Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Cơ bắp 6 múi, vòng một 'giả trân' đổ bộ sàn diễn

Bộ phận cơ thể giả đang dần chiếm sóng làng mốt, đặc biệt tại các show diễn của những tên tuổi lớn như Balenciaga, khám phá góc nhìn mới về cơ thể và thẩm mỹ trong thời trang.

Tại Tuần lễ Thời trang Paris Thu Đông 2025, nhà thiết kế người Hà Lan Duran Lantink tiếp tục phá vỡ những khuôn mẫu truyền thống với các thiết kế ấn tượng. Sàn diễn được dàn dựng như một không gian văn phòng viễn tưởng bước ra từ bộ phim Severance. Tại đây, nhà thiết kế trình làng loạt trang phục với phom dáng sáng tạo, họa tiết động vật độc đáo và những đường cắt xẻ táo bạo.

Tuy nhiên, hai phần thân giả mới là tâm điểm của buổi diễn. Đầu tiên, người mẫu Mica Argañaraz xuất hiện với cơ bụng sáu múi sắc nét. Ngay sau đó, người mẫu nam Chandler Frye gây chú ý khi sải bước trên sàn catwalk với một bộ ngực quá khổ.

Các video ghi lại khoảnh khắc này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, dấy lên những tranh cãi sôi nổi về việc liệu Duran Lantink đang tôn vinh sự linh hoạt giới tính hay chỉ đơn giản là châm biếm nữ tính. Mặt khác, nhà thiết kế giải thích rằng ý tưởng của ông bắt nguồn từ mong muốn tái hiện con người như những mô hình búp bê hành động.

"Tôi thích ý tưởng phụ nữ như những búp bê hành động", ông chia sẻ trong phần ghi chú chương trình.

Theo CNN, dù mục đích của Lantink là gì, bộ sưu tập này đã phản ánh rõ nét xu hướng sử dụng "phụ kiện giả" (prosthetics) ngày càng lan rộng trong giới thời trang. Những mùa gần đây, nhiều thương hiệu như Martine Rose, Collina Strada và Balenciaga đã ứng dụng miếng độn, mặt nạ và kỹ thuật trang điểm 3D để biến người mẫu thành những sinh vật kỳ lạ như động vật, người ngoài hành tinh và cyborg (kết hợp cơ thể người và các bộ phận máy móc, công nghệ).

Một trong những màn trình diễn ấn tượng nhất đến từ thương hiệu thời trang Avavav tại Stockholm (Thụy Điển), khi họ trình làng một bản sao vòng ba của Kim Kardashian làm từ silicone.

"Các nhà thiết kế đang sử dụng phụ kiện giả để thách thức các chuẩn mực sắc đẹp và khám phá những khía cạnh của danh tính, tạo nên một câu chuyện văn hóa sâu rộng hơn", Tanya Noor, giảng viên chuyên ngành Trang điểm và Phụ kiện giả tại Học viện Thời trang London (Anh), chia sẻ.

Sự phát triển của phụ kiện giả trong nghệ thuật

Phụ kiện giả y tế lâu đời nhất được ghi nhận (hai ngón chân nhân tạo) có niên đại từ thời Ai Cập cổ đại, giúp người khuyết tật di chuyển dễ dàng hơn. Đến khoảng năm 300 TCN, chiếc chân giả đầu tiên được chế tác từ đồng và gỗ đã ra đời, thuộc sở hữu của một quý tộc La Mã.

Sau cuộc Nội chiến Mỹ vào những năm 1860, các chi giả bằng gỗ với lớp đệm cao su đã được phát triển để phục vụ nhu cầu của những cựu binh bị mất chi. Dần dần, phụ kiện giả đã vươn mình vào thế giới nghệ thuật và giải trí.

Trong những năm 1890, các đạo cụ điện ảnh sơ khai được chế tác từ kẹo cao su, bông và sáp. Đến thập niên 1930, mặt nạ cao su thương mại lần đầu tiên xuất hiện nhờ Don Post - người được mệnh danh là "Bố già của Halloween". Trong nghệ thuật drag, phụ kiện giả cũng đóng vai trò quan trọng, giúp các nghệ sĩ tạo hình với ngực độn và miếng độn hông để xây dựng những phiên bản nữ tính khác nhau.

bo phan gia,  co bung gia,  vong 1 gia,  mo hinh nguoi,  bien hoa thoi trang,  drag,  lang mot,  Tuan le Thoi trang,  Paris Thu Dong,  nguoi mau thoi trang,  Doja Cat, anh 3

Doja Cat hóa thân thành chú mèo yêu thích của nhà thiết kế quá cố Karl Lagerfeld tại Met Gala 2023. Ảnh: INSTARimages.

Ngày nay, nhờ vào công nghệ tiên tiến, các sản phẩm phụ kiện giả đã đạt đến độ chân thực ấn tượng. Tác phẩm kinh dị The Substance (2024) đã giành giải Oscar nhờ việc sử dụng phụ kiện giả giúp 2 nữ diễn viên Demi Moore và Margaret Qualley hóa thân thành những tạo hình kinh dị. Tuy nhiên, Qualley tiết lộ rằng cô mất một năm để phục hồi làn da sau khi sử dụng chúng.

