1. Tìm hiểu nguyên nhân: Theo nhà tâm lý học Vanessa Heng tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, nếu phát hiện con không muốn làm bài tập hoặc tỏ thái độ chống đối mỗi khi nhắc đến bài tập, cha mẹ cần xác định rõ vì sao con lại từ chối bài tập. Có thể trẻ đang vật lộn với một môn học hoặc bài học nào đó, điều này tác động đến tinh thần và khiến con không muốn động đến bài tập về nhà. |
2. Lắng nghe những khó khăn của con: Lắng nghe không có nghĩa là bạn dung túng cho mọi hành động của con. Điều này chỉ giúp trẻ biết rằng các em có gia đình luôn đồng hành và cùng các em giải quyết những khó khăn trước mắt. Nếu con cảm thấy thiếu tự tin vì bài tập khó, cha mẹ có thể hỗ trợ con, giảng bài cho con hiểu. Một lưu ý là bạn không nên bắt bẻ lỗi sai hoặc trách mắng trong lúc dạy con học. |
3. Chia nhỏ thời gian: Nếu trẻ không muốn làm bài tập về nhà vì muốn chơi, bạn có thể thử chia nhỏ thời gian cho con "dễ thở" hơn. Giữa các khung giờ làm bài tập, bạn nên thử cho con giải lao hoặc chơi những trò chơi bổ ích, không ảnh hưởng đến sức khỏe, theo Parents. |
4. Luôn tích cực: Đôi khi, phụ huynh vô tình đưa ra những lời bình luận tiêu cực về việc học hoặc các môn học của con. Điều này nghe có vẻ vô hại, nhưng thực tế cũng ảnh hưởng đến tâm trạng học và làm bài tập của trẻ. Do đó, cha mẹ nên tránh nói những lời khó nghe về việc học, thay vào đó là khích lệ và dành lời khen có cánh cho những môn học con yêu thích. |
5. Thảo luận với giáo viên của con: Nếu bài tập về nhà vẫn khiến con căng thẳng, bạn nên trao đổi với giáo viên để cùng tìm hướng giải quyết. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể cân nhắc phương án tìm gia sư cho con. Gia sư có thể giúp trẻ hiểu những bài khó mà cha mẹ không biết cách giảng. Đôi khi, các gia sư cũng đóng vai trò là người lắng nghe tâm sự, giúp trẻ giải tỏa những khó khăn khi đối diện với bài tập. |
6. Lưu ý nếu con quá tải: Trẻ nhỏ ngày nay có thể cảm thấy quá tải với bài tập và việc học trên lớp. Nếu con quá tải, bạn nên hỗ trợ con lập thời gian biểu để dễ dàng quản lý việc học. Bà Vanessa Heng giải thích rằng các khoảng nghỉ cho phép trẻ dự đoán lượng công việc các em cần hoàn thành, từ đó tạo động lực để cố gắng hơn. Người lớn có khoảng nghỉ giữa giờ làm việc thì trẻ cũng cần điều tương tự. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.