Cô giáo 17 năm dạy miễn phí cho trẻ em nghèo
Chưa từng học Sư phạm hay theo bất kỳ khóa đào tạo nghề nào, cô Nguyễn Thị Nhung (sống tại Tây Ninh) dạy học như một bản năng của sự thương yêu, với mong muốn dành điều tốt đẹp nhất đến những thế hệ học trò.
Cô Nhung bắt đầu theo nghề giáo từ năm 1995, với 4 học sinh quanh xóm. Sau những thành công ban đầu, học sinh tìm đến cô ngày càng đông. Các em hầu hết đều là con của công nhân nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt...
Sau 17 năm dạy miễn phí cho học sinh hoàn cảnh đặc biệt, cô Trần Thị Nhung trở thành nhà giáo được nhiều thế hệ trẻ tại Tây Ninh yêu mến.
Cô giáo bại liệt ở Quảng Nam
Cô giáo Vương Thị Dung sinh ra trong gia đình nghèo khó, có 6 anh em, tại Quảng Nam. Từ năm lớp 6, Dung phải lên Đà Nẵng kiếm tiền nuôi bản thân.
Là con út, nhưng cô luôn tự ý thức mọi chuyện, học cách sống tự lập từ nhỏ. Dù vất vả kiếm tiền, Dung vẫn cố gắng trong học tập và giữ danh hiệu học sinh giỏi hàng năm.
Số phận không may mắn khi Dung mắc căn bệnh viêm tủy. Được điều trị, nhưng Dung vẫn phải hứng chịu di chứng liệt tứ chi. Năm lớp 11, cô gái quê Quảng Nam phải dừng việc học.
Với ước mơ trở thành cô giáo, hàng ngày, cô tự mở lớp tại nhà. Đa số học trò của Dung là con nhà nghèo, có cha mất từ cơn bão Chanchu. Do đó, cô dạy miễn phí cho các em.
Cô giáo có bộ sưu tập áo dài độc nhất vô nhị
Cô Đoàn Thị Liệp - cựu giáo viên môn Ngữ Văn, trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP HCM - gây ấn tượng bởi bộ sưu tập hơn 200 chiếc áo dài, in hình minh họa các tác phẩm văn học trong chương trình sách giáo khoa bậc phổ thông.
Cuộc đời cô từng trải qua nhiều sóng gió. Năm 1976, khi vừa kết hôn, cô phải chịu cảnh chia xa khi người chồng mới cưới lên đường ra trận theo tiếng gọi của Tổ quốc. Không lâu sau, cô hay tin chồng hy sinh trên chiến trường lúc vừa sinh con nhỏ.
Mất mát lớn khiến nhiều lần cô định kết thúc cuộc đời. Nhưng khi suy nghĩ về lớp học trò ngày ngày đợi mong từng tiết giảng, cô lấy lại tinh thần và mạnh mẽ vượt qua số phận.
39 năm đưa biết bao chuyến đò tri thức, cô Liệp trở thành giáo viên số một, người mẹ thứ hai trong lòng nhiều học trò.
Cô giáo làm đồng nát kiếm tiền chữa bệnh cho chồng
Cô giáo Vương Thị Thùy, giáo viên trường tiểu học Viên Sơn, Sơn Tây gây xúc động trong chương trình Điều ước thứ 7 bởi sự lam lũ, hy sinh vì gia đình.
Chồng cô Thùy bị ung thư đại tràng. Căn bệnh khiến sức khỏe anh suy kiệt. Để có tiền nuôi hai con nhỏ và chăm sóc chồng, sau giờ dạy ở trường, cô Thùy phải làm thêm nhiều việc như giặt thuê, trông trẻ... Thậm chí, cô còn hành nghề đồng nát.
Hành động này của cô bị gia đình và những người thân thiết ngăn cản. Tuy nhiên, giữ vững quan điểm của mình và tình yêu với anh Mạnh, cô bỏ qua định kiến, cố gắng bươn chải bằng chính đôi tay mình.