Ở đâu có con người, ở đó có những câu chuyện. Có rất nhiều chuyện để nói: chuyện về công việc, tình cảm, gia đình,... Nói chuyện chính là cách mà chúng ta giao tiếp, kết nối, chia sẻ và hiểu nhau hơn. Nhu cầu được lắng nghe chính là một nhu cầu thiết yếu và cơ bản của con người.
Trong môi trường công sở cũng vậy. Nếu như mọi người chỉ đến làm việc sau đó lại ra về, hẳn là sẽ rất tẻ nhạt. Những cuộc nói chuyện sẽ giúp các đồng nghiệp thấu hiểu và xích lại gần nhau hơn. Sau những giờ làm việc mệt hỏi hay trong lúc nghỉ ngơi được lắng nghe và chia sẻ, stress sẽ giảm đi rất nhiều.
Nhưng "buôn chuyện" sao cho văn minh, không bị biến tướng thành ngồi lê đôi mách, chia bè kết phái, nói xấu sau lưng lại không hề dễ.
Nhưng "buôn chuyện" sao cho văn minh không hề dễ. |
Văn hoá buôn chuyện trong môi trường công sở ra sao?
Có những công ty và doanh nghiệp có môi trường rất tốt, đồng nghiệp như anh em trong gia đình, luôn tâm sự và chia sẻ với nhau để cùng giúp nhau đi lên.
Đôi khi chủ đề chỉ là những câu chuyện vui, những vấn đề nhỏ nhặt trong cuộc sống. Hay hơn nữa, câu chuyện sẽ là sự góp ý chân thành để đồng nghiệp của mình thay đổi và trở nên tốt hơn.
Bên cạnh đó, vẫn có những môi trường mà những câu chuyện được nhắc đến luôn là những câu chuyện tiêu cực. Nhẹ thì là bàn tán, soi mói về đời tư. Nặng hơn thì là vẽ nên những câu chuyện không có thật và đi lan truyền nó làm ảnh hưởng tới danh dự và cuộc sống của người khác.
Đây chính là góc tối của sự buôn chuyện nơi công sở, nó đã gây ra mệt mỏi cho những người không may trở thành “mục tiêu” bị công kích.
Ảnh hưởng như thế nào?
Nếu là những câu chuyện được đem ra bàn luận một cách có văn hoá, ắt hẳn nó sẽ tạo ra một môi trường làm việc tốt. Một nơi tạo ra cho các thành viên sự gần gũi, vui vẻ và hứng khởi khi đến làm việc. Giữa các thành viên sẽ hoàn toàn không còn khoảng cách, hiệu suất công việc sẽ được tăng trưởng rõ rệt.
Buôn chuyện nơi công sở gây ra mệt mỏi cho những người không may trở thành “mục tiêu” bị công kích. |
Bạn Trần Mai Ninh - 22 tuổi, nhân viên Marketing chia sẻ: “Mình thực sự rất may mắn khi được làm việc trong một môi trường mà khi gặp bất kì vấn đề gì, thì mọi người trong công ty đều có thể thoải mái nói ra mà không sợ bị trù dập, phán xét. Đi làm mỗi ngày đều rất vui, nên mặc dù khối lượng công việc khá lớn, lương cũng không cao so với mặt bằng chung, nhưng mình vẫn có động lực để đi làm và hoàn thành công việc mỗi ngày”.
Nhưng ngược lại, các câu chuyện bị đem ra bàn tán với nội dung “toxic” lại gây ra khá nhiều mệt mỏi và phiền hà, đôi khi là mất danh dự với đối tượng bị nhắm tới.
Nguyễn Thị Kiên - 28 tuổi, hiện là Nhân viên kinh doanh Bất động sản chia sẻ:
“Nghề của mình là một nghề cạnh tranh và nhạy cảm. Vì mức hoa hồng cho sales khá cao. Việc bị đồng nghiệp chơi xấu và cướp khách là chuyện bình thường. Nhưng điều làm mình mệt mỏi hơn là bị chính đồng nghiệp của mình dựng lên những tin đồn vô căn cứ và đem nó đi lan truyền rộng rãi".
Cách đây 2 năm, câu chuyện bắt đầu nảy sinh khi chị Kiên và một đồng nghiệp khác cùng bán một căn biệt thự cho cùng một khách hàng. Giá trị của căn biệt thự lên tới 23 tỷ đồng. Hoa hồng nếu bán thành công là 2%, tương đương 460 triệu đồng. Khi ấy, khách hàng đã lựa chọn và tin tưởng chị.
Và sau đó, vì ghen tị mà đồng nghiệp kia đã dựng nên câu chuyện rằng chị “cặp kè” với khách để có được hợp đồng đó.
"Mọi người trong công ty liên tục xì xào, bàn tán và tin vào câu chuyện này khiến mình vô cùng bất lực và mệt mỏi. Một thời gian sau, vì không chịu nổi áp lực từ tin đồn thất thiệt mà mình đã phải chuyển việc sang một công ty khác”.
Cần phải xác định rõ các nội dung nên và không nên thảo luận trong công sở. |
Vậy làm sao để “buôn chuyện” có văn hoá?
“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, không ai lại không thích nghe những lời nói ngọt ngào dễ nghe. Lời nói tuy vô hình nhưng nó có thể làm ta vui vẻ và đồng thời cũng dễ gây nên những vết thương khó chữa lành.
Cuộc đời sẽ dịu dàng biết mấy khi chúng ta biết đặt mình vào vị trí của nhau. Bạn sẽ tự biết nên và không nên đem chuyện gì ra để bàn tán khi đặt mình vào vị trí của người khác, bởi ai cũng xứng đáng được trân trọng và yêu thương.
Điều đầu tiên, bạn cần phải xác định rõ các nội dung nên và không nên thảo luận trong công sở.
Bạn nên chú ý tới sở thích của người quản lý hoặc đồng nghiệp quan trọng như lĩnh vực mà họ quan tâm, môn thể thao yêu thích, các hoạt động xã hội, các CLB mà họ tham gia, họ có bao nhiêu đứa con, con họ bao nhiêu tuổi, học trường gì, họ chăm sóc chúng ra sao.
Bạn sẽ rút ra những thói quen, sở thích nào được sếp đánh giá cao và điều chỉnh cách giao tiếp của mình một cách thích hợp để “lấy lòng” sếp.
Những chủ đề cần tránh là những thông tin tiêu cực, không liên quan tới công ty, tới bạn hay chuyện riêng tư của người khác như giới tính, tôn giáo, phẫu thuật thẩm mỹ, sức khỏe, dị tật, chuyện yêu đương, thói quen kỳ lạ, chuyện gia đình của người khác…
Thứ hai, bạn cần biết cách “buôn chuyện”. Lắng nghe nhiều hơn nói, chọn lọc những thông tin có ích cho công việc của bạn, tiếp nhận thay vì phát tán nó. Đặc biệt, tránh xa các tin đồn.
Nếu quan trọng, bạn có thể tìm hiểu ở những nguồn thông tin đáng tin cậy và chỉ hành động khi biết chắc chắn. Không được phép đưa ra thông tin “hot” trong khi chưa đảm bảo tính chính xác. Nếu sai, bạn sẽ mang tiếng xấu là dựng chuyện và diễn biến thật khó lường. Điều cuối cùng, luôn nhớ “buôn chuyện” là việc làm mạo hiểm.