Biển hiệu nhỏ, quán khuất lấp trên lầu 1 của tòa nhà cũ trong khu chợ nhộn nhịp. Nơi này dường như dành cho những ai đang muốn tìm chỗ trốn cuộc sống bộn bề.
_____
Biển hiệu nhỏ, quán khuất lấp trên lầu 1 của tòa nhà cũ trong khu chợ nhộn nhịp. Nơi này dường như dành cho những ai đang muốn tìm chỗ trốn cuộc sống bộn bề.
Tôi đi 2 vòng chợ Tôn Thất Đạm mới tìm thấy quán bar đã đặt bàn trước. Khu chợ nhỏ, dãy nhà san sát với mặt tiền bị che khuất bởi các gian hàng dựng tạm. Loanh quanh mãi tôi cũng tìm đúng số nhà.
Tầng trệt của quán bar là tiệm phở đã ngừng kinh doanh. Đi sâu vào trong sẽ có lối lên lầu. Lối đi nhỏ và tối nên tôi phải bật thêm đèn pin để nhìn rõ đường đi vì sợ vấp ngã.
Quán đi theo phong cách hidden bar. Các quán bar kiểu này thường có biển hiệu nhỏ, nằm ở những ngóc ngách khó tìm như sâu trong hẻm, tầng lửng của một tòa nhà, hay ẩn sau những tòa cao ốc sáng đèn. Khách biết đến quán chủ yếu qua những lời giới thiệu của bạn bè. Tại TP.HCM, ngày càng xuất hiện nhiều quán bar theo concept này.
Lần đầu đến BOO, tôi đi một mình. Ấn tượng lần đầu rất quan trọng và quán bar này để lại cho tôi cảm giác như bước vào thế giới của những tâm sự ngay khi đẩy cánh cửa bước vào.
Không gian quán nhỏ xinh, kín đáo, có một ô cửa kính lớn nhìn ra những dãy cư xá cũ trong khu chợ và tòa nhà Bitexco. Khung cảnh khiến một người hay hoài niệm, thích những thứ cũ kỹ như tôi thấy dễ chịu.
Trước giờ tôi chưa từng đi bar một mình, cũng ngại giao tiếp với người lạ, nhưng hôm nay chẳng ngần ngại chọn vị trí ngay quầy bar và trò chuyện cùng bartender. Câu đầu tiên anh hỏi tôi là tìm quán có khó không. Bartender này cũng kể rằng nhiều khách lần đầu đến đây đều loay hoay như tôi vì biển hiệu rất khó nhìn.
Thấy tôi than thở tìm đường lâu quá, anh gợi ý tôi dùng một ly cocktail mát lạnh, nhẹ nhàng để giải khát. Vừa quan sát bartender pha chế, tôi vừa hỏi chuyện làm quen. Anh là Lưu Trần Thế Vinh, cũng là chủ quán bar. "Sau 10 năm lăn lộn trong nghề này, làm ở đủ bar lớn nhỏ, mình cũng hoàn thành dự định ấp ủ lâu nay là làm chủ một quán bar nhỏ", anh Vinh tâm sự với tôi.
Anh Vinh chia sẻ quá trình xây dựng đứa con tinh thần này không dễ dàng gì khi liên tiếp phải tạm ngưng hoạt động vì dịch Covid-19. “Quán mở cửa từ cuối năm 2020, sau đó 2 đợt dịch ập đến. Nặng nề nhất là đợt dịch giữa năm 2021, tưởng chừng mất đi đứa con tinh thần, nhưng mình cố gắng trụ vững vì đứa con này còn quá non nớt, không thể bỏ rơi được”, nét mặt anh Vinh thoáng buồn khi bộc bạch về những khó khăn vừa qua.
Chủ quán nói thêm việc mở bar giữa thời điểm dịch bệnh là quyết định mạo hiểm, tổn thất nhiều nhưng những khó khăn giúp anh có thêm nhiều bài học trong kinh doanh. "Mình thấy biết ơn quãng thời gian khó khăn vừa qua và chưa khi nào thấy hối hận khi đã mở quán. Cơn bĩ cực đã qua, giờ mình đón khách đều đặn, có những ngày cuối tuần chật kín", anh Vinh nói.
Chỉ mới gặp bartender được ít phút nhưng tôi rất mến anh vì sự chân chất trong từng lời chia sẻ, giọng nói nhỏ nhẹ. Vừa chia sẻ với tôi câu chuyện của quán, anh Vinh vừa pha chế ly cocktail đầu tiên. Theo lời giới thiệu, đây là ly Gin Tonic light, có vị nhẹ nhàng, phù hợp để giải khát, mở màn cho những cuộc vui.
Điểm nhấn của món cocktail này là sử dụng nguyên liệu mang hơi thở từ khu chợ Tôn Thất Đạm. Đồ uống của tôi được đựng trong ly hình trụ, cao, màu sắc đơn giản, thoạt nhìn như một ly soda chanh thông thường. Tôi nhấp một ngụm lớn mà không hề thấy gắt, mùi thơm từ lá ngò rí bao trùm, gợi nhớ cảnh tượng chợ chiều đông đúc. Theo anh, hương vị từ lá ngò rí phần nào phù hợp với khẩu vị người Việt, cũng là nốt hương tạo nét riêng cho ly cocktail này.
Đúng chất giải khát, ly cocktail không gắt bởi rượu mà có vị chanh thanh mát, khá giống soda. Ly nước mở màn kéo dài thêm cuộc trò chuyện của tôi với bartender.
