Côn Đảo ký sự
(Zing) - Cảm giác thật hồi hộp, háo hức khi tôi đặt chân lên máy bay, chuẩn bị cho hành trình ghé thăm Côn Đảo - một nơi quen mà lạ, gần gũi mà cứ vời vợi xa.
Quang cảnh trại tù Phú Hải - Côn Đảo. Ảnh: Khoa Trần |
Lạ lẫm Côn Đảo
7 giờ sáng, máy bay cất cánh. Những khung ảnh làng quê lần lượt hiện ra bên cửa sổ máy bay mờ mờ như những nét vẽ trừu tượng. Ngồi bên cạnh tôi là một người đàn ông, có lẽ tuổi đã gần 60. Ông tên Tâm và là một cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Cưả kính máy bay nhỏ xíu, vì vậy, chỉ những người ngồi gần cửa sổ mới có thể thấy được nhiều hơn khung cảnh bên dưới và ông đề nghị tôi đổi chỗ.
Ông nói: “Gần một đời người mới có dịp đặt chân ra đây, mới có dịp tìm hiểu thế nào là điạ ngục trần gian nơi Côn Đảo nên tôi muốn nhìn nó thật rõ, ít ra là con đường đến Côn Đảo nó như thế nào”.
Nhìn từ trên cao xuống, phía dưới chỉ toàn mây và mây, thi thoảng, có những vạt nước hiện ra mờ ảo, lau lách phía bên dưới, đó chính là đại dương. Những cơn sóng nhìn từ trên cao lăn tăn và phẳng lặng như mặt nước hồ thu. Rõ ràng, nhìn từ trên cao, mọi thứ đều nhỏ bé, kể cả, cái dữ dội của đại dương cũng bỗng chốc hoá thành dịu êm…
Sau gần 45 phút khởi hành, tiếng cô tiếp viên hàng không thông báo trên loa: “Máy bay chúng tôi chuẩn bị hạ cánh sân bay Côn Sơn. Đề nghị quý khách kiểm tra lại dây thắt lưng an toàn để tiếp đất”. Có khá nhiều cái đầu hướng mắt về phiá cửa sổ. Có lẽ, ai cũng muốn nhìn rõ Côn Sơn (tức Côn Đảo) từ trên cao, để hình dung miền đất ấy thật ra thế nào, nhất là hình dạng của nó giữa sự mênh mông của biển cả.
Những con đường lặng ngắt nhưng xanh sạch ở Côn Đảo. Ảnh: Khoa Trần |
Đường từ sân bay Côn Sơn vào trung tâm huyện đảo dài khoảng 10 km và đây là con đường duy nhất, chạy dọc ven biển. Những cung đường được tráng nhựa phẳng lỳ nhưng quanh co, hiểm trở. Cảm giác đi trên cung đường ấy thật lạ, hồi hộp và đầy ấn tượng.
Một bên biển, một bên núi, nhìn đâu cũng cảm thấy hoang sơ, hoành tráng, trong lành và thấy mình chừng như nhỏ bé, yếu ớt trước những cơn gió lồng lộng, rười rượi thổi vào từ phiá biển. Khác với suy nghĩ của tôi khi mới đặt chân lên đảo, sóng điện thoại ở đây khá tốt. Vinaphone, Viettel, Mobiphone…. hầu như đã phủ sóng khắp đảo, cho nên, dù ai đó cố tình chạy trốn sóng thì cũng khó lòng không alô về nhà báo cáo với vợ (hoặc chồng) rằng anh (hoặc em) đang vi vu những bước chân trên đảo.
Trung tâm huyện đảo nhìn từ biển vào. Ảnh: Khoa Trần |
Khu trung tâm huyện Côn Đảo trải dọc ven biển, thoạt nhìn thật giống với thành phố biển Vũng Tàu. Những khu nhà nghỉ, những khách sạn, resort… hầu hết đều “ngoái mặt” ra biển để đón nắng, và đón gió. Con đường Tôn Đức Thắng ven biển Côn Đảo chẳng khác mấy với đường Hạ Long của thành phố Vũng Tàu, cũng thênh thang, cũng lồng lộng gió, thơ mộng và quyến rũ với những nét cong, mềm mại của những cung đường.
