Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cuộc thi Hoa hậu Hồi giáo: 'Tôi ở đây để chứng minh người Mỹ sai lầm'

Cuộc thi Hoa hậu Hồi giáo Mỹ ra đời không chỉ tạo sân chơi cho những người phụ nữ theo đạo Hồi, mà còn mong muốn làm thay đổi định kiến tiêu cực của xã hội về người Hồi giáo.

Suốt một thế kỷ qua, các cuộc thi nhan sắc đã gắn liền với bản sắc văn hóa nước Mỹ. Tuy nhiên, cuộc thi Hoa hậu Hồi giáo Mỹ mang đến cho quốc gia đa sắc tộc này một làn gió hoàn toàn mới.

Điểm đặc biệt của chương trình đó là các thí sinh được phép đeo hijab, biểu tượng đức tin của họ, trong lúc tham gia các vòng thi.

Người sáng lập cuộc thi là Maghrib Shahid (39 tuổi), một nhà thiết kế thời trang da đen theo đạo Hồi đến từ bang Ohio (Mỹ). Cô cho biết những người phụ nữ Hồi giáo đang phải chịu sự phân biệt đối xử nghiêm trọng trên đất Mỹ. Họ thường xuyên là mục tiêu của các cuộc tấn công.

Hoa hau Hoi giao My anh 1

Maghrib Shahid, nhà sáng lập chương trình Hoa hậu Hồi giáo Mỹ.

“Tôi muốn tạo cơ hội cho những cô gái Hồi giáo thay đổi định kiến xã hội về chính bản thân họ”, cô nói với New York Times.

Halima Yasin Abdullahi (23 tuổi), người đăng quang ngôi vị Hoa hậu Hồi giáo năm 2017, cho biết đến bây giờ cô vẫn nhận thấy sức tác động mạnh mẽ mà danh hiệu đem lại.

“Tôi trở nên mạnh mẽ và tin tưởng vào chính mình. Tôi cũng học được cách trân trọng bản thân và chấp nhận những thiếu sót chưa hoàn thiện. Đây là chính tôi”, cô chia sẻ.

Để tham gia cuộc thi này, các thí sinh phải là người Hồi giáo. Phụ nữ trong độ tuổi từ 17 đến 40 đều được đăng ký với lệ phí là 250 USD.

Sau quá trình sàng lọc ban đầu, những người lọt vào vòng trong sẽ chuẩn bị cho 4 phần thi, bao gồm: abayah (áo choàng truyền thống), burkini (áo tắm che kín thân), váy dạ hội (trang phục không được phép bó sát, nếu không sẽ bị loại) và tài năng (đọc thơ hoặc một bài kinh Quran).

Phần thi cuối cùng là vấn đáp. Các cô gái phải trả lời câu hỏi: “Nếu bạn được đăng quang ngôi vị cao nhất, bạn sẽ sử dụng nó như thế nào để thay đổi định kiến của xã hội về phụ nữ Hồi giáo như thế nào?”

Người chiến thắng giữ danh hiệu Hoa hậu Hồi giáo Mỹ trong vòng một năm.

Cô phải ký một bản hợp đồng tuân thủ một số quy tắc ứng xử nhất định, tránh tình trạng làm xấu hình ảnh của chương trình.

Đồng thời, người được đăng quang sẽ tham gia trình diễn tại sự kiện thời trang hàng năm của thương hiệu Perfect For Her.

Shahid, nhà sáng lập chương trình, sẽ giúp hoa hậu liên hệ với các nhà tài trợ và show diễn thời trang.

“Cuộc thi làm bạn giàu có hơn hay không không quan trọng. Cái chính là nó sẽ tạo nên một sự tác động lớn làm thay đổi xã hội thật sự. Tôi muốn các thí sinh được tăng cường nhận thức và bồi dưỡng tâm hồn. Tôi muốn thay đổi cuộc đời họ”, cô chia sẻ.

Ước mơ thời thơ ấu của Shahid chính là tham gia một cuộc thi nhan sắc. Nhưng càng lớn, cô càng nhận ra rằng xung quanh ít ai ăn mặc giống cô hay có chung đức tin với cô. Điều đó làm Shahid nhụt chí và không còn mơ ước về ngôi vị hoa hậu.

“Nhưng giờ đây, tôi đang thực hiện mong muốn của mình thông qua các thí sinh chương trình Hoa hậu Hồi giáo Mỹ”, cô nói.

Hoa hau Hoi giao My anh 3

Một thí sinh sải bước trên sân khấu.

Các thí sinh đầy tiềm năng

Các cô gái tham dự cuộc thi năm nay đều là những gương mặt sáng giá. Xúng xính trong những bộ trang phục lộng lẫy, họ tự tin nói lên những suy nghĩ của mình về vấn đề nữ quyền, định kiến tiêu cực của xã hội về người Hồi giáo hay niềm mong muốn được nhìn nhận như một phần “bình thường” tại nước Mỹ.

“Tôi là một nhà hoạt động nữ quyền người Hồi giáo. Nhiều người nghĩ rằng “nhà nữ quyền” và “Hồi giáo” là hai từ không tương xứng với nhau, nhưng tôi tới đây để chứng minh rằng họ đã sai”, Zeytuna Mohamed (22 tuổi), thí sinh đến từ thành phố Des Moines (bang Iowa), phát biểu.

“Tôi chưa từng bị áp bức. Tôi không bảo thủ, và chắc chắn tôi không bị giam cầm như những gì họ nghĩ”, cô nói.

“Nước Mỹ là quê hương của tôi. Đây là mái nhà duy nhất mà tôi được biết”, Umuhani Abdullahi (20 tuổi), thí sinh đại diện cho bang Kentucky, nói trong bài phát biểu.

“Tôi mong ước rằng một ngày nào đó những cô gái quấn hijab như tôi sẽ xuất hiện trên những tạp chí thời trang, video quảng cáo, các tấm billboard và cả trong những bộ phim nữa”, cô chia sẻ.

Hoa hau Hoi giao My anh 4

Umuhani Abdullahi (20 tuổi), thí sinh đại diện cho bang Kentucky.

Andrea Rahal (30 tuổi) cũng là một trong những cô gái tham dự cuộc thi. Cô chính là người tìm kiếm hơn 30 nhà tài trợ cho chương trình năm nay, đồng thời thuyết phục Shahid chuyển cuộc thi từ Columbus (bang Ohio) về thành phố Dearborn (bang Michigan), nơi tập trung đông đảo người Mỹ gốc Arab nhất cả nước.

“Tôi chưa từng nghĩ mình có cơ hội tham gia cuộc thi hoa hậu cho tới khi biết đến chương trình này. Đó luôn là ước mơ cháy bỏng trong tôi. Vì vậy, tôi chấp nhận mạo hiểm và nắm lấy vận may, đưa cuộc thi về Dearborn này để nhiều cô gái như tôi có thể tham dự”, Rahal chia sẻ.

Phụ nữ Hồi giáo phải cất lên tiếng nói riêng

Mặt khác, cuộc thi Hoa hậu Hồi giáo Mỹ nhận được phản ứng dữ dội từ một bộ phận người theo đạo Hồi. Họ cho rằng chương trình làm sai lệch đi chuẩn mực khiêm tốn của một người phụ nữ Hồi giáo. Tuy nhiên, Shahid không nản lòng.

“Chúng ta đang sống trong thế giới thực. Phụ nữ Hồi giáo phải cất tiếng nói riêng. Nếu chúng ta muốn thay đổi, chúng ta phải thực hiện điều đó”, cô cho biết.

“Bạn hoàn toàn có thể bước ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân để trở thành một phần của cuộc thi. Tôi hiểu rằng cơ hội này chưa từng xảy ra trước đây. Nhưng giờ đây, chúng ta có chương trình này rồi. Vì vậy, hãy nắm lấy nó”, Shahid nói thêm.

Hoa hau Hoi giao My anh 5

Mariam Hussein, thí sinh đại diện cho bang Michigan.

Bản thân cuộc thi năm nay cũng có nhiều thay đổi khác so với 3 mùa trước để đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng phụ nữ Hồi giáo.Những người phụ nữ không theo đạo Hồi, tức không đeo khăn hijab, cũng sẽ được tranh tài cùng với những người đeo khăn hijab. Ngoài ra, chương trình nhận thêm 2 thí sinh quốc tế đến từ Kazakhstan và Anh.

Shahid nghĩ rằng vẫn còn nhiều việc khác cần phải làm để phát triển 100% tiềm năng của cuộc thi.

“Sẽ mất thời gian để làm cuộc thi trở nên hoàn hảo hơn. Nếu có càng nhiều người ủng hộ chương trình Hoa hậu Hồi giáo Mỹ, có lẽ 10 năm sau chúng ta sẽ phát triển hơn với động lực lớn hơn nữa”, cô nói.

‘Đó là việc của cô’ - phụ nữ Hong Kong quá tải việc nhà

Đàn ông thường thoái thác việc nhà vì định kiến cố thủ “việc nhà là việc của phụ nữ”. Đã đến lúc loại bỏ quan niệm về vai trò của nam và nữ trong gia đình.

Hồng Chang

Ảnh: New York Times

Bạn có thể quan tâm