Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có nên tìm hiểu bản thân nhiễm chủng Delta hay Omicron?

Nhiều bằng chứng cho thấy Việt Nam đang có 2 biến chủng Delta và Omicron cùng lưu hành. Điều này khiến nhiều người thắc mắc bản thân dương tính do chủng nào.

"Cả nhà tôi bị Covid-19, có vẻ như chủng Delta. Khi tham khảo bác sĩ, thấy nguy cơ tái nhiễm chỉ gặp với biến chủng khác. Xin nhờ tư vấn cho chúng tôi triệu chứng của 2 chủng Delta và Omicron"

"Xét nghiệm rRT-PCR có biết được mình bị nhiễm chủng gì không mọi người?"

Những câu hỏi này được đặt ra trong nhiều hội, nhóm về tư vấn chăm sóc, điều trị F0 tại nhà trên mạng xã hội.

Trong bối cảnh Việt Nam đang có 2 biến chủng lưu hành chiếm ưu thế là Delta và Omicron, nhiều người có xét nghiệm dương tính băn khoăn bản thân đang nhiễm chủng nào.

Nỗi lo tái nhiễm chủng mới

Trong hội nhóm Những người đã khỏi Covid-19 có gần 14.000 thành viên, chị Đ.A. (22 tuổi, TP.HCM) đặt câu hỏi: "Em bị Covid-19, thấy ho nhiều và không mất vị giác, vậy có phải nhiễm biến chủng Omicron không mọi người?".

Phía dưới bình luận, nhiều người chia sẻ những triệu chứng tương tự và lời khuyên về phương pháp tự điều trị tại nhà.

"Tôi sốt nhẹ, ho nhiều và đau nhức cơ nhưng không bị mất vị giác hay khứu giác. Nhiều bạn bè nói tôi bị nhiễm Omicron, trong khi người nhà của tôi lại bị mất mùi vị, khả năng là nhiễm Delta", chị A. nói với Zing.

Chị A. và người thân mắc Covid-19 giữa tháng 3. Sau một tuần cách ly, điều trị tại nhà, cả gia đình chị đều test nhanh âm tính với SARS-CoV-2.

"Tôi vẫn băn khoăn không biết bản thân đang nhiễm biến chủng nào. Tôi cũng lo lắng nếu nhiễm Omicron, liệu có khả năng tái dương tính với Delta. Ngược lại, nếu nhiễm Delta rồi, tôi lại lo lắng nguy cơ với Omicron", chị A. chia sẻ.

Trong khi đó, anh Đ.T. (27 tuổi, nhân viên văn phòng ở TP.HCM) trải qua 2 lần dương tính với SARS-CoV-2 trong vòng chưa đến 3 tháng.

"Tôi không rõ bản thân tái nhiễm hay dương tính giả, nhưng dù sao việc tái mắc Covid-19 cũng không có gì bất ngờ hay đáng sợ vì lần một tôi nhiễm chủng Delta. Khi Omicron xuất hiện ở thành phố, việc nhiễm lại hoàn toàn có thể xảy ra", anh T. chia sẻ.

nhiem chung Delta hay Omicron anh 3

Anh T. xét nghiệm âm tính sau 3 ngày test nhanh dương tính. Ảnh: NVCC.

Đầu tháng 12/2021, anh T. mắc Covid-19 và đã tự điều trị khỏi tại nhà. Các triệu chứng lúc này nhẹ, chủ yếu sốt nhẹ, ho. Đến giữa tháng 2, anh T. tiếp xúc gần F0, sau đó xuất hiện triệu chứng ho, mệt mỏi.

Nghi mắc Covid-19, anh T. test nhanh 2 lần nhưng đều âm tính. Đến lần test thứ 3, kết quả 2 vạch.

"Tôi chỉ ho nhẹ nên xông mũi, không dùng thuốc, đến ngày thứ 3 xét nghiệm lại thì âm tính. Tôi không rõ là tái nhiễm hay dương tính giả. Việc nhiễm chủng gì cũng không quan trọng vì tôi đón nhận F0 nhẹ nhàng hơn trước", anh T. chia sẻ.

Không nên quá bận tâm

Băn khoăn bản thân đang nhiễm biến chủng nào cũng là câu hỏi mà bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhận được rất nhiều kể từ khi biến chủng Omicron xuất hiện tại TP.HCM.

"Thực tế, việc người dân cố tìm hiểu bản thân nhiễm biến chủng nào là không cần thiết và cũng không quan trọng. Dù là nhiễm chủng nào, cách điều trị vẫn như nhau và quan trọng nhất vẫn là nhóm nguy cơ cao", bác sĩ Khanh nói.

Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng Bộ môn Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), cho biết theo các tài liệu trên thế giới, Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn so với chủng Delta. Nhưng đa số triệu chứng nhẹ. Số lượng F0 cần thở máy, can thiệp hồi sức không nhiều như đợt bùng phát dịch với Delta.

Bác sĩ Vân Anh cho rằng việc giám sát sự lưu hành của dịch thông qua xác định biến chủng là cần thiết. Tuy nhiên, điều này hỗ trợ cho việc nghiên cứu về dịch tễ học và truyền nhiễm.

"Về phía người dân, chúng ta không nên bận tâm là nhiễm chủng Delta hay Omicron. Việc chúng ta cần làm là theo dõi triệu chứng bệnh, kịp thời phát hiện dấu hiệu chuyển nặng", bác sĩ Vân Anh khuyến cáo.

Theo chuyên gia này, Omicron hay Delta không khác biệt trong cách điều trị. Thay vào đó, bác sĩ sẽ căn cứ vào phân độ bệnh nặng hay nhẹ để có cách điều trị phù hợp.

PGS.TS Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP.HCM, cho rằng hiện tại, biến chủng Omicron chiếm ưu thế tại thành phố. Do đó, đa số người dân có thể mắc Covid-19 do chủng này.

"Người dân tìm hiểu nhiễm chủng nào cơ bản không quan trọng. Chúng ta cần căn cứ vào triệu chứng lâm sàng để có cách điều trị phù hợp", ông nói.

Thuốc điều trị Covid-19 hiện cũng dễ dàng tiếp cận hơn. Do đó, theo PGS Ngọc, chúng ta nên tập trung bảo vệ người cao tuổi, trường hợp có bệnh nền, chưa tiêm vaccine thay vì quan tâm đến chủng virus.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cũng cho rằng việc xác định nhiễm chủng SARS-CoV-2 nào không làm thay đổi biện pháp điều trị và chăm sóc F0.

"Nếu biết được chủng nào, chúng ta cũng sẵn sàng tâm lý hơn. Chẳng hạn, nếu nhiễm Omicron với mức độ gây bệnh nhẹ hơn với người đã tiêm đủ vaccine, tâm lý F0 có thể nhẹ nhàng hơn", ông nói thêm.

TP.HCM cần làm gì khi biến chủng Omicron lan rộng?

Theo dự đoán của chuyên gia, trong thời gian tới, tỷ lệ phát hiện Omicron có thể tăng lên đến hơn 90%, trở thành biến chủng ưu thế tại TP.HCM.

Khi nào trẻ mắc Covid-19 có nguy cơ diễn biến nặng?

Trẻ em khi mắc Covid-19 thường có thời gian ủ bệnh trung bình 4-5 ngày, triệu chứng phổ biến nhất là sốt, ho, buồn nôn.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm