Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cơ thể thâm tím gây ám ảnh của người nhiễm liên cầu lợn

Ba giờ sau khi mổ lợn, người đàn ông Yên Bái xuất hiện sốt, mệt mỏi, sau đó kèm theo có đau bụng, nôn nhiều.

Ngày 20/6, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, thông tin đã tiếp nhận bệnh nhân nam 57 tuổi (ở Yên Bái) được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái chuyển đến với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn theo dõi do liên cầu lợn.

Con trai bệnh nhân cho biết hàng ngày, bố anh và một người nữa cùng mổ lợn để bán. Sau đó, ông bị sốt nhẹ, tăng và giảm huyết áp… mọi việc diễn ra rất nhanh. Chỉ sau vài giờ, toàn thân ông đã phát ban. Gia đình đưa ông đến bệnh viện huyện, sau đó được chuyển lên tỉnh và tiếp tục đến tuyến trên.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng phù, nhiều ban xuất huyết hoại tử toàn thân, mặt, suy đa cơ phủ tạng, tổn thương gan, thận, rối loạn đông máu… Bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn nghi do liên cầu lợn, được chỉ định lọc máu liên tục và thực hiện các can thiệp thủ thuật khác.

mac lien cau khuan anh 1

Bệnh nhân bị phù, nhiều ban xuất huyết hoại tử toàn thân, mặt, suy đa cơ phủ tạng, tổn thương gan, thận. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ Phúc cho hay thời gian gần đây, đơn vị này thường xuyên tiếp nhận và điều trị các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn được chuyển đến. Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nguy kịch, suy đa phủ tạng và rối loạn đông máu nghiêm trọng. Không ít bệnh nhân được chữa khỏi nhưng phải cắt bỏ những đầu ngón tay hoặc ngón chân bị hoại tử…

Theo bác sĩ Phúc, bệnh liên cầu khuẩn lợn do vi khuẩn Streptococcus suis gây nên. Nhiễm liên cầu lợn ít gặp ở người, tuy nhiên, người có thể lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh.

Liên cầu lợn có thể lây truyền sang người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến hoặc ăn thịt lợn, tiết canh lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín.

Liên cầu lợn được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới, những nơi chăn nuôi lợn. Vi khuẩn thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi họng, ở đường tiêu hoá và sinh dục của lợn.

Trên người, bệnh liên cầu lợn gây ra viêm màng não mủ (96%) với các biểu hiện thường gặp như: sốt, nhức đầu, nôn, cứng gáy, rối loạn tri giác. 68% trường hợp viêm màng não mủ có triệu chứng ù tai, điếc tai.

Trường hợp nặng có thể tiến triển nhanh chóng hội chứng sốc nhiễm khuẩn, trụy mạch, tụt huyết áp, rối loạn đông máu nặng, ban xuất huyết hoạt tử toàn thân, tắc mạch, suy đa phủ tạng... hôn mê và không qua khỏi.

Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, bác sĩ Phúc khuyến cáo người dân cần nấu chín thịt lợn, không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, nhất là tiết canh lợn. Đặc biệt, mọi người cần sử dụng các trang bị bảo hộ (găng tay) khi giết mổ, chế biến thịt lợn sống.

Để con được ốm

Cuốn sách Để con được ốm giúp các bậc phụ huynh trang bị kiến thức trong việc chăm sóc trẻ một cách khoa học. Trong sách, tác giả chỉ ra những lầm tưởng của cha mẹ khi chăm sóc con. Đó có thể là những vấn đề phổ biến, trở thành thói quen thường nhật, song thực ra là lầm tưởng tai hại với các hiện tượng sức khỏe của trẻ như: Táo bón, tắm nắng, dùng kháng sinh, chảy mũi xanh…

Những vấn đề bệnh tật cụ thể trẻ thường gặp như ho, sốt, cảm lạnh… được nêu trong sách. Với mỗi bệnh thường gặp đó, sách phân tích nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị khoa học.

Nhiều người trẻ mắc bệnh nguy hiểm do stress, áp lực

Theo các bác sĩ, thủng tạng rỗng đang có xu hướng trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh do stress, áp lực học tập và lao động, thói quen thức khuya, ăn uống thiếu khoa học.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm