Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chuẩn bị trình Chính phủ Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi. Các quy định mới mang tính cập nhật, bổ sung để Luật GTĐB phù hợp hơn với thực tế giao thông tại Việt Nam sau hơn 10 năm ban hành bộ luật cũ.
Trong đó, có nhiều điểm thay đổi đáng chú ý so với Luật GTĐB năm 2008 (23/2008/QH12) đang được áp dụng.
Sử dụng xe máy dưới 50 cc và xe điện cần bằng lái
Hiện tại, Bộ GTVT đang cấp 4 loại giấy phép lái xe (GPLX) hạng A từ A1 đến A4. Trong Điều 103 của bản dự thảo, Bộ GTVT lên kế hoạch phân loại bằng lái hạng A thành 3 nhóm mới như sau:
- A0: cấp cho người lái xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xy-lanh dưới 50 cc hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4 kW.
- A1: cấp cho người lái xe môtô 02 bánh có dung tích xy-lanh từ 50-125 cc hoặc có công suất động cơ điện từ 4-11 kW và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A0.
- A: cấp cho người lái xe môtô 2 bánh có dung tích xi-lanh trên 125 cc hoặc có công suất động cơ điện trên 11 kW và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A0, A1.
Đối với môtô 3 bánh, Bộ GTVT dự kiến sẽ chuyển từ GPLX hạng A3 sang hạng B1 mới. Trong khi đó GPLX hạng B2 và B mới sẽ lần lượt thay thế cho GPLX hạng B1 và B2 hiện hành.
Phải học lại bằng lái nếu bị tước GPLX 4 lần trong 3 năm
Ở Điểm c, khoản 5, điều 107 của dự thảo Luật GTĐB sửa đổi, quy định mới nêu GPLX không còn giá trị sử dụng và sẽ bị thu hồi nếu bị tước GPLX từ 4 lần trở lên trong vòng 3 năm hoặc có tổng thời gian bị tước GPLX trên 24 tháng.
Như vậy, nếu vi phạm luật giao thông và bị xử phạt tước GPLX đủ một trong 2 điều kiện kể trên người lái hoặc chủ phương tiện sẽ phải thi lại để xin cấp lại GPLX mới.
Cấm người lái dùng tay sử dụng điện thoại di động
Tại điểm c khoản 3 Điều 30 Luật GTĐB ban hành năm 2008 nêu rằng người điều khiển xe môtô 2 bánh, môtô 3 bánh, xe gắn máy không được sử dụng điện thoại di động. Hiện tại chưa có quy định cấm sử dụng điện thoại di động trong khi điều khiển phương tiện không áp dụng với người lái ôtô.
Tuy nhiên, Nghị định 100/2019/NĐ-CP hiện hành có nêu mức xử phạt hành vi này từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng. (điểm a khoản 4 Điều 5).
Ở dự thảo mới, Bộ GTVT bổ sung quy định cấm sử dụng điện thoại di động đối với mọi người lái. Cụ thể, khoản 26 Điều 9 trong dự thảo nêu rõ nghiêm cấm hành vi “Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông”.
Phải thắt dây an toàn ở mọi vị trí trên ôtô
Trong Nghị định 46/2016/NĐ-CP và Nghị định 100/2019/NĐ-CP đều có nêu quy định xử phạt người ngồi sau trên xe ôtô không thắt dây an toàn.
Tuy vậy, trong Luật GTĐB 2008 chỉ quy định “Xe ôtô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ôtô phải thắt dây an toàn” (khoản 2 Điều 9).
Để khắc phục sự mâu thuẫn giữa Luật và Nghị định, Bộ GTVT đã điều chỉnh quy định về thắt dây toàn. Cụ thể, khoản 2 Điều 10 dự thảo nêu rõ người điều khiển và người được chở trên ôtô phải thắt dây an toàn tại vị trí có trang bị dây an toàn khi tham gia giao thông đường bộ.
Thay đổi khái niệm dừng, đỗ xe
Bộ GTVT đề xuất thay đổi khái niệm của 2 trạng thái dừng đỗ xe. Theo đó, dự thảo Luật GTĐB sửa đổi nêu định nghĩa mới về dừng, đỗ xe tại Điều 24:
- Dừng xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông trong thời gian không quá 5 phút và người điều khiển phương tiện không rời vị trí điều khiển, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện xuống để đóng mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe.
- Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện mà không phải là dừng xe.
Trong khi đó, khoản 1 và 2 Điều 18 của Luật GTĐB hiện hành quy định dừng xe, đỗ xe trên đường bộ như sau:
- Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.
- Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.