Hàng ngày, khi mặt trời không còn đứng bóng, anh Miftahul Abdurrakman bắt đầu ra đồng. Anh tự tay dọn cỏ dại mọc trên ruộng lúa, sau đó bón thêm phân hữu cơ cho cây.
Miftahul là một trong số ít nông dân không sử dụng thuốc trừ sâu trong canh tác tại Indonesia. Tốt nghiệp khoa Luật, Đại học Hồi giáo Indonesia (UII), Miftahul không theo nghề, về quê làm ruộng đã được 3 năm. Đây là nghề mà không nhiều thanh niên ở Indonesia theo đuổi.
Từ khi còn là sinh viên Luật, Miftahul đã có hứng thú với nghề nông. Ảnh: JP. |
Tổ tiên, cha mẹ của Miftahul đều là nông dân. Tuy nhiên, chỉ có mình anh trong số 4 anh em tiếp quản công việc đồng áng. Anh làm công việc này để duy trì sản xuất lương thực và ngăn công nghiệp hóa phá hủy nơi mình sinh sống, Jarkatar Post cho biết.
Không giống cha ông, Miftahul không sử dụng phương pháp canh tác truyền thống với thuốc trừ sâu. Anh chỉ phun một lượng nhỏ thuốc trong giai đạon đầu để cây phát triển. Sau đó, thời gian còn lại anh sửa dụng phân bón hữu cơ tự chế.
Ngoài ra, người đàn ông 30 tuổi còn ứng dụng cơ giới hóa vào làng Timbulharjo nơi mình sinh sống. "Hiện, ít nhất 5 nông dân trẻ khác trong làng cũng thực hiện phương pháp này”, Miftahul chia sẻ về cách sử dụng máy móc trong nông nghiệp.
Ngồi bên cánh đồng lúa ngút ngàn, anh kể mình học toàn bộ kiến thức về máy móc từ Internet. Hồi còn là sinh viên khoa Luật, Miftahul thường lẻn vào các tiết học của Khoa Nông nghiệp của Đại học Pembangunan Nasional (UPN) ở Yogyakarta để nghe lỏm.
Mỗi vụ, Miftahul thu về khoảng 660 USD trong vòng gần 3 tháng. Anh nuôi thêm cá để trang trải chi phí. Ảnh: JP. |
Người đàn ông này là một trong số ít những nông dân không sở hữu một mét vuông đất nào nhưng tự tin rằng nông nghiệp là kế sinh nhai đầy hứa hẹn.
Anh thuê 10.000 mét vuông đất, trong đó 90% sử dụng để trồng lúa. Phần còn lại anh nuôi cá. Để tối đa hóa lợi nhuận, Miftahul tự xay lúa trước khi bán sản phẩm. Anh còn sử dụng một số kênh online để thu hút người mua.
"Tôi có thể bán một kg gạo với giá từ 11.000 Rp đến 12.000 Rp (tương đương 0,81-0,88 USD), cao hơn giá thị trường khoảng 8.500 Rp/kg”, Miftahul nói. Ngoài ra, mỗi mùa vụ, anh thu về 9 triệu Rp, tương đương 660 USD, thu về trong khoảng 85 ngày.
Nông sản của người nông dân trẻ khá đắt hàng, anh thậm chí không có đủ gạo bán lẻ. Để trang trải các chi phí hàng ngày, anh kinh doanh thêm mặt hàng cá, thu hoạch 2 tuần/lần.
“Tôi hạnh phúc với cuộc sống một người dân. Cánh đồng này đã giúp tôi trang trải tiền bạc, tiết kiệm thêm tiền để đóng học phí cho con”, anh Miftahul chia sẻ.
Kết quả của một cuộc khảo sát năm 2018 do Thống kê Indonesia (BPS) cho thấy chỉ có 191.000 trong số 2.7 triệu hộ gia đình ở độ tuổi từ 25-34 tuổi kiếm sống bằng nghề nông. Indonesia có tổng cộng 33,5 triệu nông dân.