Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cú ngã' khỏi đỉnh danh vọng của tỷ phú Sài Gòn xưa

Với tài kinh doanh thiên phú, “vua gạch ngói” từng bước vươn đến đỉnh cao giàu có, song bất ngờ mất trắng tất cả vì bị "đẩy ngã", để rồi phải trôi dạt sang xứ người.

Vị trí cao ốc President của Nguyễn Tấn Đời mà sau này được người dân TP.HCM biết đến với tên gọi chung cư 727 đã được giải tỏa. Ảnh: Hà Nguyễn.

"Vua nhiều ngai" của Sài Gòn xưa

Đầu thập niên 1960, tiếng tăm và uy tín của hãng gạch Đời Tân đã giúp doanh nhân Nguyễn Tấn Đời trở thành một trong những triệu phú trẻ nhất Sài Gòn xưa. Thời điểm ấy, ông mới ngoài 30 tuổi.

Tuy vậy, đầu óc kinh doanh của “vua gạch ngói” vượt xa số còn lại khi dấn thân, mở rộng đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới lạ tại Sài Gòn. Sau khi đầu tư, trở thành "vua chuyển ngân" giữa Sài Gòn - Paris (Pháp) - Hong Kong (Trung Quốc), ông mở công ty quảng cáo, nhập phim từ Pháp về Việt Nam, Campuchia, Lào…

Ty phu Sai Gon,  Hoi ky,  Nguyen Tan Doi anh 1

Sau khi thành công với hãng gạch Đời Tân, doanh nhân Nguyễn Tấn Đời đầu tư vào lĩnh vực xây cao ốc và lập tức trở thành "vua cao ốc" Sài Gòn. Ảnh: Hồi ký Nguyễn Tấn Đời.

Năm 1956, ông sang Campuchia mở công ty nhập khẩu xe đạp, máy móc nông nghiệp, ngư cụ từ châu Âu về tiêu thụ tại miền Nam. Thậm chí, ông còn lấn sang lĩnh vực hải sản khi sắm một loạt tàu đông lạnh ngày đêm hoạt động ngoài khơi.

Những năm 1968 - 1969, thấy phế liệu do quân đội Mỹ thải ra chất cao như núi, ông đấu thầu mua lại để nấu lấy đồng. Với số nguyên liệu này, ông mở xưởng sản xuất dây điện với nhãn hiệu Vidico.

Tên tuổi của Nguyễn Tấn Đời không chỉ dừng lại ở những thành công kể trên. Bằng sự nhạy cảm của mình, ông sớm nhận thấy nhu cầu thuê nhà, văn phòng tại Sài Gòn sẽ tăng cao. Ngay lập tức, ông tập trung đầu tư vào lĩnh vực xây cao ốc để cho thuê.

Ông vung tiền mua lại dãy phố ở góc đường Trương Định - Nguyễn An Ninh (quận 1, TP.HCM bây giờ). Sau khi được giải tỏa, khu đất đắt giá trở thành nhà hàng, khách sạn Mai Loan 6 tầng.

Khách sạn được trang bị nội thất sang trọng, hiện đại lại có thêm những dịch vụ mới lạ, nhanh chóng thu hút vô số khách đến thuê trọ, vui chơi. Trong Những gương mặt tỷ phú Sài Gòn trước năm 1975, tác giả Dương Đức Dũng viết: “Qua nhà hàng, khách sạn Mai Loan, tài sản của ông chủ hãng gạch Đời Tân đã phát triển một cách mau lẹ.

Số vốn đầu tư vào đã lấy lại toàn bộ, mà tiền lãi mỗi ngày lại thu vào như nước. Mức lời hàng tháng của nhà hàng phải tính từ cỡ vài chục triệu trở lên, chứ không phải tính bằng con số ngàn, số vạn”.

Thành công này giúp ông mạnh tay xây dựng thêm một loạt cao ốc cho thuê như: Cao ốc Tân Lộc (90 phòng), Victoria (240 phòng), President (1.200 phòng), Đức Tân, Prince…

Ty phu Sai Gon,  Hoi ky,  Nguyen Tan Doi anh 2

Tòa nhà ở góc đường Trương Định - Nguyễn An Ninh (quận 1, TP.HCM) trước đây là nhà hàng, khách sạn Mai Loan nổi tiếng của "vua cao ốc" Nguyễn Tấn Đời. Ảnh: Hà Nguyễn.

Trong số này, cao ốc President nổi tiếng hơn cả. Trước khi bị giải tỏa hoàn toàn cách đây ít năm, tòa nhà này gắn với nhiều giai thoại.

Vào thời điểm được Nguyễn Tấn Đời xây dựng, các tòa cao ốc trên đều đồ sộ, vượt xa những kiến trúc cùng thời. Chúng đều được khách hàng thuê hết và đem lại cho ông những món lợi kếch xù.

Từ đây, biệt danh "vua gạch ngói" của ông dần lu mờ và được thay thế bằng một tên gọi khác là "vua cao ốc" Sài Gòn.

Năm 1967, giữa lúc chìm đắm trong niềm vui thành công từ việc xây cao ốc, Nguyễn Tấn Đời bất ngờ phát hiện ngân hàng Tín Nghĩa - nơi ông là cổ đông với 16% cổ phần - sắp phá sản.

Trước nguy cơ mất tài sản, ông bất đắc dĩ phải mua lại cổ phần của các cổ đông khác. Ông trở thành giám đốc ngân hàng, mà không có bất kỳ kinh nghiệm nào trong ngành nghề này. Dẫu vậy, bằng trí thông minh, đầu óc nhạy bén của mình, ông từng bước vực dậy “con tàu đắm”.

Trong hồi ký của mình, ông kể khi trở thành giám đốc, ông thấy các ngân hàng cùng thời chưa tập trung vào giới tiểu thương. Do đó, ông đưa ra những chiến lược quảng cáo độc đáo nhắm vào đối tượng khách hàng này.

Ông cho quảng cáo rầm rộ trên báo chí. Ông mở chương trình tặng quà cho khách đến gửi tiền, giao dịch tại ngân hàng. Ngân hàng còn tổ chức xổ số theo định kỳ với phần thưởng giá trị như tivi, cassette, máy may, xe máy, thậm chí cả ô tô.

Rơi khỏi đỉnh cao giàu có

Một trong những điểm mới và thành công của ông trong việc điều hành ngân hàng là thiết kế logo cho ngân hàng Tín Nghĩa và mở hệ thống chi nhánh rộng rãi.

Ty phu Sai Gon,  Hoi ky,  Nguyen Tan Doi anh 3

Mẫu quảng cáo độc đáo của ngân hàng Tín Nghĩa. Ảnh: Hồi ký Nguyễn Tấn Đời.

Lúc bấy giờ, ngân hàng Tín Nghĩa không chỉ có mặt khắp miền Nam mà còn xuất hiện tại các tỉnh Tây Nguyên.

Thời điểm ấy, logo của Tín Nghĩa với hình ảnh Thần Tài cầm 2 xâu tiền xuất hiện khắp nơi. Độ “phủ sóng” của nó rộng rãi đến nỗi người dân cùng thời gọi Nguyễn Tấn Đời là "vua Thần Tài", "ông Thần Tài”, "vua ngân hàng Sài Gòn".

Sự phát triển rực rỡ của ngân hàng Tín Nghĩa đem lại cho Nguyễn Tấn Đời lợi nhuận khổng lồ. Lúc này, "vua Thần Tài" trở thành tỷ phú ngân hàng, sánh ngang cùng các tài phiệt cỡ lớn của Sài Gòn xưa.

Giữa lúc giàu sang tột đỉnh, ngày 21/4/1973, ông Đời bất ngờ bị chính quyền Sài Gòn ra lệnh bắt giam. Ông phải ngồi tù 2 năm. Toàn bộ tài sản của ông đều bị tịch thu. Năm 1975, ông được tha. Lúc này, "vua ngân hàng" Sài Gòn đã không còn tiền tài, danh vọng.

Sau khi sang Canada để đoàn tụ với vợ con, ông nghỉ ngơi suốt 2 tháng trời. Vốn là người của công việc nên điều này khiến ông chán nản. Ông ngỏ lời muốn tiếp tục kinh doanh, nhưng bị gia đình từ chối.

Lời từ chối ấy khiến ông đau đớn, sống trong tâm lý mặc cảm đến nỗi gần như rơi vào trạng thái trầm cảm. Ông bỏ ăn, quên uống rồi bệnh nằm liệt giường.

Cuối cùng, gia đình quyết định bán số nữ trang còn lại để cho ông làm vốn tái khởi nghiệp ở tuổi ngoài 50. Với sự tinh nhạy trong kinh doanh, tháng 12/1975, ông mua lại một khách sạn bị cháy ở ven biển.

Ty phu Sai Gon,  Hoi ky,  Nguyen Tan Doi anh 4

Ông Nguyễn Tấn Đời (người ngồi hàng trước, bên phải) chụp ảnh kỷ niệm cùng nhân viên nhà hàng Kobe của mình trong những năm đầu thành lập. Ảnh: Hồi ký Nguyễn Tấn Đời.

Sau gần 3 năm, vừa làm người quản lý vừa làm nhân viên, năm 1978 ông biến căn nhà tồi tàn thành nhà hàng, khách sạn đông khách. Một lần, ông vô tình gặp lại người bạn từng làm ăn chung khi còn ở Sài Gòn. Người này tình nguyện giúp vốn, hỗ trợ kỹ thuật để ông mở nhà hàng Kobe tại Montreal, Canada. Với sự cần cù, không ngại khó, luôn đặt khách hàng lên hàng đầu, ông thu được thành công ngoài mong đợi.

Năm 1980, ông đầu tư mở thêm một số chi nhánh tại Orlando, Florida, Mỹ. Sau lần bị “đẩy ngã” từ đỉnh cao giàu sang, vua “Thần Tài” lại một lần nữa đứng dậy từ tay trắng. Ở xứ người, dù không còn là "vua nhiều ngai" nhưng ông vẫn được xếp vào hàng triệu phú đô la.

Nên đầu tư tiền vào đâu?

Trong hơn 200 năm qua, mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, thị trường chứng khoán vẫn là nơi tốt nhất để các nhà đầu tư dài hạn xây dựng sự sung túc. Nhưng để thành công trong mảng này, cần hiểu rõ các quy luật của thị trường, hiểu các mùa hoạt động của nó. Câu hỏi lớn nhất về tài chính trong tâm trí tất cả chúng ta ngày nay là gì? Theo kinh nghiệm của tác giả Anthony Robbins trong cuốn Đầu tư thông minh, chúng ta đều đang tìm kiếm câu trả lời cho cùng một vấn đề: “Tôi nên đặt tiền của mình vào đâu?”.

https://vietnamnet.vn/bat-ngo-bi-day-nga-khoi-dinh-cao-giau-co-ty-phu-sai-gon-xua-troi-dat-xu-nguoi-2279235.html

Hà Nguyễn / Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm