Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Covid-19 gây tổn thương tim như thế nào?

Những trường hợp có bệnh lý tim mạch được xếp vào nhóm nguy cơ cao bị tử vong khi mắc Covid-19.

Bệnh nhân Covid-19 chủ yếu có biểu hiện lâm sàng ban đầu là viêm phổi, nếu tiến triển sang giai đoạn muộn sẽ tổn thương đa cơ quan. Gần đây, tổn thương hệ tim mạch liên quan tới SARS-CoV-2 là chủ đề lớn cần được quan tâm.

Tổn thương hệ tim mạch có thể do sự tham gia trực tiếp của virus vào cơ tim hoặc gián tiếp qua hệ thống đáp ứng viêm và tác động xấu đến phổi gây ra. Ngoài ra, các thuốc kháng virus được sử dụng để điều trị SARS-CoV-2 được báo cáo là có tác dụng gây loạn nhịp tim.

Diễn biến của Covid-19 bao gồm 3 giai đoạn đan xen sau: Giai đoạn nhiễm trùng sớm; giai liên quan phổi; giai đoạn siêu viêm. Giai đoạn đầu tiên bao gồm sự di chuyển và sao chép của virus vào mô phổi. Bạch cầu đơn nhân và đại thực bào là những yếu tố miễn dịch bẩm sinh chịu trách nhiệm chống lại virus trong giai đoạn này. Bệnh nhân có thể có các triệu chứng thể nhẹ.

Covid-19 gay ton thuong tim anh 1

Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Tổn thương mô phổi phát triển ở bước tiếp theo. Hiện tượng giãn mạch, tăng tính thấm nội mô và hoạt hóa bạch cầu xảy ra trong giai đoạn thứ hai. Cơ chế bệnh sinh này dẫn đến tổn thương phổi, giảm oxy máu và tăng tổn thương lên hệ tim mạch.

10% bệnh nhân ở giai đoạn thứ hai chuyển sang siêu viêm. Giai đoạn siêu viêm được đặc trưng bởi sự phát triển của hội chứng suy hô hấp cấp tính tiến triển (ARDS), tổn thương tim cấp tính, suy đa cơ quan, nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn, nhiễm trùng huyết và tăng nhu cầu chăm sóc đặc biệt.

Tổn thương tim cấp với biểu hiện tăng cao Troponin tim (một protein có cấu trúc hình cầu được tìm thấy ở cơ xương và cơ tim) đã được báo cáo trong 8-12% bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Tổn thương cơ tim cấp là một yếu tố tiên lượng xấu ở người mắc Covid-19.

Bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 gặp các vấn đề tim mạch tiềm ẩn có tiên lượng xấu hơn. Người bệnh có biến chứng tim mạch làm gia tăng nhu cầu thở máy, các loạn nhịp tim phức tạp liên quan mô cơ tim bị căng hoặc tác dụng phụ loạn nhịp của thuốc kháng virus và chống viêm.

Rối loạn đông máu làm cho bệnh cảnh của bệnh nhân Covid-19 ngày càng nặng hơn. ARDS phát triển do thuyên tắc phổi, huyết khối tĩnh mạch, động mạch, vi mạch phổi, tổn thương nội mô và các biến chứng huyết khối liên quan.

Việc giải phóng các cytokine viêm làm kích hoạt quá trình rối loạn đông máu ở F0. Khoảng 50% trong số những người mắc Covid-19 nặng phát triển rối loạn đông máu. D-Dimer là chỉ số quan trong để phát hiện, đánh giá, tiên lượng tổn thương do rối loạn đông máu gây ra. Huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi đã được quan sát thấy ở 40% bệnh nhân. Do đó, những người có bệnh lý tim mạch được xếp vào nguy cơ cao bị tử vong khi nhiễm SARS-CoV-2.

Tất cả bệnh nhân tim mạch là người có nguy cơ cao, nên tuân thủ theo các hướng dẫn phòng dịch của Bộ Y tế, thực hiện đúng 5K. Những trường hợp này cũng cần được tiêm vaccine phòng Covid-19 sớm.

Nếu bệnh nhân đang trong vùng có dịch và tình trạng tim mạch ổn định, tránh đến khám trực tiếp ở các cơ sở y tế. Thay vì khám trực tiếp, bạn có thể trao đổi với bác sĩ của mình qua điện thoại.

Để cải thiện hệ thống miễn dịch của bệnh nhân tim mạch, bạn cần ăn uống đầy đủ, tránh rượu bia, đảm bảo giấc ngủ, tập các bài thể dục nhẹ nhàng và tránh mọi căng thẳng không đáng có

Bài viết do bác sĩ Phạm Quang Trình, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quận đội 108, cung cấp thông tin.

Xử trí rối loạn tâm lý, cải thiện tinh thần cho F0

Tùy theo mức độ bệnh, người mắc Covid-19 cần được tư vấn, hỗ trợ điều trị các rối loạn tâm lý, căng thẳng tinh thần có thể gặp phải.

Dịch Covid-19

BS Phạm Quang Trình

Bạn có thể quan tâm