Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có bao nhiêu người Việt Nam đang nhiễm HIV?

35 năm kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam, những người có H không còn giấu mình trong bóng tối. Không còn nước mắt, họ tự tin nói về hành trình sống của mình.

Người tham dự chăm chú quan sát mô hình được tạo từ hàng trăm lọ thuốc ARV, biểu tượng cho hành trình điều trị và sống khỏe của người có HIV. Ảnh: BTC.

Vừa qua, những người nhiễm HIV đã công khai chia sẻ hành trình sống của mình tại sự kiện được tổ chức ở một trung tâm thương mại thuộc TP.HCM. Không còn nước mắt hay ánh nhìn lẩn tránh, họ đứng giữa đám đông, nói về khát khao sống đẹp và được xã hội đối xử công bằng.

33 năm sống cùng HIV

Cô Nguyễn Thị Thu Hồng, đã sống với HIV suốt 33 năm, bước lên sân khấu với giọng nói vững vàng nhưng ánh mắt vẫn ánh lên chút xúc động. Trước hàng trăm người, cô kể lại những năm tháng từng phải đối diện với những lời xì xào, soi mói của hàng xóm chỉ vì khuôn mặt sạm đen, hậu quả của tác dụng phụ từ thuốc ARV.

"Có lúc họ bảo tôi bị cùi, tránh xa tôi như thể tôi là dịch bệnh. Nhưng tôi nghĩ, nếu đã sống với HIV thì phải sống đẹp. Nếu có chết, tôi cũng muốn chết đẹp", cô nói, giọng nghèn nghẹn nhưng không hề rơi nước mắt.

Khán phòng bỗng lặng đi vài giây, như để thấm từng lời cô Hồng chia sẻ. Rồi tiếng vỗ tay vang lên, kéo dài, hòa cùng những ánh nhìn đầy sự khâm phục và đồng cảm.

Cùng có mặt tại sự kiện, anh Nguyễn Anh Phong, một nhà hoạt động cộng đồng từng được quốc tế vinh danh vì những nỗ lực hỗ trợ người có HIV, cầm micro nói tiếp bằng giọng đầy quả quyết.

nguoi benh HIV anh 1

Hai bạn trẻ chăm chú tìm hiểu về hành trình 35 năm phòng, chống HIV tại Việt Nam qua các hình ảnh và thông điệp trưng bày tại sự kiện. Ảnh: BTC.

"Đây không còn là lời cầu cứu. Đây là một tuyên bố. Người có HIV đã đủ bản lĩnh để bước ra ánh sáng", anh Phong cho hay.

Tại sự kiện, nhiều người có H cũng tự tin bước lên sân khấu, công khai số năm sống cùng HIV. Không ai che mặt, không còn nước mắt. Họ khẳng định HIV không còn là dấu chấm hết cho cuộc đời, mà chỉ là một phần trong hành trình sống mạnh mẽ của họ.

250.000 người sống với HIV

Bác sĩ Nguyễn Lương Tâm, Cục phó Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), cho biết hiện Việt Nam có khoảng 250.000 người sống với HIV, phần lớn đang điều trị bằng thuốc ARV. Ông Tâm nhấn mạnh nếu tuân thủ đúng phác đồ, người nhiễm HIV hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh, làm việc, yêu đương, sinh con và thậm chí sống thọ ngang người không nhiễm.

Việt Nam đang đặt mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 với chiến lược 95-95-95, trong đó 95% người nhiễm biết tình trạng của mình, 95% được điều trị và 95% đạt tải lượng virus dưới ngưỡng lây.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Chủ tịch Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM, điều đáng lo không chỉ là virus, mà còn là sự kỳ thị.

"Chúng tôi tổ chức sự kiện ở trung tâm thương mại vì người có HIV đã đủ dũng cảm để không giấu nữa. Quan trọng hơn, xã hội cũng đã sẵn sàng lắng nghe", bác sĩ Vân nói.

Bác sĩ Vân cho biết hiện nay, nhiều người sống với HIV vẫn đang là công nhân, viên chức, nghệ sĩ, nhân viên văn phòng. Điều họ cần không phải là thương hại, mà là cơ hội để sống bình thường, được làm việc, yêu thương và có một cuộc đời trọn vẹn.

Năm 2024, Việt Nam ghi nhận hơn 13.000 ca nhiễm HIV mới, phần lớn ở người trẻ, đặc biệt nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và nhóm chuyển giới. TS.BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế Cộng đồng TP.HCM, cho rằng nguy cơ vẫn còn rất rõ rệt và giới trẻ cần được trang bị kiến thức sớm về tình dục an toàn, cách phòng bệnh và xóa bỏ kỳ thị.

Sau 35 năm, HIV không còn đồng nghĩa với cái chết. Người có HIV đang tự tin bước ra ánh sáng, với khát khao được sống như bất kỳ ai, không sợ hãi, không xấu hổ, chỉ còn niềm tin vào bản thân và một xã hội công bằng hơn.

Những lời từ trái tim bác sĩ

Từ những kiến thức y khoa được chia sẻ một cách dễ hiểu, gần gũi, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe uy tín cho độc giả đến những câu chuyện đời, chuyện nghề tự mình chứng kiến và trải nghiệm, nhiều bác sĩ đã tạo nên những cuốn sách giàu giá trị, được đánh giá cao.

7 loại ung thư nam giới thường mắc nhưng không biết

Nhiều loại ung thư ở nam giới không có triệu chứng trong giai đoạn đầu, âm thầm phát triển và chỉ được phát hiện khi đã muộn, gây khó khăn cho việc điều trị.

6 lầm tưởng phổ biến về bệnh sốt xuất huyết

Việc tin vào những quan niệm sai lệch khi bị sốt xuất huyết có thể khiến người bệnh bỏ lỡ "thời điểm vàng" điều trị.

Phát hiện mới về cách 'giải độc' chất gây ung thư PFAS

Theo tổ chức nghiên cứu chất hóa học toàn cầu ChemSec 99% nhân loại, bao gồm cả thai nhi, đều có thể phát hiện PFAS trong máu.

Nguyễn Thuận

Bạn có thể quan tâm