Suốt hai thập kỷ, từ những năm 1990 đến 2010, văn hóa đại chúng đã khiến con người ám ảnh về chuẩn mực "gầy mới đẹp". Sau nhiều năm phát triển của phong trào đề cao sự đa dạng của cơ thể, sự sùng bái vẻ đẹp "siêu gầy" đang có nguy cơ trở lại.
Cụm từ liên quan đến "heroin chic body" (tạm dịch: cơ thể siêu gầy sang trọng) của thập niên 90 đang là hashtag được tìm kiếm nhiều nhất trên TikTok - nền tảng video ngắn phổ biến toàn cầu.
Cơ thể siêu gầy đang ngấm ngầm được sùng bái, thể hiện qua sự trở lại của hàng loạt trào lưu liên quan đến tôn vinh vóc dáng mảnh mai như thời trang Y2K - gắn liền quần jeans cạp trễ - hay những chiếc váy miniskirt.
Ám ảnh siêu gầy
Thực tế, các báo cáo cho thấy việc các ngôi sao chia sẻ về chế độ ăn kiêng quá mức có thể ảnh hưởng đến những người theo dõi họ.
Có một lập luận được đưa ra rằng sự trở lại của xu hướng cơ thể siêu gầy là bởi hiệu ứng từ thay đổi của Kim Kardashian. Ngôi sao truyền hình thực tế Mỹ, người nổi tiếng với đường cong đầy đặn giờ đây cũng ăn kiêng để có thân hình gầy lộ xương.
Kim Kardashian khoe trên mạng xã hội về chế độ ăn khắc nghiệt đã giúp cô giảm 16 kg và mặc vừa chiếc váy Marilyn Monroe tại Met Gala vào tháng 5/2022. Bất chấp lời khuyên rằng chế độ ăn kiêng không lành mạnh, Kim vẫn duy trì nó và trông gầy hơn trong các sự kiện tiếp theo.
Khi diện những bộ bikini nóng bỏng, nhiều người nhận thấy phần đùi của cô nhỏ hơn. Xương sườn thậm chí lộ rõ, vòng eo nhỏ xíu, mặt cũng hóp lại.
Kim Kadashian thực hiện chế độ ăn khắc nghiệt để giảm cân. |
Có hơn 330 triệu người theo dõi trên trang Instagram cá nhân, bất kỳ điều gì bà mẹ bốn con làm đều trở thành trào lưu và được nhiều người trẻ học theo.
Đầu tháng 10, Bella Hadid trình diễn tại Paris Fashion Week. Cô để lộ gần như toàn bộ cơ thể nhỏ bé và được tạo một bộ trang phục ngay trên sàn diễn bằng cách phun sơn.
Những ngày sau đó, trong buổi trình diễn bộ sưu tập 2023 của thương hiệu Miu Miu tại Milan, dàn người mẫu đã diện những chiếc chân váy "micro-mini" (siêu nhỏ), để lộ phần eo và hông gầy gò.
"Làm ơn, tôi quá mệt mỏi. Chúng ta đang phải giả vờ như làm tất cả điều này không phải vì muốn tôn sùng cơ thể gầy, nhưng tôi không làm được", cây viết về thời trang Tyler McCall bày tỏ.
Trào lưu độc hại
Trên TikTok, trào lưu "body check" (kiểm tra cơ thể) bị chỉ trích là độc hại nhưng vẫn lan truyền mạnh mẽ. Trong các video, mọi người kiểm tra cân nặng, vóc dáng của bản thân và từng phần xương nhô ra được họ ghi lại như thành tích.
Tiến sĩ Allison Chase, nhà tâm lý học lâm sàng và giám đốc khu vực của Trung tâm Phục hồi Ăn uống Pathlight ở Texas, cho biết có rất nhiều video đáng lo ngại khác liên quan đến các xu hướng và thách thức body check.
Nhiều người lo ngại khi xu hướng thân hình siêu gầy trở lại. Ảnh: WireImage. |
Tara Gordon, chủ sở hữu trung tâm 212 Pilates ở thành phố New York (Mỹ), nói với New York Post rằng số người đăng ký đã tăng liên tục kể từ khi các hạn chế Covid-19 được dỡ bỏ, lớp học của cô đã tăng gấp đôi quy mô vào cuối tháng 10 và khi nhiều phụ nữ mong muốn trông "mảnh mai, gầy, dễ nhìn".
Kimberly Nicole Foster, nhà phê bình văn hóa, nhận định những người giàu có như Kim Kardashian có dư điều kiện để thuê huấn luyện viên sức khỏe hay chi tiền phẫu thuật để thay đổi ngoại hình.
Song không phải ai cũng có đủ điều kiện để đạt được cân nặng mong muốn, kết quả là họ dễ ám ảnh với cơ thể của chính mình. Để theo đuổi vóc dáng gầy, nhiều người đã thực hiện các biện pháp không lành mạnh, bao gồm bỏ đói chính mình.
Các chuyên gia cho rằng nỗi ám ảnh mới về cơ thể gầy không chỉ giới hạn ở các sự kiện ở Hollywood và các tuần lễ thời trang, theo New York Post.
Phong trào tôn vinh sự đa dạng của cơ thể những năm 2010 rõ ràng đã không đạt được những tác động sâu rộng mà người ta kỳ vọng. Thực tế các thương hiệu "chạy theo trào lưu" nhưng họ không muốn thay đổi.
Một ví dụ điển hình là khi người mẫu ngoại cỡ Paloma Elsesser mặc chiếc váy siêu ngắn Miu Miu lên trang bìa tạp chí iD, thương hiệu này đã không cung cấp trang phục vừa với cơ thể cô.
Một số thương hiệu, bao gồm Madewell và Reformation, quảng cáo về các sản phẩm có cỡ lớn hơn trung bình của mình, nhưng không thực sự phục vụ cho số đông người ngoại cỡ mua sắm tại cửa hàng.
Các thương hiệu như Old Navy và Loft đã từ bỏ những bộ sưu tập ngoại cỡ của mình khi chúng không tạo ra lợi nhuận ngay lập tức.