Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô gái khuyết tật Việt Nam ở cộng đồng ‘Tây’

Bị gãy chân lúc lên 8 tuổi, Đỗ Giang không thể đi lại bình thường. Năm ngoái, Giang tốt nghiệp loại giỏi ngành Tâm lý học (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) và là một trong năm sinh viên có điểm cao nhất lớp. Hiện cô làm việc tại Hội đồng Anh ở Hà Nội.

Cô gái khuyết tật Việt Nam ở cộng đồng ‘Tây’

Bị gãy chân lúc lên 8 tuổi, Đỗ Giang không thể đi lại bình thường. Năm ngoái, Giang tốt nghiệp loại giỏi ngành Tâm lý học (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) và là một trong năm sinh viên có điểm cao nhất lớp. Hiện cô làm việc tại Hội đồng Anh ở Hà Nội.

Tháng 11/2010, Đỗ Giang được nhận vào thực tập tại Hội đồng Anh với vị trí Thư ký giám đốc. Là một sinh viên mới ra trường, cô thực sự vui sướng khi biết mình đã vượt qua vòng phỏng vấn và bài thi tiếng Anh để trở thành người được lựa chọn trong số 3 người tham gia phỏng vấn.

Nhưng sự vui mừng sớm qua đi, nhường chỗ cho nỗi lo lắng khi Giang biết rằng mình sẽ là nhân viên trẻ nhất trong một môi trường hoàn toàn mới, hoàn toàn không có chút kinh nghiệm. Cô cũng không khỏi “bủn rủn” chân tay trước tương lai trước công việc phải giao tiếp bằng tiếng Anh với …toàn các “sếp” người Anh.

Cô gái khuyết tật Việt Nam ở cộng đồng ‘Tây’

Các đồng nghiệp Nhật Bản vẫy chào Đỗ Giang trong chương trình Living Book.

Chương trình giới thiệu và làm quen với các phòng ban kéo dài 3 tuần, đã giúp Giang dần dần thích nghi với môi trường làm việc mới. Cô cũng nhận được một suất học tiếng Anh miễn phí tại Hội đồng Anh để xua đi nỗi lo về giao tiếp. Và chính vị Giám đốc Hội đồng Anh Robin Rickard cũng đã giúp cô bằng cách học tính kiên nhẫn với tốc độ nói tiếng Anh “không được nhanh lắm” của Giang.

Với sự chăm chỉ, nhẫn nại cũng như những nỗ lực hợp tác của các đồng nghiệp khác, Giang đã có 6 tháng thực tập thành công tại Hội đồng Anh. Quan trọng hơn, Giang còn tiếp tục được nhận làm thực tập sinh ở Ban Nhân sự của Hội đồng Anh - điều này cũng có nghĩa là Giang có thể ở lại Hội đồng Anh lâu hơn.

Giám đốc Hội đồng Anh Robin Rickard nói: “Nằm trong chính sách đa dạng hóa toàn cầu của Hội đồng Anh, chúng tôi đã hợp tác với Ban Hành động vì sự phát triển hòa nhập (IDEA) - một tổ chức vì sự phát triển của người khuyết tật, tìm kiếm những người có khả năng để tuyển vào làm thực tập sinh tại Hội đồng Anh. IDEA đã xác định được một số ứng viên tiềm năng, trong số đó, Giang là người nổi bật nhất”.

‘Trong thời gian làm việc tại đây, Đỗ Giang đã học được những kĩ năng văn phòng, hành trang rất tốt khi tìm việc sau này. Quan trọng hơn, kĩ năng tiếng Anh của Giang cũng được cải thiện. Sự tiến bộ của Giang là kết quả của quá trình làm việc chăm chỉ và cũng qua đây, chúng tôi thấy rằng quyết định của mình là đúng đắn” - ông Robin Rickard nói.

Cũng theo ông Robin, với Đỗ Giang, hồ sơ xin việc của cô cũng sẽ “đẹp” hơn với kinh nghiệm làm việc tại Hội đồng Anh. Còn Hội đồng Anh không chỉ nhận được sự đóng góp của Giang mà còn học được một điều: khuyết tật không nên và không phải là một rào cản và Đỗ Giang đã làm rất tốt.

Cô gái khuyết tật Việt Nam ở cộng đồng ‘Tây’

Hòa nhập vào môi trường làm việc mới rất tốt, Đỗ Giang (bên phải) mang lại niềm tin vào cuộc sống cho nhiều đồng nghiệp. (Ảnh: Hội đồng Anh cung cấp)

Ngay từ khi chào đời, Đỗ Giang đã mắc phải một căn bệnh rất hiếm về rối loạn chuyển hóa canxi làm cho xương dễ gãy. Năm 8 tuổi, chân cô tự gãy khi đang đi bộ ở gần nhà. Đó là một mốc đánh dấu sự thay đổi của cuộc sống từ “bình thường” trở nên “không bình thường” đối với Giang và cả gia đình. Bước đi không bình thường, Giang bắt đầu nhận thấy có những ánh mắt và những tiếng cười hướng về phía mình. Và cô chấp nhận cúi đầu xuống khi đi trong sân trường. Rồi đến khi nhận được những miễn giảm dành cho học sinh khuyết tật, Giang lại chấp nhận: À, hình như có gì đó đã thay đổi. Nhưng có một điều cô không chấp nhận, đó là thực tế: mình đã trở thành người khuyết tật.

“Không, lúc đầu tôi không chấp nhận sự thật ấy. Nhưng rồi tôi vẫn cứ nhận được những miễn giảm và trợ giúp. Và đến một ngày, tôi không thấy không cần phải phủ nhận sự thật đó nữa, bắt đầu chấp nhận nó. Tôi bắt đầu cởi mở hơn, chia sẻ với mọi người những khó khăn mình gặp phải, và tiếp tục sống cuộc sống của mình. Có lẽ như thế cũng là may mắn vì tôi biết có nhiều người phải cần thời gian rất lâu mới có thể vượt qua cảm xúc phủ nhận này.”

Năm ngoái, Đỗ Giang đã kịp hoàn thành chương trình Cử nhân Tâm lý học (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) với tấm bằng giỏi và là một trong năm sinh viên có điểm cao nhất lớp.

Còn trong những ngày này, cô đang khá bận rộn khi là nhân vật của chương trình Living Book - Mỗi người là một cuốn sách của Hội đồng Anh. Living Book là một sáng kiến trong Tuần lễ Đa dạng văn hóa tại Hội đồng Anh khuyến khích mọi người từ những lĩnh vực khác nhau, có những trải nghiệm khác nhau chia sẻ với các đồng nghiệp ở các văn phòng Hội đồng Anh khắp nơi trên thế giới. Tất cả các nhân vật sẽ tạo thành một ‘thư viện cuộc sống.’

Giang đã hào hứng tham gia và câu chuyện của cô đã mang lại niềm tin cho rất nhiều đồng nghiệp. Còn thử thách tiếp theo của cô gái bé nhỏ này là những con đường đông đúc, xe cộ đua chen của Hà Nội khi cô bắt đầu học điều khiển chiếc xe ba bánh của mình. Và Giang rất vui với kế hoạch mới này của mình.

Theo Đất Việt

Theo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm