"Xấu thì kệ xấu"
Huỳnh Như (sinh năm 2006, quê Kiên Giang) có vóc dáng nhỏ nhắn, giọng nói ngọt ngào đúng chất con gái miền Tây. Cô trông khá mạnh mẽ, nhất là khi ngồi trên chiếc máy cày, xoay vô lăng điệu nghệ để cày xới những cánh đồng.
Như là con út trong một gia đình có hai anh em. Cha cô đã có mấy chục năm làm nghề lái máy cày, sau này, anh trai cô cũng nối nghiệp gia đình.
Từ nhỏ, Như đã quen với hình ảnh cha và anh lái máy cày đào xới khắp các mặt ruộng. Lớn lên, cô cũng thử ngồi trên máy cày, đầu tiên là ngồi cạnh cha quan sát, sau đó là nghiêm túc học lái.
“Thấy cha chạy máy cả ngày lẫn đêm cực quá, nên tôi muốn học nghề để phụ cha. Phần khác, tôi cũng thích công việc đồng ruộng nên quyết nối nghề gia đình.
Ban đầu, cha mẹ tôi phản đối dữ dội vì biết nghề này cực khổ. Cha tôi bảo ‘con gái chạy máy cày riết xấu quắc ai dám lấy?’. Tôi kệ, xấu thì kệ xấu, cứ làm phụ cha cho cha đỡ cực. Mãi sau này, cha mẹ mới đồng ý cho tôi làm”, Như chia sẻ.
Cô tập lái máy cày trong khoảng 1 năm. Từ những thao tác đơn giản đến phức tạp như cách vận hành máy, lên phà - xuống phà, cách xử lý khi sa vào vũng lầy... Huỳnh Như đều được cha dạy bảo kỹ càng.
![]() |
Huỳnh Như lái máy cày thành thạo từ năm 16 tuổi. |
16 tuổi, Huỳnh Như lái mày cày thành thạo. Tính đến nay, cô đã có 3 năm theo đuổi công việc vốn được cho là chỉ dành cho phái mạnh.
Mỗi năm, Như cùng cha và anh cày 3 vụ gồm 2 vụ xới xạ và 1 vụ xới thả, mỗi vụ kéo dài khoảng 1,5 tháng. Thời gian còn lại, cô ở nhà làm nội trợ cùng mẹ và chị dâu, hoặc phụ mẹ may thảm lau chân, khăn trải bàn...
Huỳnh Như cho biết công việc lái máy cày không chỉ vất vả, cực khổ mà còn yêu cầu kỹ thuật rất cao.
“Người không biết thì nói dễ lái, chứ riêng tôi có 3 năm trong nghề thì thấy không hề dễ. Nhất là khi xới xạ, xới đất, nếu không có kỹ thuật sẽ dễ bị lọt xuống mương, tắt máy, sa vào chỗ lầy, hao dầu...”, Như kể.
Làm nghề này, Như phải đảm bảo nhiều tiêu chí như xới ruộng phải bằng, chín đất, xới sâu, canh dàn xới cho chuẩn... Thời gian đầu mới vào nghề, cô chạy phía sau, nhìn cha chạy phía trước và học theo từng chút một.
Cực mấy cũng đáng
Vào vụ, thời gian Huỳnh Như ở ngoài đồng ruộng còn nhiều hơn so với ở nhà. Mỗi ngày, 3 cha con cô chạy hơn 100 công, cả vụ chạy được hơn 2.000 công (mỗi công gần 1.300 m2).
![]() |
Ở nhà, Huỳnh Như có biệt danh là Kẹo. |
Mỗi ngày, họ phải làm việc từ 5h đến khuya, về nhà tranh thủ ngủ vài tiếng rồi sáng hôm sau lại đi làm tiếp. Thường họ chỉ ăn 1 bữa/ngày, hạn chế uống nước để không phải dừng máy đi vệ sinh.
“Không phải tôi ngại, mà tôi sợ bị trễ việc. Tôi sợ chạy đêm nên cố gắng chạy vào ban ngày để đêm được nghỉ”, Như kể.
Bất kể nắng nóng hay mưa gió, Huỳnh Như và chiếc máy cày vẫn băng băng chạy trên cánh đồng. Chỉ khi hoàn thành được số công đất đã nhận trong ngày, cô mới có thể nghỉ ngơi.
Có lần, máy cày của Như bị hỏng giữa đêm khuya, cô cùng cha và anh trai phải mò mẫm sửa máy. Miền Tây nhiều muỗi, dù bị muỗi đốt đỏ tay chân, họ vẫn miệt mài sửa chữa.
![]() |
Máy cày của Như bị lún vào vũng lầy. |
Cũng có khi máy sa vào vũng lầy, Như phải xuống móc bùn, móc mệt quá đứng lên không nổi, cô ngồi trên đống bùn khóc tu tu. Nhưng nỗi tủi thân đó chỉ thoáng qua trong chốc lát, sau đó cô lại mạnh mẽ đứng dậy làm tiếp.
“Có ngày đi làm về sớm, thấy các bạn mặc áo dài trắng chạy xe ngang qua, hoặc gặp các bạn gái mặc đẹp dẫn nhau đi chơi, tôi cũng mong ước mình được xinh đẹp, hồn nhiên như vậy.
Nhưng nhìn cha và anh vất vả, chân lấm tay bùn, tôi lại nghĩ bản thân sung sướng mà người thân vất vả thì lại không đành lòng”, Như tâm sự.
Gia đình chính là nguồn động lực lớn nhất của Như khiến cô quên hết mệt mỏi. Cô luôn tự hào khi có cha mẹ khỏe mạnh, yêu thương con hết lòng, có anh trai, chị dâu tâm lý, cưng chiều em út. Họ chính là lý do để cô cố gắng không ngừng.
“Nếu tôi cũng muốn sung sướng, thì cực khổ để dành phần ai?”, Như nói.
![]() |
Vì gia đình, cô gái sẵn sàng chịu vất vả. |
Ở nhà, Như có biệt danh là "Kẹo" bởi cô có vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt dễ thương như viên kẹo. Hàng xóm thấy cô bé nhỏ nhắn điều khiển chiếc máy cày to đùng, cày xới giữa cánh đồng cũng thương và hết lòng cổ vũ, động viên.
Hồi 16-17 tuổi, Như vô tư dầm mưa giãi nắng. Lớn hơn chút, cô biết cách chăm sóc bản thân. Trước khi ra đồng, cô thường thoa lớp kem chống nắng, về nhà cũng vệ sinh da kỹ lưỡng rồi bôi kem dưỡng cẩn thận.
“Gia đình thương tôi lắm. Ngoài đồng, cha chăm lo mọi thứ, tôi chỉ việc lái máy cày lên phà, xuống phà. Ở nhà, mẹ và chị dâu quán xuyến nhà cửa, tôi chỉ việc ăn cơm, nghỉ ngơi thôi.
Cha sợ tôi khó lấy chồng nhưng tôi chẳng sợ. Chỉ cần cha mẹ sung sướng, tôi cực mấy cũng đáng”, Như cười nói.
Có những tình yêu không cần nói thành lời, nhưng vẫn luôn hiện diện, dịu dàng và vĩnh cửu. Trong Triệu lá thư gửi mẹ, mỗi trang sách là một phong thư nhỏ, chứa đựng lời nhắn gửi chân thành và sâu sắc để dành tặng những người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời mỗi chúng ta.