Ngày 10/1/1988, Tào Bình (Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây), khi đó mới 5 tháng tuổi, bị bảo mẫu của gia đình tên Trần Phương bắt cóc. Cha mẹ anh đau đớn, hoảng loạn vì mất đi đứa con trai duy nhất.
Sohu đưa tin suốt nhiều tháng liền, cả gia đình họ Tào tỏa ra khắp nơi tìm kiếm, đi đến những ga tàu, bến xe, lục tìm trong những chiếc túi lớn của hành khách vì sợ con mình có thể bị nhốt trong đó. Nhưng rồi cuộc tìm kiếm không có kết quả.
Hai năm sau, bà Tào mang thai đứa con gái thứ hai, đặt tên là Tào Dĩnh. Mỗi khi mua đồ chơi, vật dụng gì, bà đều mua 2 món giống hệt nhau. "Cái này là cho con, cái kia là của anh trai con", bà nói với cô con gái.
Đến tháng 5/2020, gia đình họ Tào vỡ òa hạnh phúc khi cuối cùng cũng đoàn tụ với con thông qua xác minh mẫu ADN trong chương trình Đoàn tụ của Bộ Công an Trung Quốc.
Thế nhưng họ không ngờ cuộc đoàn tụ sau 32 năm lại là thời điểm bắt đầu cho bi kịch gia đình mới, khi Tào Bình một mực đứng về phía người mẹ nuôi, cũng là kẻ đã bắt cóc anh, không muốn gia đình thật tống Trần Phương vào tù.
Gia đình họ Tào đoàn tụ với con sau 32 năm tìm kiếm. |
Bi kịch sau ngày đoàn tụ
Suốt hàng chục năm, gia đình chưa bao giờ ngưng tìm đứa con thất lạc. Có thời gian, bà Tào đổ bệnh vì thương nhớ Tào Bình.
Một lần để mất con trai, gia đình luôn ám ảnh với việc bảo vệ Tào Dĩnh. Họ không tìm bảo mẫu nữa mà tự mình chăm sóc con gái nhỏ.
Tào Dĩnh luôn được dặn "Không được ăn đồ người lạ cho", "Không được đi cùng người lạ", "Phải hét lên nếu người ta đòi dắt con đi".
Cô ghi nhờ số điện thoại gia đình và luôn mang theo thẻ điện thoại 50 nhân dân tệ để có thể gọi bằng điện thoại công cộng.
"Tôi còn nhớ, mỗi khi tôi làm gì sai thì mẹ luôn bảo: 'Nếu là anh con, nó sẽ không bao giờ làm mẹ buồn thế'. Mỗi năm, có hai ngày mà gia đình tôi luôn căng thẳng là ngày sinh nhật của anh 11/8 và ngày anh bị bắt đi 10/1.
Từ lâu, tôi đã nghĩ nếu anh không bị bắt cóc chắc tôi sẽ không thể ra đời trong bối cảnh đất nước áp dụng chính sách một con. Tôi luôn cho rằng bản thân sinh ra là có trách nhiệm và sứ mệnh giúp cha mẹ tìm anh về", Tào Dĩnh nói.
Tào Dĩnh còn nhớ lần đầu tiên cô gặp người anh ruột hôm 26/5/2020, đó là một đêm hè nóng nực. Cô lập tức nhận ra Tào Bình vì anh rất giống bố.
Câu đầu tiên anh nói với gia đình khi đoàn tụ ở đồn cảnh sát là: "Con không muốn mẹ nuôi phải ngồi tù".
Lá đơn trình báo về vụ mất tích của Tào Bình vào năm 1988. |
Sau khi bắt cóc đứa trẻ, Trần Phương không bán đi mà tự mình nuôi nấng. Trả lời cơ quan điều tra, bà nói vì trước đây bị chồng cũ đánh đập nên bỏ nhà đi rồi xin vào làm bảo mẫu cho nhà họ Tào. Biết mình vô sinh, bà đã bắt cóc Tào Bình để nuôi.
Sau khi đoàn tụ, Tào Bình không chuyển về nhà mẹ đẻ mà vẫn sống cùng vợ và con trai ở thị trấn cách Quế Lâm hơn 300 km. Cuối tuần, anh đưa vợ con về nhà họ Tào ăn cơm. Người đàn ông 33 tuổi vẫn yêu thương mẹ nuôi và nói rằng hạnh phúc vì có hai người mẹ.
Thế nhưng, cảm thấy kẻ bắt cóc đã mang đến đau khổ cho gia đình mình, hủy hoại tương lai của con trai khi không cho Tào Bình ăn học đàng hoàng, bà Tào và Tào Dĩnh đã đệ đơn kiện và muốn tống Trần Phương vào tù và muốn con trai đứng ra làm chứng.
Tuy nhiên, Tào Bình không đồng ý vì từ nhỏ được mẹ nuôi chăm sóc, yêu thương. Anh tranh cãi, gây gổ và đến tháng 8/2020, anh cắt đứt liên lạc với nhà họ Tào.
Tháng 9 cùng năm, Trần Phương bị cơ quan công an tạm giữ để phối hợp điều tra, xác nhận bà chính là bảo mẫu đã bắt cóc Tào Bình năm đó. Đến tháng 4/2021, Viện kiểm sát quận Tương Sơn, thành phố Quế Lâm từ chối bắt giữ người phụ nữ này do vụ án đã quá 20 năm thời hiệu truy cứu hình sự.
Gia đình họ Tào không công nhận quyết định của Viện kiểm sát huyện Tương Sơn và tiếp tục kháng cáo lên viện kiểm sát cấp cao hơn.
Vào ngày 11/8, đúng sinh nhật của Tào Bình, gia đình họ Tào nộp tài liệu kháng cáo lên Viện kiểm sát khu tự trị Quảng Tây và đã được “chấp nhận theo quy định của pháp luật”.
Từ đây, mối quan hệ giữa Tào Bình và cha mẹ ruột ngày càng xa cách."Mẹ tôi đau đớn vì không hiểu tại sao anh trai tôi lại coi mẹ đẻ không bằng một kẻ bắt cóc", Tào Dĩnh nói.
Tào Dĩnh vẫn đang cố gắng tạo sức ảnh hưởng trong dư luận để vụ án được xét xử. Trong khi đó Tào Bình xa lánh gia đình, quê hương và một mực đứng về phía mẹ nuôi.