Cườm nước (hay còn gọi là glôcôm hoặc thiên đầu thống) là một trong những căn bệnh về mắt phổ biến nhất hiện nay. Cườm nướcxảy ra khi thuỷ dịch bên trong mắt không thể thoát ra ngoài, khiến áp lực trong mắt tăng dần, từ đó dẫn đến dây thần kinh thị giác (dây thần kinh kết nối giữa mắt và não bộ) bị tổn thương.
Căn bệnh này có thể dẫn đến mù vĩnh viễn không hồi phục. Dù vậy, không nhiều người có nhận thức đầy đủ về cườm nước và cách phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này.
"Kẻ cắp" thị lực thầm lặng
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cườm nước là loại bệnh lý chiếm tỷ lệ 8% trong tổng những nguyên nhân gây mù lòa thường gặp, đứng thứ 2 trên thế giới chỉ sau bệnh đục thủy tinh thể. Tổ chức này ước tính trong năm 2020, căn bệnh đã cướp đi thị lực vĩnh viễn của 11 triệu người, chiếm tới 13% trong tổng số ca bệnh về mắt.
Cườm nước được ví như “kẻ cắp ánh sáng” thầm lặng. Ảnh: Bệnh viện Mắt Sài Gòn. |
Cườm nước cũng là nguyên nhân gây mù đứng thứ hai tại Việt Nam. Được ví như “kẻ cắp ánh sáng” thầm lặng, cườm nước thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm mà tiến triển âm thầm, từ từ và nặng dần. Trong giai đoạn đầu, người bệnh không cảm thấy đau đớn, khó chịu, tầm nhìn vẫn rõ ràng. Theo báo cáo y tế từ WHO, có khoảng 50% bệnh nhân tại các nước phát triển và 90% tại các nước đang phát triển không nhận ra dấu hiệu bệnh.
Tại Việt Nam, theo báo cáo mới nhất của Bệnh viện mắt Trung ương, có hơn 94% người dân chưa biết rõ về căn bệnh nguy hiểm này. Phần lớn bệnh nhân chỉ đến khám khi cảm thấy thị lực đã suy giảm nghiêm trọng, bắt đầu gặp khó khăn khi đọc chữ, lái xe; nhức mắt liên tục; mắt mờ đột ngột, nhìn thấy quầng xanh đỏ... Lúc này, bệnh đã chuyển sang mức độ nặng. Người bệnh vô tình bỏ lỡ thời gian vàng để điều trị, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.
Chị Lê Ngọc Bình, 28 tuổi - kế toán tại Hà Nội, chia sẻ: “Theo nghề kế toán, tôi thường xuyên tiếp xúc nhiều thiết bị điện tử liên tục. Tuy nhiên, vì thấy thị lực vẫn ổn nên tôi không thường kiểm tra mắt định kỳ. Đợt vừa rồi đột nhiên bị đau đầu, nhiều lần đang làm việc mà mắt mờ hẳn nên tôi đi khám mới phát hiện bị chứng tăng nhãn áp. Bây giờ tôi chỉ biết nghe theo phác đồ điều trị của bác sĩ để giữ phần thị lực còn lại”.
Khác với hầu hết bệnh mắt thường gặp ở người cao tuổi, cườm nước xuất hiện do nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau, điển hình như di truyền; người bị cận hoặc viễn thị nặng; người bị tăng huyết áp, tiểu đường; người có nhãn áp cao hay có tiền sử sử dụng corticoid kéo dài... Do vậy, bệnh này có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, kể cả ở trẻ sơ sinh hoặc thanh thiếu niên, thậm chí với người có thị lực tốt.
Tổn thương bởi cườm nước không thể phục hồi
Nếu cườm nước không được phát hiện ngay giai đoạn đầu thì những tổn thương thị lực sẽ không thể phục hồi. Những phương pháp điều trị hiện nay chỉ có tác dụng hạn chế tổn thương, duy trì và bảo tồn phần thị giác còn lại của bệnh nhân.Do đó, bác sĩ nhãn khoa và các chuyên gia về mắt khuyến cáo việc khám và tầm soát bệnh thường xuyên và điều trị sớm là rất quan trọng. Càng được chẩn đoán sớm, bệnh nhân tổn thương càng ít và thị lực giữ lại càng nhiều.
Tuân thủ theo phác đồ điều trị và tầm soát cườm nước là cách hiệu quả để bảo vệ đôi mắt. |
Bên cạnh đó, bệnh nhân không nên đánh giá chủ quan dựa vào tầm nhìn của bản thân mà nên kiểm tra cườm nước bằng các phương pháp y khoa tại những bệnh viện chuyên về mắt.
Hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này, hệ thống Bệnh viện Mắt Sài Gòn kết hợp với Công ty TNHH Novartis Việt Nam thực hiện chương trình tọa đàm trực tuyến “Cẩn thận với kẻ cắp ánh sáng - Căn bệnh Glôcôm” nhằm mang đến những thông tin bổ ích, giải đáp thắc mắc thường gặp về bệnh. Buổi tọa đàm có sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, y bác sĩ nhãn khoa hàng đầu hiện nay. Chương trình sẽ mang đến nhiều thông tin chi tiết về bệnh cườm nước như quá trình tiến triển, dấu hiệu nhận biết, các biện pháp can thiệp kịp thời...
Buổi tọa đàm trực tuyến “Cẩn thận với kẻ cắp ánh sáng - Căn bệnh glôcôm” với sự tham gia của của các chuyên gia, bác sĩ đến từ Hệ thống Bệnh viện Mắt Sài Gòn, mang đến những thông tin bổ ích cũng như giải đáp các thắc mắc thường gặp. Chương trình được phát trực tuyến vào 19h30 ngày 23/11 trên fanpage của Hệ thống Bệnh viện Mắt Sài Gòn. Độc giả tham gia buổi giao lưu tại đây.
Bình luận