáp treo này phải đi qua tất cả đặc trưng của núi rừng nơi đây như ruộng bậc thang, bản làng, sông suối, rừng chè, đỗ quyên, vân sam… Hai phương án cáp được cân nhắc, đó là cáp treo 1 dây và cáp treo 3 dây…” anh Hà cho biết.

Trong những ngày mở lối, vạch đường, thời tiết và địa hình trở thành mối đe dọa thường trực với nhóm của Hà. Đường không còn tính bằng cây số mà được đếm bằng số con dốc, trảng rừng đã đi qua. Có những lúc bất thần gặp cơn mưa, cả đoàn run cầm cập, hành lý trên lưng bỗng hóa nặng cả nghìn cân.

Sun Group anh 13Cực nhất phải kể đến giai đoạn trắc đạc để xác định vị trí cho các cột trụ chính của toàn tuyến cáp treo. Vào thời điểm ấy, đoàn kỹ sư sẽ buộc phải đi sâu hơn vào lõi rừng Hoàng Liên để tiếp cận các điểm có độ cao từ 1.800 m đến hơn 3.000 m. Để di chuyển qua vực và dốc đứng, những người mở lối buộc phải tự đóng thang bằng cây rừng hoặc buộc dây vào các gốc cây cổ thụ rồi đu mình vượt núi. Chuyện sảy chân trượt ngã, lăn từ độ cao 1-2 m xuống đất đã trở thành thứ gia vị quen thuộc với những gã người rừng trong thời gian ăn núi, nằm sương ấy.

Do đặc thù công việc trong giai đoạn “vẽ xương sống” cho toàn bộ tuyến cáp về sau, đoàn khảo sát buộc phải ngủ rừng nhiều hơn ở nhà. Những phòng ở di động được họ dựng lên. Gọi là phòng cho sang, nhưng thực ra đó chỉ là dãy lán dựng bằng tre nứa uốn cong thành mái vòm, phía trên được phủ sơ sài bởi lá cây và bạt dứa. Sau giờ làm việc, anh em đồng nghiệp quây quần lại với nhau trong ngôi nhà dã chiến, tự an ủi bằng những bài hát không đầu không cuối, câu hỏi về gia đình, người thân mà chẳng thể có câu trả lời.

Sau này, khi đã rời xa công trình, cả bố Tịnh, anh Hà và Võ Hoài Quốc cũng như hàng trăm kỹ sư, công nhân khác không ai bảo ai đều mang trong mình một phần “hồn cáp”. Cáp trở thành máu thịt, gắn chặt với cuộc đời của mỗi người.

Sun Group anh 14

Trịnh Văn Hà tới Tây Ninh với vai trò trưởng ban quản lý cáp treo. Bố Tịnh ở tuổi 62 vẫn miệt mài với các cột trụ, cabin của Bà Nà Hills. Quốc thì xuôi về Cát Bà và vẫn giữ vai trò giám sát trắc đạc. Cả 3 đều hiếm có dịp để quay lại chốn xưa khi nhịp làm việc hối hả cuốn họ đi.

Thế nhưng, trong những lúc rảnh rỗi, họ vẫn gọi điện kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn hiện tại. Năm tháng khó khăn và khốc liệt ngày nào lại đã ăn sâu vào máu thịt họ, trở thành một thứ hồn cốt, một sợi dây nối những con người, số phận từ khắp nơi.

Sun Group anh 15

Hà Mỹ Giang

Flycam: Kiều Tú
Đồ họa: Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm