Lớp trẻ hiện tại của Việt Nam đã và đang được bồi đắp để sẵn sàng ra biển lớn, trở thành những công dân toàn cầu.
Những năm gần gây, khái niệm "công dân toàn cầu" không còn quá xa lạ với giới trẻ Việt. Hiểu đơn giản, đây là những người hướng đến sự phát triển bền vững của thế giới, với đầy đủ bản lĩnh, tinh thần và tri thức để tạo ra thay đổi tích cực cho toàn cầu.
Chúng ta đang sống, làm việc trong một thế giới thay đổi nhanh chóng và ai cũng có cơ hội trở thành công dân toàn cầu. Bằng sự tôn trọng, thấu hiểu giá trị khác biệt của các nền văn hóa và tư duy hợp tác, công dân toàn cầu đủ tự tin để không chỉ phát triển nghề nghiệp của bản thân, mà còn giải quyết những vấn đề chung của thế giới.
Sống trong thời đại nhiều cơ hội và thách thức như thế, người trẻ cần hiểu rõ bản thân và chuẩn bị chiến lược trở thành thành công dân toàn cầu từ sớm.
Ông N. Mandela từng nói: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đối cả thế giới”. Nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đã bắt đầu xây dựng lộ trình để đào tạo thế hệ công dân toàn cầu cho tương lai, trong đó có thể kể đến New Zealand. Quốc đảo này đã đưa việc phát triển công dân toàn cầu là một trong 3 mục tiêu trọng tâm của "Chiến lược giáo dục quốc tế giai đoạn 2018-2030".
Không dừng ở phạm vi giáo dục trong nước, chính phủ và các trường New Zealand còn thúc đẩy giao lưu tri thức, văn hóa với quốc gia khác, góp phần tạo nền tảng, mạng lưới cho nhiều thế hệ công dân toàn cầu trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bối cảnh hạn chế về khoảng cách địa lý và ảnh hưởng từ dịch Covid-19 không ngăn trở kết nối giáo dục, mà trái lại, còn mở rộng nhiều sáng kiến cho hai quốc gia. Mới đây, Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) đã trao tặng 25 suất học bổng Chứng chỉ Năng lực Toàn cầu New Zealand (GCC) cho 25 học sinh Việt Nam thuộc Tập đoàn giáo dục IGC. Những bạn trẻ được nhận học bổng không chỉ có thành tích học tập và kỹ năng ngoại ngữ tốt, mà còn yêu thích tìm hiểu vấn đề toàn cầu, khám phá các nền văn hoá, cũng như sẵn sàng tham gia hoạt động trao đổi kiến thức.
Cùng 26 học sinh New Zealand, các em đã được trau dồi năng lực toàn cầu qua khóa học trực tuyến diễn ra trong 4 tuần liên tiếp. Chương trình học bao gồm 4 chủ đề: Nhận thức bản thân (Self-Awareness), nhận thức về người khác (Awareness about others), trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence) và kết nối toàn cầu (Bridges to others).
Các nội dung này được triển khai dưới nhiều hình thức học thú vị như hỏi đáp, video hoạt hình, bài viết, trò chơi tương tác... Cùng đó là 4 buổi thảo luận trực tiếp do đội ngũ giảng viên Đại học Massey hướng dẫn và giáo viên các trường Việt Nam, New Zealand hỗ trợ tại chỗ.
Với sự phát triển của công nghệ cùng xu hướng giáo dục hiện đại, hành trình trở thành công dân toàn cầu của học sinh Việt Nam có thể bắt đầu ngay từ trong nước, trước khi vươn ra biển lớn. Đơn cử, với khóa học GCC New Zealand, các em được trang bị tư duy mở, khả năng đón nhận sự thay đổi, tư duy sáng tạo và phản biện, luôn đặt câu hỏi, cũng như sẵn sàng tìm giải pháp cho nhiều vấn đề trong cuộc sống.
Hoàn thành khóa học, 25 học sinh Việt Nam đã được ENZ và Tổng lãnh sự quán New Zealand trao giấy chứng nhận để chúc mừng và ghi nhận nỗ lực của các em trong thời gian qua.
Là một trong 25 đại diện Việt Nam tham gia khoá học, Trần Ngọc Hương Thảo (học sinh trường TH-THCS-THPT Thái Bình Dương, Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết chương trình rất thú vị, được thiết kế khác biệt và giúp các em có cơ hội sáng tạo, tìm hiểu nhiều hơn. Đặc biệt, các hoạt động học tập tương tác giúp học sinh New Zealand và Việt Nam hiểu hơn về văn hóa của nước bạn, cùng hợp tác để đạt kết quả tốt. Sau chương trình, Hương Thảo và hai người bạn tại New Zealand vẫn duy trì liên lạc, cùng chia sẻ về văn hóa cũng như cuộc sống thường ngày.
Ấn tượng với chương trình học, Huỳnh Nguyễn Nam Phương (học sinh trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn - Quyết Thắng) chia sẻ: "Nhờ khóa học, em tự tin chia sẻ quan điểm cá nhân với mọi người hơn, cũng như tôn trọng sự khác biệt trong văn hóa của các bạn khác. Thời gian học cùng các bạn New Zealand giúp em trau dồi kỹ năng ngoại ngữ, phát âm chuẩn hơn, cũng như cải thiện khả năng viết và diễn giải vấn đề bằng tiếng Anh".
Thành công của dự án GCC New Zealand cũng mở ra nhiều chương trình hợp tác mới giữa Việt Nam và New Zealand, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Cụ thể, tháng 1 vừa qua, Tập đoàn Giáo dục IGC đã ký kết "Bản ghi nhớ hợp tác" để mở rộng các hoạt động trao đổi học thuật, giao lưu văn hóa... với nhóm 6 trường trung học vùng Manawatu (New Zealand).
Các đơn vị này gồm có Awatapu College, Feilding High School, Freyberg High School, Palmerston North Boys' High School, Palmerston North Girls' High School và St. Peter’s College.
Bên cạnh đó, thành phố Palmerston North (New Zealand) và Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM cũng đang trong quá trình thảo luận để ký kết hợp tác nhiều mặt.
Từ hoạt động hợp tác giáo dục, các dự án giao lưu văn hóa và học thuật, học sinh có thể bắt đầu trở thành công dân toàn cầu ngay tại Việt Nam, góp phần trở thành thế hệ có tầm ảnh hưởng tích cực đến thế giới, cũng như xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Ông Grant McPherson, Tổng giám đốc điều hành ENZ, chia sẻ: "Tôi xin gửi lời chúc mừng đến các học sinh Việt Nam đã hoàn thành khóa học GCC. Đây là cách tuyệt vời để các em có cơ hội trau dồi và phát triển tư duy của một công dân toàn cầu. Thông qua khóa học, các em đã có thêm kiến thức, kỹ năng và năng lực cần thiết để sẵn sàng sinh sống, học tập, làm việc trong môi trường quốc tế. Dự án này còn là sáng kiến giáo dục cần được phát huy và nhân rộng để tiếp tục tăng cường kết nối giữa Việt Nam - New Zealand, ở cả cấp độ người học lẫn nhà trường, trong bối cảnh Covid-19".
Là quốc gia nhiều năm liền dẫn đầu khối các nước nói tiếng Anh, và thuộc top 3 thế giới về giáo dục chuẩn bị cho tương lai (theo Bảng xếp hạng Chỉ số giáo dục tương lai của tổ chức Economist Intelligence Unit), New Zealand trở thành điểm đến du học lý tưởng của HSSV quốc tế, trong đó có Việt Nam. Bạn đọc tìm hiểu thêm về đời sống văn hóa cũng như nền giáo dục New Zealand tại đây.