Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô giáo tiểu học tương lai khốn khổ vì học hát, rèn chữ đẹp

Ít ai biết rằng, để trở thành cô giáo, những sinh viên ngành giáo dục tiểu học phải trải qua nhiều giờ đánh đàn, tập hát gian khổ, thậm chí đỏ rát tay vì luyện nét chữ.

Để trở thành giáo viên tiểu học, mọi sinh viên đều phải trải qua quá trình học tập cùng nhiều môn chuyên ngành và năng khiếu.

Với những người có khả năng ca hát, hội họa, họ dễ dàng vượt qua các môn Âm nhạc, Mỹ thuật... Song đây cũng là thử thách khó nhằn của không ít thầy, cô giáo tương lai.

Sợ nhất học hát, viết chữ đẹp

Nguyễn Kim Quyên (sinh viên khoa Tiểu học, Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn) cho biết, ở trường, cô và bạn bè phải học Công tác đội, Tư tưởng chính trị, Lý luận, Giáo dục học, Nghiệp vụ sư phạm, Âm nhạc…

Để trở thành cô giáo, Kim Quyên phải trải qua nhiều môn học nhằm nâng cao kỹ năng của bản thân.

Cô giáo 9X và những chuyện cười ra nước mắt với học trò

"Một cậu học sinh lớp 4 ngồi cuối không học bài, nhìn chằm chằm cô giáo. Khi hỏi, em ấy bảo cô xinh quá không học được" - Thúy Ngân kể.

Với những chuyên đề mang tính lý thuyết, sinh viên chỉ việc nghe giảng, học thuộc và tư duy. Song môn Âm nhạc mới gây  nhiều khó khăn. Nữ sinh năm hai cho hay, cô cùng các bạn phải học 50 ca khúc thiếu nhi, cùng tiêu chuẩn cần đạt là hát to, rõ ràng, lên xuống đúng nhịp điệu…

Do không có khả năng ca hát, Quyên thường tự giác tập luyện, hát nhẩm tại nhà hàng ngày để chuẩn bị cho bài kiểm tra cuối kỳ.

Sau một kỳ học hát cá nhân, các sinh viên chuyển sang rèn luyện kỹ năng hát tập thể. "Chúng mình được chia theo nhóm, học hát tốp ca, song ca. Khi kiểm tra cũng phải đi thuê trang phục và biểu diễn trên sân khấu.

Từ một người nhút nhát, tự ti trước đám đông, mình trở nên mạnh dạn, dám thể hiện hơn trước” - Quyên chia sẻ.

Quyên và bạn bè tập kịch cho bài kiểm tra.

Luyện chữ cũng là một trong những môn học quan trọng dành cho sinh viên ngành Tiểu học.

Ở bộ môn này, họ phải học các loại cỡ chữ trong từng tiết khác nhau. Kim Quyên tiết lộ, muốn chữ đẹp, chỉ có cách luyện tập thật nhiều.

“Có những buổi viết bài, mình tập trung cao độ đến khi ngẩng lên còn hoa mắt. Thời gian đầu làm quen, tay mình thường đỏ rát và đau cổ tay vì cầm bút sai cách" - cô gái sinh năm 1996 nói.

Với Lê Cẩm Vân - giáo viên trường tiểu học Nam Đồng (Nam Trực, Nam Định), từng được biết đến qua bài văn học sinh miêu tả cô giáo như siêu mẫu, dù đã qua thời sinh viên, Vân vẫn không thể quên quá trình học tập trở thành người lái đò tri thức.

Thời đại học, môn yêu thích nhất của Vân là Khoa học giao tiếp. Bởi nó giúp cô phát triển kỹ năng, khắc phục những sai sót trong quá trình tiếp xúc với mọi người.

Bên cạnh đó, cô giáo sinh năm 1991 cũng khá e dè với môn Âm nhạc. Không lo kỹ năng thanh nhạc, nhưng Cẩm Vân lại gặp khó khăn với giờ học đàn.

“Mỗi lần đến tiết, mình rất run, bởi chân tay lóng ngóng, không biết đánh thế nào. Mình đã phải tập luyện rất nhiều đến mức chai tay để vượt qua môn đó" - Vân nhớ lại.

Kỹ năng giao tiếp là một trong những môn học cô giáo Lê Cẩm Vân yêu thích nhất..

Đào Diệu Linh - giáo viên trường tiểu học Newton Hà Nội - chia sẻ, khi còn là sinh viên, cô thấy môn Phương pháp vừa khó nhưng cũng vừa hữu ích.

Để học tốt môn này, các bạn trẻ phải nghiên cứu toàn bộ chương trình của bậc tiểu học về nhiều môn cơ bản như Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử, Địa lý...

