Khi Riëtte Badenhorst (Nam Phi) về nhà sau ca phẫu thuật ung thư, những gì vị hôn phu tên Steve Mann có thể làm là an ủi cô qua điện thoại từ Anh. Badenhorst ước rằng Mann đã ở bên cô.
"Tôi có bạn bè và gia đình giúp đỡ, nhưng chưa đủ. Tôi và Mann gọi video cho nhau, song chắc chắn không thể bằng cái ôm thật chặt", cô nói với CNN.
Badenhorst và Mann bắt đầu hẹn hò vào năm 2016 và đính hôn 3 năm sau đó. Họ đã không gặp nhau trong hơn một năm, kể cả sau khi Badenhorst được chẩn đoán mắc ung thư.
Badenhorst và Mann là một trong số nhiều cặp uyên ương khác quốc tịch, những người bị ngăn cách bởi lệnh cấm đi lại do dịch Covid-19.
Mỗi quốc gia đưa ra lệnh cấm đi lại khác nhau. Những trường hợp được đặc cách hầu hết là vợ chồng đã kết hôn, còn lại, dù có yêu nhau sâu đậm đến mấy, nhiều cặp uyên ương đành bất lực.
Gia đình xa cách
Kể từ năm 2016, Elizabeth Anne Shannon đi từ Oklahoma (Mỹ) đến Philippines 4 lần/năm để thăm vị hôn phu Recca Morcada. Con trai của cô, Lane - một trong 5 đứa con mà cô có với chồng cũ Ed - thậm chí còn đi cùng cô 2 lần.
“Chúng tôi là một gia đình, có thể trông không bình thường nhưng đó là gia đình của chúng tôi, và 4 năm rưỡi qua vẫn rất ổn”, Shannon nói.
Với việc cả Philippines và Mỹ áp dụng các hạn chế đi lại nghiêm ngặt, Shannon và Morcada đã không gặp nhau trong hơn một năm nay.
“Em và các con rất mong anh về Oklahoma. Cả gia đình cần anh ở bên và rất nhớ anh", bà mẹ 5 con nhắn gửi người thương.
Shannon đi đi về về trong hơn 4 năm để thăm Morcada. |
Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, hơn một nửa người trẻ ở Mỹ không kết hôn hoặc kết hôn muộn. Các xu hướng tương tự cũng được ghi nhận ở châu Âu.
"Đây không phải là năm 1850 nữa. Chúng ta cần vượt ra khỏi quy tắc truyền thống, đừng chỉ công nhận các cặp đôi khi họ đã kết hôn", Offely Epain, một người Pháp ở London, nói. Epain đã không thể gặp bạn gái trong gần 8 tháng.
Epain cho rằng quy tắc đang được áp dụng cho các cặp chưa cưới "đã lỗi thời".
"Chắc chắn có những cặp rất gắn bó, đã bên nhau nhiều năm mà chưa kết hôn; hoặc những cặp không thể sống cùng quốc gia vì một số lý do. Bây giờ, các nước đóng cửa biên giới mà không suy nghĩ về tác động đến cuộc sống của những người như vậy", Maggie Foster (Mỹ), nói. Cô đang yêu một chàng trai người Pháp.
Khó khăn
Mùa xuân năm ngoái, Foster đã thành lập Couples Separated By Travel Bans, một nhóm trên Facebook, nơi các cặp uyên ương chia sẻ thông tin về các hạn chế đi lại.
Nhóm nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng từ nhiều người. Các thành viên đã tham gia nhiều nhóm khác như Love Not Tourism, vận động kêu gọi miễn các quy tắc hạn chế cho những người yêu nhau giống như các cặp vợ chồng.
Vào tháng 7, Đan Mạch là quốc gia đầu tiên miễn trừ các quy tắc này. Các quốc gia khác như Áo, Hà Lan, Đức và Pháp cũng hành động tương tự khi Ủy ban Châu Âu khuyến khích các quốc gia cho phép các cặp vợ chồng chưa đăng ký kết hôn nhập cảnh.
Tuy nhiên, các hạn chế đi lại thay đổi mỗi tuần. Sau khi mở cửa biên giới vào mùa hè năm ngoái vì tình hình dần ổn định, các nước châu Âu bắt đầu đóng cửa trở lại.
Vào ngày 4/2, Pháp cho biết sẽ ngừng miễn trừ cho các cặp vợ chồng chưa kết hôn để ngăn chặn sự lây lan của các biến thể mới.
Bộ Ngoại giao Pháp cho biết sẽ khôi phục quy định ưu tiên "tùy thuộc vào tình hình". Hà Lan cũng ngừng cho phép các cặp đôi đi đường dài trong nước.
Jasmine Jasper và bạn trai Anthony Pototski. |
"Tôi không muốn đọc thông tin về các lệnh cấm đi lại vì sẽ cảm thấy tình hình tệ hơn song đồng thời, tôi cũng muốn cập nhật liên tục", Jasmine Jasper, vũ công người Đức gốc Italy, nói.
Vì Serbia hiện không nằm trong danh sách cấm đi lại của Mỹ nên cô có thể từ Belgrade đến New York đoàn tụ với bạn trai sau hơn 14 ngày, nếu quy định không có gì thay đổi.
“Chúng tôi cam kết thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch, kiểm tra, giữ an toàn cho mọi người. Chúng tôi không muốn mắc bệnh, cũng không muốn người khác mắc bệnh. Chúng tôi chỉ muốn ở bên cạnh những người thân yêu của mình, xây dựng gia đình".
Những khó khăn trong việc gặp gỡ mùa dịch cũng khiến nhiều đôi trẻ nghiêm túc hơn trong việc cân nhắc kết hôn. Không ít người nhượng bộ các quy định và bắt đầu làm đám cưới để "danh chính ngôn thuận" đoàn tụ.
Anna Liebermann, đến từ New York, đã may mắn được đoàn tụ nửa kia tên Clément Roux ở Pháp vào tháng 12. Tuy nhiên, cả hai đều cho biết đại dịch đã khiến họ phải xem xét lại các ưu tiên của mình.
Theo đó, dù Roux yêu thích công việc ở Paris, nhưng dịch Covid-19 khiến anh nhận ra rằng bản thân nên "khẩn trương" để được ở gần Liebermann hơn.
"Chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ về cuộc sống sau đại dịch. Chúng tôi không muốn phải trải qua điều này một lần nữa", Liebermann chia sẻ.