1. Để trẻ thoát khỏi các trách nhiệm: Phụ huynh có thể nghĩ rằng việc nhà sẽ gây áp lực cho con, khiến chúng hết thời gian học hành, nhưng thực tế làm việc nhà sẽ giúp trẻ trở thành những công dân có trách nhiệm. Làm các việc phù hợp với lứa tuổi giúp trẻ có được cảm giác làm chủ và hoàn thành công việc. Dù bạn giao cho con phơi quần áo hay đi đổ rác, trách nhiệm nào cũng là cơ hội để trẻ thấy mình có khả năng và năng lực. Ảnh: Freepik. |
2. Không cho phép con thất bại: Nhiều bậc phụ huynh thường có xu hướng muốn bảo vệ con mình khỏi những khó khăn và thất bại trong cuộc sống. Họ sợ rằng con sẽ bị tổn thương, đau lòng và mất niềm tin vào bản thân. Tuy nhiên, chính điều này lại vô tình tạo ra một rào cản lớn đối với sự phát triển của trẻ. Khi gặp phải thất bại, chúng sẽ dễ dàng cảm thấy hoang mang, lo lắng và không biết phải làm gì. Trẻ sẽ trở nên ỷ lại vào cha mẹ, không dám tự mình đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề. Việc luôn tránh né thất bại sẽ khiến trẻ sợ hãi khi đối mặt với những thử thách mới. Chúng sẽ trở nên thụ động và không dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Ảnh: Freepik. |
3. Phủ nhận cảm xúc của trẻ: Không có gì sai nếu cha mẹ an ủi khi trẻ buồn, giúp trẻ bình tĩnh khi giận dữ. Tuy nhiên, cách cha mẹ phản ứng trước cảm xúc của trẻ có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển trí thông minh cảm xúc và lòng tự trọng của chúng. Phụ huynh không nên phủ nhận những cảm xúc tiêu cực, thay vào đó hãy giúp con xác định nguyên nhân và dạy chúng cách tự điều chỉnh. Ảnh: Freepik. |
4. Khiến con mang tâm lý nạn nhân: Nếu bạn nói những câu như "Chúng ta không thể mua đôi giày mới như bạn A vì nhà mình nghèo", con bạn sẽ tin rằng hầu hết tình huống trong cuộc sống đều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng. Thay vì để con cảm thấy được thương hại hoặc phóng đại những bất hạnh của chúng, bạn hãy khuyến khích trẻ hành động tích cực. Ví dụ như tiết kiệm tiền để mua thứ mình cần. Những đứa trẻ nhìn thấy những lựa chọn trong cuộc sống sẽ cảm thấy tự tin hơn vào khả năng của mình để tạo ra tương lai tốt hơn. Ảnh: Shutterstock. |
5. Quá bao bọc con: Bảo vệ con kỹ lưỡng giúp phụ huynh giảm lo lắng, nhưng cách ly con hoàn toàn khỏi những thách thức sẽ cản trở sự phát triển của chúng. Cha mẹ hãy coi mình như người hướng dẫn thay vì người bảo vệ con. Cho phép con bạn trải nghiệm cuộc sống ngay cả khi điều đó khiến bạn lo sợ. Đó là cơ hội để trẻ có được sự tự tin, thiết lập khả năng đối phó với bất cứ điều gì trong cuộc sống.Ảnh: Pexels. |
6. Kỳ vọng sự hoàn hảo: Sự kỳ vọng là cần thiết, nhưng kỳ vọng quá nhiều có thể gây hậu quả. Khi những đứa trẻ nhận thấy những kỳ vọng của cha mẹ quá cao, chúng thậm chí không buồn cố gắng hoặc cảm thấy không bao giờ đạt được. Thay vào đó, cha mẹ hãy đưa ra những kỳ vọng dài hạn rõ ràng và đặt các mốc quan trọng trong quá trình thực hiện. Ảnh: Pexels. |
7. Trừng phạt thay vì kỷ luật: Trẻ em cần được hiểu rằng một số hành động dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa kỷ luật và trừng phạt. Những đứa trẻ được kỷ luật nghĩ rằng chúng đã có lựa chọn sai lầm. Trong khi đó, những đứa trẻ bị trừng phạt nghĩ rằng mình là một người xấu. Nói cách khác, kỷ luật giúp trẻ tự tin rằng chúng có thể đưa ra những lựa chọn thông minh hơn, lành mạnh hơn trong tương lai, trong khi trừng phạt khiến chúng nghĩ rằng chúng không thể làm tốt hơn. Ảnh: Pexels. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.