Nằm cách Bangkok khoảng 150 km về phía đông bắc, thành phố Lopburi được du khách nhớ đến với tên gọi "vương quốc khỉ”, nơi có nhiều loài khỉ sinh sống với con người. Khách du lịch tìm đến đây cho đàn khỉ đồ ăn và chụp ảnh chung với chúng.
Số lượng khỉ tăng nhanh vượt ngoài kiểm soát
Thời gian gần đây, số lượng khỉ sinh sống trong thành phố cổ của Thái Lan ngày càng tăng vượt khỏi tầm kiểm soát. Trong ba năm, lượng cá thể khỉ đạt khoảng 6.000 con, gây ra môi trường chung sống không thoải mái với người dân. Nhiều khu vực, người dân "chào thua" lũ khỉ.
Một con khỉ đuôi dài ngồi bên cạnh tấm biển cảnh giác với khỉ ở thành phố Lopburi. Ảnh: Mladen Antonov. |
Các cư dân thành phố phải rào chắn ngôi nhà của mình và tránh đi vào khu vực cấm, nơi hay xảy ra xung đột giữa các bầy khỉ.
Chỉ vào tấm lưới trên cao bao phủ sân thượng của mình, Kuljira Taechawattanawanna, một cư dân địa phương, bắt đầu phàn nàn về mối đe dọa từ loài khỉ giữa trung tâm thành phố.
"Chúng tôi sống trong một cái lồng và những con khỉ đi lại bên ngoài", cô nói với AFP. "Phân của chúng ở khắp mọi nơi, mùi không thể chịu được, đặc biệt là khi trời mưa".
Bầy khỉ bạo dạn gần như thống trị các con đường xung quanh ngôi đền Prang Sam Yod ở trung tâm Lopburi. Chúng trèo lên các bức tường để tuần tra và xé toạc miếng gioăng cao su của cửa ôtô.
Dịch Covid-19 khiến lũ khỉ trở nên hung hăng hơn
Những trò hề của lũ khỉ từng được chấp nhận rộng rãi như một điểm nhấn thu hút du khách đến thành phố. Tuy nhiên, chiến dịch khử trùng được chính phủ thực hiện trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra sự thay đổi bất ngờ trong hành vi của chúng.
Thành phố vắng bóng du khách nước ngoài đồng nghĩa với số chuối mà những con khỉ được nhận bị giảm theo. Chúng bắt đầu hung hăng và tràn ra đường kiếm ăn nhiều hơn.
Một rạp chiếu phim bỏ hoang trở thành lãnh địa và khu nghĩa trang của những cư dân đặc biệt này. Khỉ chết được đồng loại đưa vào căn phòng phía sau rạp và bất kỳ người nào bước vào đều bị tấn công.
Gần đó, một cửa hàng sơn phải trưng bày thú nhồi bông có hình dạng hổ và cá sấu để xua đuổi lũ khỉ khi chúng thường xuyên giật các lon xịt.
Những con khỉ hung hăng hơn sau dịch Covid-19. Ảnh: AFP-JIJI. |
Dường như chẳng ai ở Lopburi nhớ về khoảng thời gian không có những con khỉ. Một số người suy đoán rằng do quá trình mở rộng đô thị tiến sát về phía rừng đã tạo điều kiện cho bầy khỉ tiếp cận thành phố.
Người dân thường xuyên cho khỉ ăn để ngăn ngừa các cuộc xung đột. Song chế độ ăn nhiều đường với nước ngọt, ngũ cốc và bánh kẹo được cho là nguyên nhân thúc đẩy đời sống tình dục của chúng tăng cao.
"Chúng ăn càng nhiều càng dư năng lượng và sinh sản nhiều hơn", Pramot Ketampai, người quản lý các đền thờ nhỏ xung quanh ngôi đền Prang Sam Yod, nói.
Kế hoạch xây dựng khu bảo tồn bị phản đối
Vào tháng 3, cảnh quay hàng trăm con khỉ tranh giành thức ăn ở đường phố lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và nhiều vụ việc khác khiến giới chức thành phố lo ngại. Họ quyết định khởi động lại chương trình triệt sản lũ khỉ trong tháng 6, sau ba năm tạm dừng.
Nhân viên bộ phận động vật hoang dã dụ khỉ vào lồng bằng trái cây và đưa đến phòng khám. Ở đây, chúng được gây mê, triệt sản và để lại một hình xăm đánh dấu. Chính quyền đặt mục tiêu triệt sản được 500 con khỉ trước ngày 26/6. Họ đưa ra kế hoạch dài hạn về việc xây dựng một khu bảo tồn trong thành phố.
Bác sĩ thú y đang triệt sản một con khỉ đuôi dài ở Lopburi. Ảnh: AFP-JIJI. |
Nhưng hành động này vấp phải sự phản đối từ người dân. "Chúng tôi cần làm một cuộc khảo sát lấy ý kiến của người sống trong khu vực trước", ông Narongyh Daudduem, nhà bảo vệ động vật hoang dã, cho biết. Người này nói thêm: "Nó giống như việc đổ rác trước nhà của họ và cần hỏi họ có hạnh phúc hay không".
Taweesak Srisaguan, chủ cửa hàng ở Lopburi, người sử dụng thú nhồi bông để răn đe những vị khách không mong muốn, chia sẻ rằng mình sẽ nhớ những con khỉ nếu chúng bị đưa đi. "Nếu tất cả biến mất, tôi chắc chắn sẽ cô đơn".