Cực quang kỳ thú ở Na Uy
Những hình ảnh xứng đáng được coi là kỳ quan mà bất kỳ nhiếp ảnh gia nào cũng mơ ước được chụp hình một lần trong đời.
Bức ảnh do Thilo Bubek chụp. |
Nhiếp ảnh gia chuyên chụp cực quang Thilo Bubek đã chụp được những hình ảnh về quầng sáng kỳ lạ trên bầu trời phản chiếu vào mây và hồ nước hồi giữa tháng 9, tại Ersford, gần Tromso (Nauy). Những hoạt động gần đây của mặt trời đã tạo nên buổi trình diễn ánh sáng ngoạn mục. Bầu trời rực rỡ ánh sao và được thắp sáng bằng một cầu vồng màu tím, xanh đậm và xanh dương.Bình thường, cực quang thường xuất hiện trên nền trời trong vắt, nhưng khi luồng sáng quá mạnh, đám mây cũng có thể trở thành tấm gương phản chiếu.
Cực quang xuất hiện khi gió mặt trời mang điện chạm vào bầu khí quyển, bị từ trường đẩy về hai cực trái đất. Các hạt mang điện phản ứng với các ion trong khí quyển, tạo thành những cuộc trình diễn ánh sáng hoành tráng nhất trên trái đất. |
Còn hình do Ole Christian Salomonsen - một tay máy không chuyên chụp lại giống như một buổi bắn pháo hoa.
Anh kể: "Các dự báo về cực quang không hề cho biết sẽ có luồng sáng mạnh đến thế. Tôi chờ trong 45 phút, và điều kỳ diệu hiện ra trước mắt, giống như cửa thiên đường mở ra và trải ánh sáng plasma xuống trái đất. Tôi như lạc vào xứ sở thần tiên với những cảm xúc không thể miêu tả được. Cực quang rực sáng khắp nơi và thật khó quyết định chụp ở góc nào. Tôi và bạn đồng hành gào toáng lên vì sung sướng và ôm nhau cười".
Ảnh do Ole Christian Salomonsen chụp. |
Ole tiết lộ, muốn chụp được ảnh cực quang phải rất kiên nhẫn. Có khi anh phải chờ hàng giờ mới thấy, hoặc có khi chẳng có như dự báo. Nhưng nếu cực quang xuất hiện, bất kỳ ai cũng thấy bõ công chờ đợi, dù ngoài trời lạnh buốt giá. Anh nói: "Tôi ngắm cực quang không bao giờ chán. Đó là hiện tượng quá kỳ vĩ, cách bề mặt trái đất từ 100-700 km, xa thật xa, lại thấy gần biết bao".
Trà My
Theo Bưu điện Việt Nam