Ngoài ra, giáo viên tương lai cũng được rèn luyện các kỹ năng mềm khi đứng lớp, tác phong giảng dạy, tình huống nghiệp vụ… để bổ trợ cho nghề nghiệp sau này.

Lo lắng trong ngày đầu đứng lớp

Năm đầu tiên là cô giáo, Diệu Linh được phân công dạy lớp 1. Đây là lứa học sinh khá khó vì giáo viên ngoài dạy kiến thức, còn kiêm thêm việc quan tâm, chăm sóc các em.

“Do ở độ tuổi chuyển giao từ mẫu giáo lên tiểu học nên học trò vẫn còn bỡ ngỡ, hay nhõng nhẽo rất cần cô dỗ dành. Đôi khi, cô còn phải hóa thân quan tòa, hay là người mẹ thứ hai chăm sóc các con từng bữa ăn, giấc ngủ" - Linh kể. 

Bởi vậy, bên cạnh việc trau dồi đầy đủ kiến thức, Diệu Linh cũng học hỏi thêm kỹ năng quản lý, chăm sóc trẻ em từ những người đi trước và cả mẹ ở nhà.

Do dạy lớp 1, Diệu Linh vừa là cô giáo, vừa phải đóng vai người mẹ thứ hai cho các học trò.

Thời gian chuẩn bị trở thành đứng lớp, Cẩm Vân khá háo hức và trông ngóng. Ngay từ khi làm quen với học sinh, Vân đề ra quan điểm thoải mái khi chơi, nghiêm túc khi học. Do đó, cô giáo trẻ không gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý trò.

Tuy nhiên, không ít lần Vân rơi vào tình huống khó xử. "Trong lần sắp xếp chỗ, nhiều em khóc lóc, tỏ thái độ khi không được ngồi nơi ưng ý, khiến mình khá đau đầu. Lần ấy, mình đã nóng giận, bỏ ra ngoài khiến học sinh sợ. Tuy nhiên, mình không dỗ dành, để các em tự suy nghĩ và nhận ra lỗi lầm của bản thân".

Với Vân, bí quyết giúp cô nhận được sự yêu mến và gần gũi của học sinh là cùng vui chơi, kể chuyện, trao đổi với các em.

Ngày càng yêu nghề

Là sinh viên năm 2, chưa có cơ hội thực tập nhưng Kim Quyên tỏ ra thích thú với cơ hội thực tế này. Nữ sinh cho biết: “Trước đây, mình từng không thích trở thành giáo viên. Nhưng sau hai năm học, tiếp xúc với bạn bè, thầy cô, quan điểm trong mình thay đổi khá nhiều.

Hiện mình rất nóng lòng chờ đến ngày được đứng trên bục giảng và truyền tải kiến thức tới các thế hệ mầm non của đất nước”.

Quyên cũng được bạn bè khen ngợi khi dần thay đổi tính cách, từ cô học trò nghịch ngợm trở thành nữ sinh nhã nhặn, hòa đồng hơn với bạn bè.

May mắn có việc ngay lúc ra trường, Diệu Linh có nhiều kỷ niệm trong những ngày đầu tiên làm cô giáo. ​9X Hà thành cho biết, thời gian đầu không quen việc, cô khá mệt mỏi vì lịch tới trường, soạn giáo án... Tuy nhiên, mọi vất vả đều được xua tan khi Linh luôn có học trò nhỏ luôn quan tâm, hỏi han...

"Trong ngày 20/10, các em đã tự tay gấp những tấm thiệp, viết lời chúc dễ thương gửi tặng, khiến mình cảm động và yêu nghề hơn" - cô giáo trẻ cho hay.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Cẩm Vân những ngày đầu bước chân tới bục giảng là được học sinh quây quần, dành nhiều lời khen ngợi.

“Mình nhớ mãi dịp 20/11 đầu tiên, khi học trò tự tổ chức tiệc. Các em còn kiếm một bó hoa dại, cắm trong ống lon để tặng cô. Dù đơn giản, đó vẫn là những tình cảm từ đáy lòng của học sinh” - cô giáo người Nam Định chia sẻ.

Bên cạnh đó, Vân còn nhận được sự khen ngợi từ học sinh trong bài văn miêu tả cô giáo như người mẫu. Với Vân, nếu không theo nghề này, cô sẽ không bao giờ có niềm hạnh phúc như vậy.

Thầy giáo 9X nhiều lần từ chối lời tỏ tình của học trò

Sinh năm 1992, Thiên Phát có 4 năm kinh nghiệm đi dạy tiếng Anh. Sở hữu vẻ ngoài ưa nhìn, thầy giáo 9X không ít lần được nữ sinh tỏ tình, song anh đều khéo léo từ chối.

Nhật Ánh

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm