Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Cuộc chiến ngăn chặn những vụ nhảy cầu ở Hàn Quốc

Điện thoại khẩn cấp, chuông báo động, camera quan sát 24/24 và hàng rào an toàn không đủ để ngăn chặn số vụ tự tử trên sông Hàn tại xứ kim chi.

Chính phủ Hàn Quốc nỗ lực tìm cách ngăn những vụ tự tử trên sông Hàn. Ảnh: Yoon Min-sik/The Korea Herald.

Ngày 1/10, Cho Han Ah, 44 tuổi, cùng chồng đang tận hưởng buổi chiều với thời tiết ấm áp bên cây cầu Wonhyo dài 1,5 km bắc qua sông Hàn ở Seoul, đây cũng nơi họ tình cờ gặp một phụ nữ trẻ chuẩn bị nhảy xuống dòng nước, theo The Korea Herald.

Cho Han Ah lập tức chạy nhanh đến, dùng sức kéo cô gái ra khỏi thành cầu để ngăn chạy ý định tự tử của người này.

Đó chỉ là một cô gái trẻ, tạm gọi là A, 19 tuổi, chuẩn bị nhập học đại học.

Trước khi quyết định nhảy xuống, A đã cố gắng kết nối với đường dây nóng hỗ trợ tự tử LifeLine Korea, tuy nhiên cô không thể nghe được người ở đầu dây bên kia vì tiếng gió, tiếng ồn từ xe cộ là quá lớn. Mọi chuyện đã có thể tệ hơn nếu Cho không phát hiện ra cô.

Vài phút sau, lực lượng cứu hộ khẩn cấp xuất hiện trên xuồng máy ở sông Hàn cùng với xe cứu hỏa, xe cảnh sát và xe cứu thương.

Lực lượng cứu hộ có khoảng 10 người, đã đến theo các quy trình khẩn cấp của LifeLine Korea, tự động báo cáo các cuộc gọi từ đường dây nóng liên quan đến vụ tự sát cho các dịch vụ cứu hộ địa phương.

tu tu anh 1

Một chiếc điện thoại LifeLine được chụp tại cầu Mapo bắc qua Sông Hàn ở Seoul. Ảnh: Yoon Min-sik/The Korea Herald.

Điện thoại, chuông, tin nhắn và lan can cao

Xác suất bạn gặp phải một người có ý định tự tử như Cho Han Ah có thể là trải nghiệm chỉ có một lần trong đời. Nhưng các báo cáo cho thấy hầu như ngày nào cũng có người nhảy khỏi 31 cây cầu của sông Hàn.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Cứu hỏa Quốc gia, từ năm 2016 đến tháng 6/2022, tổng cộng 2.171 người đã gieo mình xuống sông ở Seoul. Trong số đó, 2.097 người đã được cứu sống và 74 người khác đã thiệt mạng.

Sông Hàn là một trong những địa điểm tự sát thường xuyên được lui tới nhất ở Seoul, do có thể dễ dàng di chuyển đến đây bằng phương tiện giao thông công cộng. Bên cạnh đó, sông Hàn có diện tích lớn, điều này cũng làm giảm khả năng các trường hợp có ý định tự tử bị phát hiện và ngăn chặn.

Những vấn đề này đã thúc đẩy tổ chức từ thiện bảo hiểm nhân thọ tại Hàn Quốc thành lập 75 đường dây nóng tự tử trên tổng số 19 cây cầu. Trong vòng 10 năm, từ 2011 đến 2021, đã có 9.050 cuộc gọi nhờ sự giúp đỡ trước khi có ý định quyên sinh.

Theo báo cáo phòng chống tự tử năm 2022 của Bộ Y tế và Phúc lợi, tự sát bằng cách nhảy cầu là lựa chọn đứng thứ 2 tại Hàn Quốc ( chiếm 16,6%), xếp sau phương thức treo cổ (chiếm 52,3%).

Và điện thoại LifeLine chỉ là một trong những biện pháp hạn chế các vụ tự tử trên sông Hàn. Chính phủ Hàn Quốc đã cố làm nhiều cách hơn trong cuộc chiến ngăn chặn những vụ nhảy cầu tại đất nước này.

Ở giữa cầu Mapo được dựng một bức tượng người đàn ông đang an ủi bạn mình. Mặt sau ghi một thông điệp: “Bạn ơi, hãy nghĩ về nó thêm một lần nữa”.

Ngoài ra, trên cây cầu còn được lắp đặt camera quan sát và chuông khẩn cấp, bất kỳ ai cũng có thể bấm gọi cho lực lượng cứu hộ khi nhìn thấy ai đó đang có ý định tự tử.

Các đoạn của cầu Mapo cũng đã có lan can cao chống tự sát. Chiều cao của những chiếc lan can này thậm chí còn hơn chiều cao của một người đàn ông Hàn Quốc trung bình.

Theo The Korea Herald, các lan can cao là một sự thay đổi đáng hoan nghênh của chính phủ đối với cầu Mapo, địa điểm được lựa chọn hàng đầu cho các vụ tự tử.

NFA - Hiệp hội tương lai quốc gia Hàn Quốc, chỉ ra đã có 761 vụ tự tử tại cầu Mapo trong khoảng thời gian 5 năm, chiếm 35% tổng số vụ tự tử trên các cây cầu ở Seoul.

