"Nếu muốn chọn công việc đúng ngành, mình đã giữ cơ hội đó vào 2 năm trước. Nhưng công việc đó thực sự không hợp. Từ khi quyết định bỏ nghề, đi làm nhân viên kinh doanh, mình vui vẻ, thu nhập cũng tốt hơn, tối thiểu cao gấp đôi so với hồi làm đúng ngành", Tào Thị Cam (25 tuổi, TP.HCM) chia sẻ về lựa chọn làm việc trái ngành của bản thân.
Gần 2 năm gắn bó với công việc chuyên viên phát triển thẻ thuộc mảng kinh doanh tại một ngân hàng, Cam chưa từng hối hận vì việc bỏ qua 4 năm đại học để đi theo hướng mới, đặc biệt khi lương khởi điểm bên ngân hàng cao gấp đôi công việc trước.
Công việc trái ngành mang lại cho Cam nhiều thứ, từ môi trường phát triển đến thu nhập tốt. Ảnh: NVCC. |
Không hợp với nghề đúng ngành học
Năm 18 tuổi, Tào Thị Cam chọn theo học ngành Quản trị nhân sự tại ĐH Lao động Xã hội. Ra trường, cô làm nhân viên văn phòng tại một công ty.
Công việc đó đúng chuyên ngành nhưng không phù hợp với Cam. Cô gái vốn tính năng động, hướng ngoại nay bó hẹp trong môi trường công sở, thiếu sự giao tiếp. Ở công việc đó, Cam không nhìn thấy cơ hội phát triển bản thân hay thăng tiến. Sau một thời gian, cô thấy bản thân ù lỳ, ít nói hơn.
Chịu đựng 6 tháng, qua người quen giới thiệu, Tào Cam quyết định thử sức với lĩnh vực ngân hàng do tin tưởng đây là môi trường năng động, có thể phát triển.
“Bản thân mình thuộc tuýp người hướng ngoại nên cảm thấy văn phòng quá gò bó. Công việc tại ngân hàng cho phép mình ra ngoài giao lưu, quen biết, học hỏi với nhiều người ở nhiều ngành nghề khác nhau”, Tào Cam chia sẻ với Zing.
Tương tự, Đoàn Thùy (24 tuổi) cũng không chọn làm việc đúng ngành. Thùy từng học khoa Triết học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội. Cô cho biết nếu muốn đi con đường dạy học, cô cần đầu tư thêm thời gian, tiền bạc lẫn công sức, thậm chí phải học cao lên.
Thùy cũng từng tham gia các hội nhóm, diễn đàn tìm kiếm việc làm liên quan đến ngành nghề mình đang học. Tuy nhiên, cô gái trẻ cảm thấy yêu cầu công việc đưa ra không phù hợp với khả năng và sở thích.
Sau khi nhận thấy bản thân không hứng thú với ngành học mình đang theo đuổi, cô tìm phương án để chuyển ngành khi cần thiết.
Với sự chuẩn bị đó, ra trường, Đoàn Thùy trúng tuyển vào vị trí cán bộ tuyển sinh tại một đại học tư thục ở Hà Nội, chịu trách nhiệm tư vấn tuyển sinh đầu vào cho học sinh, phụ huynh.
Trong khi đó, Bùi Thị Hường (25 tuổi, Quảng Ninh) chọn đi theo con đường kinh doanh dù là cử nhân ngành Thông tin thư viện.
Hường tâm sự trước đó, cô chưa từng làm công việc nào liên quan đến lĩnh vực mình học, cũng không có ý định sẽ theo đuổi công việc này. Ngay sau khi ra trường, Hường thử sức với nhiều hoạt động buôn bán nhỏ và thấy phù hợp với bản thân.
“Mình thích những công việc cho tính cạnh tranh cao, giao tiếp với nhiều người thay vì ngồi một chỗ, làm giấy tờ”, Hường nói.
Đoàn Thùy hiện làm cán bộ tư vấn tuyển sinh tại một trường tư ở Hà Nội. Ảnh: NVCC. |
Làm trái ngành mang lại cơ hội và thu nhập cao
Nhận thấy nhiều cơ hội khi làm công việc trái ngành, Tào Cam, Đoàn Thùy và Bùi Hằng đều cố gắng tận dụng, phát huy hết khả năng của bản thân để phục vụ cho công việc.
Sau khi thử sức ở công việc mới, Đoàn Thùy nhận thấy nó đem lại nhiều cơ hội để cô phát triển bản thân. Cô gái trẻ được tham gia các hoạt động tập thể sôi nổi, có cơ hội gặp gỡ, tư vấn nhiều học sinh, sinh viên, phụ huynh.
Cô gái 24 tuổi cũng cho rằng bản thân trưởng thành nhanh chóng với công việc khi biết thêm về chuyên môn tư vấn giáo dục, kỹ năng giao tiếp, không còn rụt rè, run tay khi cầm mic. Thay vào đó, cô tự tin, năng động hơn.
Bên cạnh đó, thu nhập từ nghề trái ngành cũng là yếu tố giúp cô gái trẻ hài lòng với sự lựa chọn của mình. Thùy cho biết nếu theo làm việc đúng ngành, cô chỉ nhận mức lương khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, tùy trình độ và vị trí làm việc.
Tuy nhiên, hiện tại, làm cán bộ tư vấn tuyển sinh, Thùy nhận khoảng 10 triệu đồng/tháng. Thu nhập này giúp cô tự trang trải cuộc sống và gửi về quê hỗ trợ bố mẹ.
Tương tự, Tào Thị Cam nhìn chung hài lòng về công việc. Ở khía cạnh môi trường, cô cho rằng công việc hiện tại giúp cô phát huy thế mạnh của bản thân. Cam không cần suốt ngày ngồi tại văn phòng. Cô được ra ngoài, tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng.
Làm bên ngân hàng, cô được ghi nhận, đánh giá cao khi đạt thành tích tốt và nhìn thấy cơ hội thăng tiến. Bên cạnh đó, thay vì đến làm đủ 8 tiếng rồi cuối tháng nhận mức lương cố định, Cam có thể nỗ lực để nâng cao thu nhập.
Cô từ chối cung cấp con số cụ thể nhưng cho biết ngay từ khi mới vào ngân hàng, lương khởi điểm của cô đã cao gấp đôi so với công việc trước. Thu nhập ngày một tăng theo kinh nghiệm, kỹ năng làm việc.
Bùi Thị Hường cũng cảm thấy bản thân đi đúng hướng. Tận dụng ưu thế ngoại hình, Hường tự làm mẫu để bán các sản phẩm như quần áo, khuyên tai, lắc tay.
Sau một thời gian kinh doanh, Hường thuận lợi trong công việc. Hiện tại, cô mở rộng việc bán hàng trên nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, thu về lợi nhuận không nhỏ.
"Có hôm, tôi nhận hàng trăm đơn hàng. Bận rộn nhưng tôi hài lòng, tìm thấy niềm vui trong công việc", cô chia sẻ về việc làm nghề hoàn toàn không liên quan đến tấm bằng cử nhân ngành Thông tin thư viện.