Các công ty đã phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động trong vài năm qua do nhân viên nghỉ việc với tỷ lệ gần đạt mức kỷ lục. Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Khảo sát Cornell, gần 10% người lao động Mỹ phải ký các điều khoản thỏa thuận trả nợ đào tạo, hay còn gọi là "TRAPS".
Những điều khoản này đã yêu cầu người lao động phải hoàn trả cho chủ một số chi phí đào tạo nghề nếu họ nghỉ việc quá sớm. Nó được phổ biến trong các ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe, vận tải đường bộ và bán lẻ.
Jonathan Harris, phó giáo sư luật tại Đại học Loyola Marymount ở Los Angeles, nói với Reuters: "Các nhà tuyển dụng đang tìm cách giữ chân công nhân nghỉ việc mà không tăng lương hoặc cải thiện điều kiện làm việc".
Khoảng 1/4 số người chuyển việc hối hận vì đã bỏ việc. Ảnh: Pexels. |
Theo dữ liệu của Linkedln, trong vài năm qua, số người bỏ việc gia tăng nhanh chóng, thậm chí nhiều người bỏ công việc sau chưa đầy 12 tháng. Con số này đã tăng gần 10% vào tháng 3 năm ngoái và tiếp tục tăng cho đến nay.
"Những điều khoản trả nợ này lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1990, khi chúng được phổ biến trong các ngành trả lương cao như tài chính và nó thực sự phát triển trong vòng 5 đến 10 năm qua", ông Harris nói với Bloomberg.
Trước đó, một liên đoàn lao động cáo buộc các công ty vận tải đường bộ CRST và CR England tính phí những người bỏ việc là 6.000 USD để hoàn trả chi phí đào tạo nếu họ rời đi trước khoảng thời gian nhất định.
National Nurses United, tổ chức lớn nhất của các y tá đã đăng ký tại Mỹ, phát hiện 326 trong số gần 1.700 y tá phải bồi hoàn cho chủ nếu rời đi quá sớm.
Cụ thể, tại Bệnh viện Mission của HCA ở Asheville, Bắc Carolina, một y tá phải chịu khoản phí lên đến 10.000 USD nếu rời đi trong vòng chưa đầy hai năm.
Nhiều công nhân phải đối mặt với các khoản thanh toán khi họ nghỉ việc. Ảnh: Insider. |
BreAnn Scally (23 tuổi) đăng ký vào học viện chăm sóc sức khỏe của PetSmart - chuỗi cửa hàng vật nuôi tư nhân của Mỹ, anh phát hiện sẽ phải trả 5.000 USD chi phí đào tạo nếu rời công ty chưa đầy một năm sau khi bắt đầu học.
Tương tự, Simran Bal, công nhân tại một thẩm mỹ viện ở bang Washington nói với Reuters rằng cô bị tính 1.900 USD cho chi phí đào tạo sau khi nghỉ việc vào năm ngoái. Tháng trước, một thẩm phám đã ra phán quyết có lợi và yêu cầu cô không cần hoàn trả cho chủ cũ bất kỳ điều gì. Nhưng bất chấp chiến thắng, những thỏa thuận lao động này vẫn được duy trì.
Để chắc chắn, nhiều công nhân đã tuân thủ các thỏa thuận bằng việc ở lại làm việc thời gian dài để tránh bất kỳ khoản phí nào họ khi nghỉ việc.
PetSmart cho biết chưa đến 2,1% trong số hơn 11.000 nhân viên đã hoàn thành chương trình chăm sóc sức khỏe và rời đi trước khi kết thúc năm đầu tiên, một số người ở lại lâu hơn để tránh bị tính phí bồi hoàn. Ngoài ra, các thỏa thuận này không phải lúc nào cũng được thực thi.
Bất chấp điều đó, nhiều công ty cho biết họ có quyền yêu cầu bồi thường chi phí đào tạo khi nhân viên rời đi.
"Tôi thấy các nhà tuyển dụng tham gia vào các thỏa thuận này và nói rằng không muốn bỏ ra số tiền để đào tạo nhân viên rồi họ lại sang nơi khác làm việc. Đây chỉ là một cách để các công ty tự bảo vệ mình", ông Angie Davis, luật sư của Memphis nói với Bloomberg.