Báo cáo cũng cho thấy lan can cao và những chiếc hàng rào an toàn đã có một số tác dụng nhất định. Sau khi chúng được lắp đặt ở cầu Mapo vào cuối năm 2016, số vụ tự sát tại đây vào năm 2017 là 150 vụ, giảm đáng kể so với 211 vụ của năm 2016.

tu tu anh 3

Năm 2016, chính phủ Hàn Quốc cho lắp đặt cấu trúc bổ sung trên lan can của một số cây cầu quanh sông Hàn như một biện pháp chống tự tử. Ảnh: Yoon Min-sik/The Korea Herald.

Trong quá khứ, đã có nhiều tranh cãi liên quan đến một số biện pháp chống tự sát tại cầu sông Hàn. Ví dụ điển hình là các thông điệp ngăn chặn tự tử được ghi trên lan can cầu Mapo vào năm 2012 và cầu Hangang vào năm 2012 và 2013.

Một số là những lời động viên, an ủi, nhưng cũng có một số người khác sẵn sàng viết những câu thách thức lên cầu như “Hãy thử đi!”, “Haha haha"... Các thông điệp này buộc phải xóa khỏi cầu Mapo vào năm 2019 và xóa khỏi cầu Hangang vào năm 2021.

Cần làm nhiều hơn

Đã có những cuộc thảo luận mới về việc chính phủ nên làm gì hơn nữa để ngăn chặn những người có ý định tự tử.

Một trong số đó là lời kêu gọi lắp đặt lan can cao tại tất cả các cây cầu tại Hàn Quốc. Nếu chỉ có cầu Mapo được trang bị, lắp đặt lan can cao, người có ý định tự tử sẽ di chuyển sang các cây cầu xung quanh.

Cuộc kiểm toán quốc hội tại Hàn Quốc vào tháng 10/2022, cho thấy 8/20 cây cầu trên sông Hàn do chính quyền Seoul quản lý không có hàng rào an toàn, camera giám sát hoặc chuông khẩn cấp để liên kết với các nhân viên cứu hộ.

Các báo cáo cũng chỉ ra số người chết do nhảy cầu thậm chí còn nhiều hơn so với tai nạn ô tô tại 13/20 cây cầu trong cùng một thời điểm.

Bên cạnh đó, đã có 470 vụ tự tử từ cầu sông Hàn vào năm 2020, 615 vụ vào năm 2021 và 598 vụ chỉ trong nửa đầu năm 2022. Điều này chứng minh số ca tử vong do nhảy cầu đang có xu hướng gia tăng tại đất nước kim chi.

Sự cố được mô tả lại ở đầu bài báo của The Korea Herald cho thấy những chi tiết nhỏ nhất cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến các nỗ lực ngăn chặn tự sát không thành công.

Trong trường hợp này, lan can ở cầu Wonhyo đủ thấp để một phụ nữ Hàn Quốc có chiều cao trung bình có thể dễ dàng trèo qua. Đồng thời, việc thiếu bốt điện thoại cũng khiến cô không thể liên lạc với nhân viên tư vấn khi trong trạng thái hoảng loạn, cần sự giúp đỡ.

Một cuộc điện thoại di động chớp nhoáng trên cầu, người gọi phải nói hết cỡ để át tiếng ồn xung quanh, tiếng xe cộ, tiếng gió thổi… Đó không phải là tình huống lý tưởng để nhân viên cứu hộ có thể thương lượng với một người đang có ý định tự sát.

tu tu anh 4

Một chiếc chuông cứu hộ để người dân báo cáo trong trường hợp khẩn cấp khi thấy ai đó tự tử.

Ảnh: Yoon Min-sik/The Korea Herald.

Theo Cho Han Ah, cô ấy thấy có đến 10 nhân viên cứu hộ tại hiện trường dường như đang “thẩm vấn” A bằng tất cả các câu hỏi. Cô gợi ý rằng các chuyên gia tâm lý, các cố vấn nên là người tiếp xúc đầu tiên với những người có ý định tự tử.

Hiện tại, các đường dây nóng LifeLine Korea theo số 1588-9191 đang được vận hành bằng tiếng Hàn. Đây là đường dây nóng ngăn chặn tự tử chính thức, do chính phủ Hàn Quốc điều hành. Cả hai đường dây nóng đều hoạt động 24/24.

Những ai muốn được tư vấn bằng tiếng nước ngoài qua điện thoại cũng có thể gọi đến Tổng đài Danuri, được điều hành bằng tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Việt, tiếng Tagalog, tiếng Khmer, tiếng Mông Cổ, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Thái, tiếng Lào, tiếng Uzbek và tiếng Nepal.

Hai cô gái giúp lật tẩy ‘phòng chat thứ N’ rúng động Hàn Quốc

Nhóm nữ sinh đã thâm nhập vào “địa ngục mạng”, nơi nhiều phụ nữ và trẻ em gái bị bóc lột tình dục, và giúp bắt những kẻ cầm đầu.

'Giải oan' cho Gen Z

Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.

Mỹ Mỹ

Bạn có thể quan tâm