Sự ra đi của cô gái trẻ khiến gia đình, bạn bè ngỡ ngàng. |
Chị L.M.P. (26 tuổi, trú tại Kiên Giang) đã qua đời sau khi phát hiện ung thư dạ dày chưa đầy 1 ngày. Sự ra đi của cô gái trẻ khiến gia đình, bạn bè ngỡ ngàng.
Theo người thân, ngày 30/4, chị P. đau bụng nhiều nên tới một bệnh viện ở Phú Quốc để kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm ruột và cho đơn thuốc về nhà uống. Tình trạng đau bụng không giảm nên chị đặt vé máy bay về TP.HCM khám.
Khi đến một bệnh viện lớn, bác sĩ chỉ định cho P. siêu âm và kê đơn thuốc về nhà theo dõi. Cơn đau bụng vẫn kéo dài nên chị tiếp tục vào bệnh viện khám lại. Tuy nhiên, người phụ nữ vẫn được bác sĩ chẩn đoán như cũ và hẹn sau kỳ nghỉ lễ 6/5 quay lại.
Ngày 4/5, người thân đưa cô vào Bệnh viện Ung bướu TP.HCM kiểm tra và được giới thiệu sang Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Tại đây, bác sĩ chỉ định bệnh nhân cần được nội soi dạ dày. Trưa cùng ngày, bác sĩ thông báo với gia đình: "Chị P. bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối".
Sau khi làm các thủ tục khám bệnh, cô gái này rơi vào tình trạng hôn mê, phải thở máy và xuất huyết tiêu hóa nặng. Tối cùng ngày, sức khỏe của P. diễn biến xấu, hôn mê sâu, không đo được huyết áp nên các bác sĩ khuyên gia đình đưa về nhà.
Khi xe đi tới Tiền Giang, người phụ nữ này đã trút hơi thở cuối cùng sau 12 giờ nhận kết quả chẩn đoán mắc ung thư. Sự ra đi đột ngột của chị khiến người nhà đau xót bởi "buổi sáng cuối cùng vào bệnh viện khám, P. vẫn tỉnh táo, đi lại bình thường".
Tế bào ung thư dạ dày âm thầm phát triển và di căn. Ảnh: Freepik. |
Theo thạc sĩ, bác sĩ Hà Vũ Thành, Khoa Nội soi và thăm dò chức năng, Bệnh viện K (Hà Nội), ung thư dạ dày là bệnh lý ung thư đường tiêu hóa phổ biến ở nước ta, đứng hàng thứ 3 ở nam giới, thứ 4 ở nữ.
Bệnh có dấu hiệu mơ hồ giống với các triệu chứng viêm dạ dày thông thường. Vì vậy, bác sĩ Thành cho biết đa số bệnh nhân ung thư dạ dày đều đến khám ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư đã xâm lấn các mô, tổ chức gần hoặc di căn xa. Nhiều trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng do tế bào phát triển sâu trong lớp thành dạ dày và di căn đến não, gan và các cơ quan khác theo đường bạch huyết.
Bác sĩ Thành cho biết nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư dạ dày chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng người có tiền sử viêm loét dạ dày mạn tính, viêm teo niêm mạc dạ dày, nhiễm vi khuẩn HP có nguy cơ bị bệnh cao hơn. Ngoài ra, thói quen ăn nhiều thực phẩm chứa nitrat như cá ủ muối, thịt hun khỏi, thịt nướng cháy, dưa muối khú... có thể dẫn tới mắc bệnh này.
Các dấu hiệu của ung thư dạ dày:
- Sụt cân, khi bạn không áp dụng chế độ ăn uống nào nhưng giảm khoảng 10% trọng lượng cơ thể không rõ nguyên nhân cần đi khám ngay.
- Đau bụng, người bệnh cơn đau từng đợt, ở giai đoạn muộn cơn đau trầm trọng hơn.
- Chán ăn, người bệnh có cảm giác đầy bụng, khó tiêu, nghẹn cổ họng, nôn hoặc buồn nôn sau ăn.
- Xuất huyết dạ dày gây hiện tượng đại tiện phân đen, nôn ra máu.
Bác sĩ Thành khuyến cáo ung thư dạ dày hoàn toàn có thể phòng ngừa và phát hiện ở giai đoạn rất sớm. Người có tiền sử bệnh dạ dày nên nội soi dạ dày định kỳ phát hiện sớm bất thường. Những người trên 40 tuổi cần nội soi hàng năm để tầm soát bệnh sớm.
Cuốn sách Ăn gì, khi nào của các tác giả Michael Crupain, Michael Roizen, Ted Spiker khám phá điểm giao thoa giữa “ăn cái gì” và “ăn khi nào”, phân tích tỉ mỉ cách thức những thực phẩm lành mạnh nhất tương tác với cơ thể bạn tùy thuộc vào thời điểm bạn ăn chúng, từ đó đưa ra một kế hoạch chi tiết giúp bạn có phương án ăn uống tối ưu mỗi ngày