Tuy nhiên, nếu như Vũng Tàu có những đồi sứ tinh khôi và thanh khiết thì ở Côn Đảo, những gốc bàng già dọc ven con đường Tôn Đức Thắng mới thực sự là linh hồn của đảo. Người ta nói, những gốc bàng già ở Côn Đảo khẳng khiu nhưng rắn rỏi và ví nó như “chứng nhân” của lịch sử, từng chứng kiến bao quá khứ đau thương nhưng oai hùng của các tù nhân chính trị năm xưa trên Côn Đảo.
Côn Đảo: Đất và người
Nhà tù Phú Sơn trầm mặc với thời gian. Ảnh: Khoa Trần |
Quá khứ chẳng thể ngủ yên khi nỗi mất mát của con người quá lớn. Hàng loạt những công trình, kiến trúc vẫn còn đó như một minh chứng cho một thời kỳ đau thương lịch sử. Trong suốt 113 năm (từ tháng 2 năm 1862 đến tháng 5 năm 1975), kẻ thù đã giam giữ, tù đày, tra tấn hàng vạn người yêu nước và các chiến sĩ cộng sản. Gắn với mỗi cái tên công trình, kiến trúc là hàng trăm, thậm chí hàng ngàn những con người bị tra tấn đã ngã xuống.
Cầu tàu 914 là nơi có ít nhất 914 người đã ngã xuống trong quá trình lấy đá từ Núi Chúa mang ra biển để xây dựng cầu tàu. Điạ danh Ma Thiên Lãnh – cái tên mới nghe thôi cũng đã cảm thấy rợn người là nơi từng có ít nhất 356 người (theo nhẩm tính của các tù nhân, thực tế có thể còn cao hơn) ngã xuống bởi đòn roi, tra tấn, hành hạ dã man của kẻ địch. Banh 1 (Bagne 1, tức trại Phú Hải) , Banh 2 (Bagne 2, tức trại Phú Sơn), Banh 3 (Bagne 3, tức trại Phú Thọ)….là nơi có hàng vạn người, hàng vạn chiến sĩ yêu nước bị giam cùm, tra tấn, trong đó, có những tên tuổi lừng lẫy (như: các cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế…, các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn…) hi sinh được cả nước, nhân dân muôn đời ca ngợi.
Cầu tàu 914 Côn Đảo - nơi đây có ít nhất 914 người con yêu nước đã ngã xuống. Ảnh: Khoa Trần |
Những cầu tàu, nhà tù năm xưa vẫn còn đó nhưng Côn Đảo hôm nay đã không còn là “địa ngục giưã trần gian”. Quá khứ đã khép lại, cánh cửa nhà tù cũng khép lại và trở thành một trong những di tích lịch sử quốc gia mà bất kỳ ai đặt chân lên Côn Đảo cũng muốn tìm đến.
Trong câu chuyện kể của người hướng dẫn viên hôm nay có cả cái đau, cái thương cho một thời quá khứ, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn họ là tất cả sự thân thiện mà họ muốn dành cho du khách. Tôi lặng người trước những câu chuyện kể tội ác của kẻ địch, với những gì được chứng kiến và chợt nhận ra những giọt nước mắt ấm nóng không chỉ lăn trên mỗi gò má của mình…
Chỉ là sự tái hiện lại lịch sử nhưng thoạt trông cũng nhiều thảm khốc. Ảnh: Khoa Trần |
Hầm cọp Côn Đảo - nơi tra tấn tù nhân thật dã man trong thời chiến. Ảnh: Khoa Trần |
Đất Côn Đảo đã trở thành đất thiêng và trong câu chuyện của ngày hôm nay, tôi bắt gặp những con người Côn Đảo hiền hoà, thân thiện. Họ yêu lao động, mến hoà bình và muốn dựng xây cho quê hương mình trở nên giàu đẹp. Những phiên chợ vẫn được mở thường kỳ vào mỗi buổi sáng. Ở đó, có những rau xanh, hải sản,… tất cả những thứ thiết yếu cho cuộc sống. Cũng là buôn bán nhưng người Côn Đảo không có thói quen và cũng không thích nói thách.
