Hành trình kinh doanh của Emily Bonvicini bắt đầu từ những ngày còn ngồi trên ghế trường trung học. |
Tại bữa tiệc sau Tuần lễ Thời trang New York tháng 9 năm ngoái, Emily Bonvicini (25 tuổi), nhà sáng lập EB Denim, nhận được tin từ stylist của Taylor Swift rằng ngôi sao nhạc pop dự định mặc một trong những sản phẩm của cô.
Polka, mẫu váy ngắn làm từ denim tái chế có giá 495 USD mà Taylor Swift lựa chọn, đã cháy hàng ngay trong ngày hôm đó. Vài ngày sau, khi Swift mặc chiếc áo khoác denim dài của EB Denim, sản phẩm này cũng nhanh chóng hết hàng.
"Thật không thể tin được. Tôi chưa bao giờ chứng kiến sức mạnh của người nổi tiếng rõ ràng đến thế", Bonvicini chia sẻ.
EB Denim, thương hiệu được Bonvicini thành lập khi còn học trung học, hiện trên đà đạt doanh thu 3 triệu USD trong năm nay. Không chỉ Taylor Swift, nhiều ngôi sao hàng đầu khác như Hailey Bieber, Kylie Jenner, Emily Ratakowski, Gigi Hadid và Selena Gomez cũng là tín đồ của thương hiệu này, theo Business Insider.
Mục tiêu của Bonvicini là biến EB Denim thành "thương hiệu denim cao cấp và thú vị cho thế hệ trẻ". |
Bonvicini thành lập EB Denim vào năm 2016 khi còn đang học trung học. Sau khi mua một chiếc quần jean cũ, cắt thành quần short và nhận được nhiều sự quan tâm của bạn bè về nơi mua quần, cô đã nảy ra ý tưởng kinh doanh độc đáo.
"Tôi thích mặc những thứ không đụng hàng. Vì vậy, tôi thường xé quần áo của anh trai rối 'chế' lại thành đồ của mình", cô nói.
Bonvicini cũng hay ghé vào các cửa hàng đồ cũ để săn các mẫu quần jean vintage chỉ với 8 USD. Cô sẽ giặt, sửa lại và bán những chiếc quần đã tái chế với giá 30 USD.
Năm 2017, sau khi tốt nghiệp trung học, Bonvicini tiếp tục phát triển công việc kinh doanh của mình trong khi theo học tại ĐH Nam California. Cô bắt đầu sáng tạo hơn khi thêm các chi tiết như dây xích hoặc tận dụng các mảnh denim vụn để trang trí thêm.
Mẫu váy Polka đã cháy hàng ngay trong ngày Swift xuất hiện trên các mặt báo. |
Với các khoản lợi nhuận, Bonvicini mạnh dạn đầu tư vào việc thuê các chuyên gia PR có mối quan hệ rộng. Đó là lúc sản phẩm của cô tiếp cận được những người có ảnh hưởng và người nổi tiếng.
Thay vì gửi sản phẩm rộng rãi đến nhiều người có tầm ảnh hưởng, Bonvicini tập trung vào việc để những "người tuyệt vời nhất" mặc đồ của EB Denim.
Danielle Bernstein, người sáng lập WeWoreWhat và Chiara Ferragni, người Italy nổi tiếng làm trong lĩnh vực thời trang là những "sao mạng" đầu tiên mặc đồ của Bonvicini. Khi Beiber và Jenner diện đồ denim của cô chủ Gen Z, đó là lúc các nhà bán lẻ như Revolve và Selfridges bắt đầu quan tâm đến thương hiệu trẻ tuổi này.
Trong vài năm qua, Bonvicini đã chuyển đổi từ việc tái chế đồ cũ, với 95% sản phẩm hiện là sản phẩm mới, nguyên bản.
"Tái chế đồ cũ không bền vững ở quy mô lớn", cô cho biết.
Là nhà sáng lập trẻ tuổi, Bonvicini chưa từng có kinh nghiệm làm việc cho ai, vì vậy cô phải đối mặt với vô vàn thử thách trong việc điều hành công ty từ khi còn là một thiếu niên.
"Đôi khi tôi cảm thấy lạc lõng, không biết mình nên làm gì tiếp theo. Không có ai hướng dẫn hay chỉ bảo cho tôi", Bonvicini chia sẻ.
Hailey Bieber và Camila Cabello diện quần và váy của EB Denim. |
Không chỉ riêng cô, nhiều nhà sáng lập thời nay cũng đang phải đối mặt với một áp lực chung: để thành công, bạn không chỉ cần là một nhà sáng lập tài năng, mà còn phải là một người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Bonvicini cũng không ngoại lệ. Cô thường xuyên tự vấn bản thân "Mình có đủ hài hước không? Hay mình quá lập dị? Liệu có ai đồng cảm với mình không? Hay mọi người sẽ ghét mình?", những câu hỏi đầy áp lực mà cô phải đối mặt để xây dựng hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội.
Nhà sáng lập trẻ tuổi mong ước "chỉ muốn thiết kế quần áo, không muốn phải vừa làm vừa hát và nhảy nữa".
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.