Cuối tháng 8, khi đang háo hức chuẩn bị cho kỳ nghỉ 2/9, Nhật Minh - làm việc tại một công ty tài chính ở Hà Nội - nhận được thông báo phải tham gia khóa học làm PowerPoint dành cho nhân viên.
"Với mong muốn cho cán bộ, nhân viên thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mới để làm việc thuận lợi hơn, chúng tôi thông báo tổ chức khóa học Kỹ năng thiết kế slide chuyên nghiệp", theo email Minh cung cấp cho Zing. Minh không hề yêu thích khóa học này.
Tương tự Minh, Ngọc Trâm cũng là một nhân viên cảm thấy khóa học bổ trợ kỹ năng do nơi làm việc cung cấp đang không phục vụ được nhu cầu phát triển bản thân của mình, thay vì đó chỉ tạo thêm áp lực và lấy bớt thời gian cho công việc.
Hầu hết mọi người, từ nhà tuyển dụng đến người đi làm, đề cao các khóa học do công ty cung cấp bởi nó có thể cải thiện hiệu suất làm việc trong ngắn hạn và giúp ích nhân viên trong dài hạn. Với một số người, việc công ty có khả năng cung cấp các khóa học giúp họ phát triển bản thân hay không sẽ là một tiêu chí lựa chọn công việc.
Nhưng các nhân viên không yêu thích mọi khóa học mà các công ty cung cấp, đặc biệt khi họ bị bắt buộc tham gia.
Phần lớn nhân viên sẽ yêu thích các công ty cung cấp khóa học, nhưng không phải khóa học nào cũng được yêu thích. Minh họa: The Atlantic. |
Trốn tiết như thời đi học
Công ty của Nhật Minh thuê giảng viên tại một trung tâm chuyên đào tạo PowerPoint ở Hà Nội để dạy cho nhân viên. Chương trình này là một workshop trong hai ngày, mỗi ngày học kéo dài 8 giờ. Khóa học là bắt buộc và Minh được công ty cho nghỉ làm để tham dự.
Lớp của Minh có khoảng 25-26 người, tất cả đều là nhân viên chuyên làm các công việc liên quan trình bày, báo cáo. Công việc của Nhật Minh không cần thuyết trình, nhưng anh thường được giao làm slide cho sếp. Vốn tự tin với khả năng làm PowerPoint của bản thân, Nhật Minh không ngờ anh vẫn bị bắt đi học.
Tại đây, Nhật Minh cùng các đồng nghiệp được dạy những kiến thức thực tế cơ bản để áp dụng cho công việc hiện tại, ví dụ phối màu, phân chia tỷ lệ, sử dụng phông chữ, sử dụng các icon phù hợp với bản báo cáo.
Nhìn chung, Nhật Minh nhận xét khóa học này không vô bổ vì nhiều kiến thức khá mới, nhưng cách diễn giải của người đứng lớp khiến anh chán nản, nhiều lần phải trốn ra khỏi lớp vì giáo viên đứng lớp không khác gì “ru ngủ” học viên.
“Ban đầu bị ép học mình đã không hứng thú rồi. Ai ngờ tới lớp còn mệt mỏi hơn vì giáo viên dạy chán không tả nổi”, Nhật Minh chia sẻ.
Ngọc Trâm, giảng viên ngành Luật tại một đại học ở TP.HCM, cũng phải tham gia khóa đào tạo theo yêu cầu của nhà trường. Trường của Trâm cử giảng viên học thêm với mục đích thay đổi thiết kế bài giảng để phù hợp hơn với thời đại số hóa.
Là giảng viên trẻ tuổi, được cho là sẽ nắm bắt công nghệ tốt hơn, Ngọc Trâm buộc phải đi học theo yêu cầu của lãnh đạo. Một số giáo viên lớn tuổi khác cũng bị cử đi học, hầu hết đều không hào hứng và cảm thấy tốn thời gian.
Khác với khóa học 2 ngày của Nhật Minh, Trâm phải trải qua khóa học 8 buổi, mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi kéo dài trong 3 giờ. Chương trình gồm nhiều phần, bao gồm thiết kế bài giảng, thiết kế đề thi và cách chấm thi, sử dụng các công cụ hỗ trợ dạy học như check đạo văn, quay màn hình máy tính. Trâm còn phải học làm infographic và làm video để dạy học.
Mỗi tuần, Trâm phải đến lớp 2 ngày để nghe giảng, rồi lại dành thêm thời gian làm bài kiểm tra và thực hành soạn bài giảng tại nhà. Nếu không hoàn thành khóa học, Trâm sẽ phải học và thi lại.
Cả Nhật Minh và Ngọc Trâm đều nói rằng họ cùng những đồng nghiệp trong lớp từng kiếm cớ trốn học. Khóa học của Trâm gồm 8 buổi, nhưng cô đã lấy lý do cá nhân để trốn học 2-3 buổi, một số giảng viên khác mới học được một buổi đã bỏ ngang.
Trong khi đó, lớp của Nhật Minh hơn 20 người học nhưng chỉ 1-2 người thật sự hứng thú với bài giảng, khoảng 5-6 người chỉ đến điểm danh rồi bỏ về. Một số khác (trong đó có Nhật Minh) chỉ mong có việc đột xuất để được trốn ra khỏi lớp.
Không thể áp dụng những điều đã học
Chia sẻ với Zing, Nhật Minh cho biết công ty anh năm nào cũng tổ chức lớp học PowerPoint cho nhân viên vì các lãnh đạo nhận thấy kỹ năng làm slide của nhân viên khá kém, không biết trình bày hay thiết kế slide bắt mắt.
Dù mở lớp hàng năm, chất lượng làm slide của phần lớn nhân viên vẫn không được cải thiện. Năm nào nhân viên tham gia khóa học cũng kêu than vì học không hiệu quả, giáo viên đứng lớp dạy lan man nên kiến thức “không hề đọng lại trong đầu”.
Nhật Minh cho rằng vấn đề không nằm ở kỹ năng của nhân viên, mà do công ty không có template hoặc quy chuẩn thống nhất về kiểu chữ, cỡ chữ khi thiết kế PowerPoint cho nhân viên sử dụng. Do đó, slide không thể đẹp và đồng bộ như lãnh đạo mong muốn. Dù đã học được hơn 1 tuần, Nhật Minh vẫn chưa thể ứng dụng những điều đã học vào công việc hiện tại.
Ngọc Trâm cũng rơi vào tình trạng tương tự. Cô nói các bài giảng về việc chấm thi, làm infographic, sử dụng phần mềm check đạo văn còn hữu ích, riêng việc học làm video hoàn toàn không thể áp dụng cho ngành Luật cô đang giảng dạy.
Chia sẻ thêm về những điều được dạy trong buổi học làm video, Ngọc Trâm cho biết cô được hướng dẫn quay clip giảng bài trên phông nền xanh, sau đó học thêm cách chèn nội dung bài ở bên cạnh giống như các biên tập viên đưa tin thời tiết.
Một video dạy học như vậy có thể dài khoảng 15-30 phút, cô Trâm e ngại sinh viên sẽ không thèm xem video của giảng viên cung cấp vì quá đơn điệu và gây buồn ngủ.
Theo cô giáo, đặc thù khi dạy các kiến thức liên quan ngành Luật là giảng viên phải tương tác trực tiếp với sinh viên. Sinh viên đặt câu hỏi thì giảng viên trả lời và ngược lại.
Kiến thức các môn chuyên ngành rất dài và phức tạp, nếu giảng viên chỉ làm video rồi chiếu lên màn hình trong buổi học, sinh viên sẽ khó nắm bắt bài giảng.
Hơn nữa, kiến thức thay đổi theo từng năm, việc giảng viên làm video để dạy cho nhiều năm là không khả thi. Nếu phải sửa video theo sự thay đổi của các bộ luật thì giảng viên cũng mất nhiều thời gian và công sức.
“Giảng viên ngành Luật luôn chú trọng việc tương tác với sinh viên. Tôi cảm thấy việc dùng video để dạy học là đang làm trái với quy tắc và đạo đức làm nghề. Vì thế, tôi cho rằng việc học làm video theo yêu cầu của nhà trường là không cần thiết”, cô Ngọc Trâm nói.
HR Cloud khuyên rằng các khóa học nên tạo được động lực tham gia thật sự cho nhân viên thay vì ép buộc. Ảnh: Wall Street Journal. |
Theo HR Cloud, việc đào tạo cho nhân viên có mục đích tốt là phát triển chuyên môn, nhưng nhân viên sẽ dễ bỏ cuộc nếu khóa học chỉ toàn những nội dung nhàm chán. Điều này cũng dẫn đến việc lãng phí thời gian và các nguồn lực của công ty.
Do đó, nếu tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn, công ty cần đảm bảo chương trình học thật sự thú vị. Điều quan trọng hơn là công ty cần đảm bảo nội dung đào tạo mang tính giáo dục và phù hợp với công việc của nhân viên.
Làm công việc liên quan số liệu, giấy tờ, Nhật Minh hy vọng thay vì phải học PowerPoint, anh sẽ được công ty sắp xếp tham gia những khóa học về Excel hoặc kỹ năng sử dụng các công cụ làm báo cáo.
Về phần Ngọc Trâm, hiện tại cô chưa có kế hoạch hay nguyện vọng tham gia thêm các khóa học mới. Nhưng cô hy vọng nếu sau này nhà trường mở lớp đào tạo, những giáo viên trẻ như cô có thể tiếp cận nhiều khóa học liên quan chuyên ngành giảng dạy, ví dụ nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế.
*Tên nhân vật được đổi để tránh phiền phức cho công việc của họ.