Tràn ngập những cá tươi và hải sản nơi chợ Côn Đảo. Ảnh: Khoa Trần |
Anh Võ Huy Huyễn, cán bộ Ban quản lý các khu du lịch huyện Côn Đảo cho biết: “Côn Đảo hôm nay ngoài những người dân địa phương thì có rất nhiều người từ nơi khác đến sinh sống. Họ đến vì muốn gắn bó với Côn Đảo, dựng xây cùng Côn Đảo”.
Và điều này rất dễ thấy bởi chỉ cần loanh quanh khu vực thị trấn, thể nào du khách cũng nhận ra những biển số xe lạ, đại diện cho các tỉnh thành từ nơi khác đến chứ không chỉ đơn thuần là biển số 72 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Điều đáng chú ý, theo tôi, mặc dù tiếng nói vùng, miền của những người dân nơi Côn Đảo có thể khác nhau, là giọng Nam bộ, Trung bộ hoặc Bắc bộ nhưng khi sinh sống và định cư trên đảo thì phần lớn họ có chung nét tính cách và cốt cách gần giống với người Nam bộ, đặc biệt là người miền Tây Nam Bộ bởi sự vồn vã và rất nhiệt thành.
Ngư dân Côn Đảo. Ảnh: Khoa Trần |
Côn Đảo hôm nay đã có nhiều bước tiến và phát triển tốt, tuy nhiên, sự xa cách về địa lý cũng gây ra khá nhiều khó khăn cho sự phát triển kinh tế và văn hoá của địa phương. Những ngôi trường cấp 1, cấp 2, cấp 3 khang trang đã định hình trên Côn Đảo, tuy nhiên, số người học tiếp lên đại học và học cao hơn nữa vẫn còn quá ít ỏi. Một sự đầu tư mạnh mẽ hơn nưã về vấn đề học vấn ở Côn Đảo là điều cần thiết và tôi nghĩ, cần nhiều hơn nữa những chính sách ưu đãi, kể cả việc trợ giúp học phí cho các em học sinh – sinh viên ở vùng đảo xa này.
Du khách tắm mát nơi Côn Đảo. Ảnh: Khoa Trần |
“Bất đáo trường thành phi hảo hán”, người Trung Quốc thường nói vui đầy tự hào như vậy và có câu chuyện còn kể rằng, một cụ già trước khi qua đời, ngẫm mình tuổi già sức yếu, chẳng sống bao lâu nên nhất mực đòi con cháu phải cõng lên thăm vạn lý trường thành một phen cho thỏa chí.
Côn Đảo không như vạn lý trường thành, nhưng lại là mảnh đất thiêng, là nơi từng có các bậc anh hào tụ hội: Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh, Võ Thị Sáu… Vì vậy, chẳng là quá đáng khi ai đó nói rằng, Côn Đảo chính là bàn thờ thiêng của tổ quốc và khuyến khích mọi người nên hành hương về Côn Đảo. Riêng tôi, người viết bài này cứ liên tưởng, so với những gì vất vả mà cha ông đã gánh chịu thì với 60 phút đường bay hoặc 12 tiếng đường biển thì có gì là khó khăn, trở ngại để ai đó ngần ngại không ghé thăm Côn Đảo, dù chỉ một lần để biết rằng, nơi ấy khi xưa là địa ngục trần gian, ngày nay là thánh đường của du lịch.
Mời bạn xem thêm một vài ảnh đẹp từ Côn Đảo do nhiếp ảnh gia Khoa Trần thực hiện.
Đầm Trầu - một trong những bãi tắm tĩnh lặng và đẹp của Côn Đảo. |
Bãi Nhát - Côn Đảo. |
Một ngọn núi hình voi phục nơi Côn Đảo |
Hoàng hôn nơi Côn Đảo. Ảnh: Khoa Trần |
Trương Quốc Phong