Lân la nói chuyện, tôi tò mò hỏi anh Vinh về tên quán, một cái tên nghe khá dễ thương, tươi sáng, khác hẳn với không gian tối màu, trung tính. Anh Vinh nói tên Boo xuất phát từ “Booze” là tiếng lóng để chỉ những tay bợm nhậu, Boo cũng là tên hồi nhỏ ba mẹ hay gọi anh. "Mình lấy tên ngắn gọn, gần gũi cho dễ nhớ", anh Vinh bộc bạch.
Ly gin tonic mát lạnh khiến tâm trạng tôi khá thoải mái và quyết định thử thêm 2 loại cocktail khác, vừa để nối dài thêm cuộc trò chuyện với chủ quán bar thân thiện.
Câu chuyện xoay tới chủ đề rượu. Tôi hỏi bartender về 2 kiểu đồ uống classic và fancy của quán.
Classic là những loại đồ uống lâu đời, không thay đổi về nguyên liệu, cách pha chế hay trang trí. Trong khi đó, các loại cocktail fancy được quán biến tấu, có thể thay đổi theo yêu cầu của khách.
Vừa gật gù vì được "khai sáng", tôi vừa ngỏ lời gọi thêm một ly fancy đặc trưng của quán.
Bartender giới thiệu tôi món cocktail được pha chế dựa trên ly Pina Colada, hương vị được điều chỉnh theo khẩu vị của tôi. Pina Colada nguyên bản thường dùng ly cao, vị béo rõ ràng. Ly cocktail dành cho tôi sẽ có độ béo ngậy vừa phải, tăng độ chua để giảm độ cồn, vị thanh mát.
Sau khoảng 2 phút pha chế với những động tác dứt khoát, ly cocktail đã đến tay. Điểm nhấn của đồ uống này là miếng rau câu béo ngậy, cùng hương dừa hấp dẫn. Cocktail có thành phần chính từ rượu rum, vị chua nhẹ. Bartender gợi ý tôi cắn miếng rau câu nhỏ rồi nhấp một ngụm cocktail đồng thời để các vị quyện lẫn.
Ly cocktail này mang đến cảm giác khá sảng khoái, tạo năng lượng tích cực. Hương vị phù hợp cho những tâm hồn vui tươi yêu đời, một mình mà không cô đơn.
Tôi khá thích phần rau câu nên đã không ngại xin thêm miếng nữa để nhâm nhi nốt ly Pina Colada. Lúc này, bartender rót ra một ly rượu, tiếp chuyện tôi - vị khách đi một mình.
Anh nói rằng những quán bar cũ thường có quầy rượu quây kín. Ngày nay, quầy bar thường làm không gian mở, để khách quan sát quá trình pha chế, đồng thời trò chuyện được với bartender. "Quầy bar mở thường là vị trí quen thuộc với những vị khách đi một mình. Nhiều khi họ cần sự kết nối với bartender để thấy bớt cô đơn, hoặc những khách nữ sẽ cảm thấy an toàn hơn khi đi một mình".
Trước khi đến đây, tôi cứ nghĩ mình sẽ ngồi trầm tư một góc, tự tâm sự với chính mình cùng một ly cocktail. Trái lại, tôi có buổi trò chuyện đầy thoải mái với chủ bar như một người bạn quen đã lâu.
Hôm đó tôi chẳng có gì ngoài thời gian nên nán và gọi thêm một ly. Thông thường, tôi chỉ uống nhiều khi đi cùng bạn bè, nhưng đã phá lệ uống đến ly thứ 3 khi đi một mình.
Lần này, tôi yêu cầu bartender pha một ly có độ ngọt chủ đạo, thêm chút hương vị mới lạ, không gắt, uống không say nhưng phải tạo cảm giác hưng phấn, hứng khởi.
Không do dự, anh Vinh đồng ý ngay yêu cầu của tôi và hào hứng sáng tạo một ly cocktail chưa có tên trong menu. Trong lúc pha chế, anh vẫn vui vẻ tiếp chuyện, kể tôi nghe về rượu. Anh nói những ly cocktail không tên xuất hiện rất nhiều. "Hầu như khách nào gọi rượu từ lần 2 trở lên cũng đều gọi một ly không tên như thế", chủ quán bar chia sẻ.
Trong lúc nói chuyện, tôi thấy bartender chuẩn bị cả trứng cho ly cocktail này. Tôi lo lắng món trứng sẽ làm tanh ly cocktail nhưng được anh trấn an: "Trứng chỉ giúp ly cocktail thêm độ ngậy, rượu sẽ át đi hoàn toàn vị tanh của trứng".
Tôi thắc mắc nếu ly cocktail không tên thì sao có thể gọi cho những lần sau, anh Vinh nói chỉ cần tôi miêu tả lại hương vị, bartender có thể nhớ được để pha theo.
Anh Vinh miêu tả ly cocktail này có vị umami chủ đạo từ nấm shitake, quyện thêm chanh và có độ béo từ lớp trứng. Ly cocktail được trang trí bởi một miếng ''da heo giòn'' được làm từ vỏ cam sấy.
Ly cocktail có màu cam bắt mắt. Vị đầu tiên tiếp xúc vị giác tôi là vị gừng rất rõ, nhưng hậu vị ngọt, béo nhẹ, đúng vị umami như anh Vinh miêu tả.
Tôi thưởng thức 3 ly cocktail và có buổi trò chuyện nhẹ nhàng cùng bartender trong một không gian yên tĩnh. Đây chắc chắn sẽ là nơi ẩn náu của tôi mỗi khi cần chỗ trốn khỏi cuộc sống bộn bề.