Phụ kiện giả không chỉ xuất hiện trong điện ảnh mà còn bùng nổ trên thảm đỏ. Nghệ sĩ trang điểm Malina Stearns từng tạo nên diện mạo ấn tượng cho Doja Cat tại Met Gala 2023, khi nữ ca sĩ hóa thân thành chú mèo cưng của Karl Lagerfeld, kết hợp với váy Oscar de la Renta và mặt nạ giả độc đáo.

Stearns cũng là người đứng sau nhiều sáng tạo khác, bao gồm gương mặt người ngoài hành tinh của Sabrina Carpenter tại VMAs 2024, bìa album với đôi mắt côn trùng của SZA, và phần má, ngực lấy cảm hứng từ cá sấu cho Doechii.

Trong lĩnh vực thời trang, Lantink không phải là người đầu tiên sử dụng phụ kiện giả để thách thức các định kiến giới.

"Tôi đã từng gắn rất nhiều bộ ngực giả cho nam giới, và ngược lại", Stearns chia sẻ.

Từ sàn diễn đến đời sống

Công nghệ in 3D và quét kỹ thuật số đã mở ra những khả năng mới cho ngành công nghiệp thời trang. Một số thương hiệu đã tận dụng điều này để tạo ra những bộ sưu tập mang tính thể nghiệm cao.

Năm 2019, Balenciaga hợp tác cùng nghệ sĩ trang điểm Inge Grognard để tạo ra những gương mặt với gò má và môi siêu thực cho người mẫu của hãng. Nhiếp ảnh gia Nadia Lee Cohen thậm chí đã sử dụng nhiều loại mặt nạ, tóc giả và trang phục để biến hóa thành 33 nhân vật khác nhau trong dự án HELLO My Name Is (2022).

Cộng đồng drag cũng không đứng ngoài xu hướng này, với nghệ sĩ Alexis Stone là một ví dụ điển hình. Cô thường xuất hiện tại Paris Fashion Week trong diện mạo của các ngôi sao nổi tiếng, từ Adele đến Kim Kardashian. Trong khi đó, chuyên gia trang điểm lừng danh Isamaya Ffrench đã biến người mẫu thành những sinh vật lai kỳ lạ cho các thương hiệu như Burberry, Paco Rabanne và Collina Strada.

Trong ngành thời trang, phụ kiện giả không chỉ là một yếu tố thẩm mỹ mà còn là cách phản ánh xã hội, khi các phương pháp thẩm mỹ ngày càng trở nên phổ biến. Martine Rose từng mang những chiếc mũi giả lên sàn diễn Milan Fashion Week 2023 như một tuyên ngôn thách thức các tiêu chuẩn sắc đẹp châu Âu.

"Chiếc mũi là điều đầu tiên bạn chú ý trên gương mặt ai đó, và cũng là thứ mà nhiều người lựa chọn thay đổi đầu tiên", Rose chia sẻ với Vogue.

Tuy nhiên, theo Stearns, xu hướng này không chỉ đơn thuần liên quan đến thẩm mỹ mà còn mang yếu tố nghệ thuật. Trong khi phẫu thuật thẩm mỹ thường nhắm đến việc duy trì vẻ tự nhiên, thì phụ kiện giả trên sàn diễn lại được thiết kế để thu hút sự chú ý, tạo ra những khoảnh khắc ấn tượng và "gây bão" trên mạng xã hội.

Tanya Noor bày tỏ đồng quan điểm, cho rằng chính khát khao tạo ra nội dung nổi bật và những khoảnh khắc viral là yếu tố khiến thời trang và phụ kiện giả trở thành sự kết hợp hoàn hảo.

Hillary Taymour, nhà sáng lập thương hiệu Collina Strada, thậm chí còn đẩy ý tưởng này xa hơn nữa, khi đặt ra câu hỏi: "Tại sao chỉ dừng lại ở quần áo khi chúng ta có thể tạo hình cả cơ thể?".

Nhiều nhà thiết kế đang không ngừng mở rộng ý tưởng, vượt qua giới hạn của gương mặt và bàn tay. Hillary Taymour tin rằng trong tương lai, phụ kiện giả có thể kết hợp với công nghệ động học, cho phép quần áo “thở” hoặc tạo ra những bộ phận cơ thể có khả năng cử động linh hoạt.

"Thời trang luôn là sự phản chiếu của trí tưởng tượng. Vậy tại sao không nâng nó lên một tầm cao mới?", bà nói.

Mỗi bộ quần áo mang đến một thông điệp riêng

Cuốn sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy là sự chiêm nghiệm của tác giả David McRaney về thế giới quan của con người thông qua các câu chuyện tâm lý học hành vi rất gần gũi. Theo ông, cùng với các loại vũ khí và công cụ, quần áo đã được phát triển như một trong những loại hình nghệ thuật đầu tiên, và cũng là một trong những biểu hiện bằng vật chất đầu tiên từ thế thế giới nội tâm phong phú của con người.

Màn catwalk táo bạo của dàn người mẫu lộ nửa vòng 3

Bộ sưu tập Thu/Đông 2025 của thương hiệu Diesel bao gồm những chiếc quần jeans cạp trễ, để lộ nửa vòng 3 của người mẫu, tạo ra những luồng ý kiến trái chiều.

Tường Uyên

Bạn có thể quan tâm